Ngông có chất Câu chuyện của gần 4 năm trước tưởng là giai thoại nhưng đó lại là sự thật. Và không chỉ một chuyện ấy, rất nhiều nghệ sĩ tiếng tăm, sẵn sàng vét hầu bao để sưu tầm đủ loại nghệ thuật có chất lượng. Ngược hẳn với những thần tượng công chúng về âm nhạc hay điện ảnh, như Mick Jagger bỏ tiền mua các lâu đài của Pháp, Marlon Brando tậu một hòn đảo san hô ở Pylonesia hay Amy Winehouse với thiên đường nhân tạo, các ngôi sao trong làng mỹ thuật đa phần lao mình vào thị trường nghệ thuật để chứng tỏ rằng họ cũng biết “chơi”, nhưng chơi rất nhu mì, rất “nghệ thuật”. Dù cho đó là những nhà điêu khắc, họa sĩ hay nghệ sĩ tạo hình thì họ thật sự là những ngôi sao đúng nghĩa. Họ bán những tác phẩm của mình với giá cao ngất ngưởng rồi với gia tài kếch sù đó họ làm tất cả để thỏa mãn niềm đam mê nghệ thuật của mình. Và niềm đam mê đó dường như không có giới hạn… Jeff Koons quá nổi tiếng, nhưng ông không bao giờ phung phí tiền bạc vào những trò chơi sang quý của giới thượng lưu, không nhà sang cửa rộng, không xe hơi, tàu thủy, máy lượn. Ông chỉ bị danh họa Courbet ám ảnh. Có tiền là ông đến với Courbet, nhất là những khi ông bán được mấy chú thỏ mạ kền sáng loáng của mình với giá mỗi con hơn 1 triệu USD. Và khi cơn thèm lên đến đỉnh điểm, nghệ nhân ấy sẵn sàng vay tiền mua tranh. Jeff Koons có 3 bức họa của Courbet, tất cả đều là niềm mơ ước của tất cả các bảo tàng lớn trên thế giới. Jeff không phải là trường hợp ngoại lệ. Những nghệ sĩ nổi tiếng như họa sĩ người Mỹ Jasper Johns, Julian Schnabel, nghệ nhân người Đức Georg Baselitz, Miquel Barcelo (Tây Ban Nha) hay Jan Fabre (Bỉ) luôn sống trong ánh hào quang của các bậc tiền bối. Trong ngôi nhà vừa là bảo tàng riêng của mình tại Connecticut (Mỹ), Jasper Johns trưng bày đầy ắp các tác phẩm nghệ thuật trong cơ ngơi của mình: phòng khách là một bức tranh của Cézanne, phòng ngủ là một bức lập thể của Picasso và bức một phụ nữ đang nằm của Matisse. Xưởng vẽ của Johns cũng treo hai bức của Cézanne, một bức của Magritte và một của Duchamp. Trong bếp, có một bức vẽ lớn của Seurat, ngay cả trong phòng tắm cũng có một tác phẩm của Degas… Hai danh họa Julian Schnabel và Miquel Barcelo đều có cùng một gu thẩm mỹ là Picasso và các bức tranh khắc của Piranèse, trong khi Jan Fabre đã gom góp được một số lượng đồ sộ các tác phẩm vẽ trên giấy của Félicien Rops, Fernand Khnopff, James Ensor và Marcel Broodhaers. Tinh chọn
Vẫn cùng một cách sống như trên còn có nữ nhiếp ảnh gia Nan Goldin. Tại ngôi nhà riêng của mình ở New York, ngoài những hiện vật bảo tàng khác, cô còn mang về cho mình rất nhiều những “chiến lợi phẩm” kỳ quặc, như một bộ sưu tập được lộng kính, bím tóc của các bé gái vị thành niên đã chết vào giữa thế kỷ 19. Trong khi đó, nghệ sĩ tạo hình Daniel Buren người Pháp đã mang về căn hộ của mình tại Paris một trong những bộ sưu tập được xem là kỳ vĩ nhất của mọi thời đại, đó là các tác phẩm và hồ sơ lưu trữ mang tính sự kiện, các sách xuất bản gốc, các trang viết tay, thậm chí truyền đơn và các tạp chí cùng nhiều bích chương quảng cáo thuộc loại hiếm. Thomas Sachs, một nghệ sĩ tạo hình “gàn dở” người Mỹ là fan tuyệt đối trung thành của ca sĩ James Brown và đã dựng ngay trong nhà một bàn thờ ca sĩ này (mất năm 2006) với những di vật của James Brown mà ông mua được từ nhà Christie’s với giá cao kinh khủng, như chiếc vòng đeo tay chữa bệnh, hộ chiếu, chiếc đĩa và bộ dao muỗng mà ông hoàng nhạc soul này đã dùng bữa cuối cùng trước khi qua đời. Có thể rất nhiều người cho rằng việc làm trên của những ngôi sao này là chuyện phù phiếm. Song, cũng có một câu hỏi đặt ra là phải chăng những nghệ sĩ này đang “làm ăn thật”, đang “chơi một canh bạc lớn” mà chưa ai đoán được? Họa sĩ người Bỉ Wim Delvoye, vốn đã được biết đến qua tác phẩm những chú heo xăm mình, đã mua lại một mảnh đất rộng rồi sau đó khoanh lại. Ngoài ngôi nhà cùng xưởng thiết kế, người ta còn thấy thêm một khu vườn cảnh Trung Hoa được chăm sóc cẩn thận và một khu vực đặc biệt “cất giấu” nhiều bức tranh của các họa sĩ thế kỷ 17 cũng như 35 tập Bách khoa toàn thư đợt xuất bản đầu tiên của Diderot và Alembert. Khi được hỏi mục đích của việc làm này, Wim Delvoye khẳng định: “Đúng là tôi thiết kế nên những tác phẩm hoành tráng và đắt tiền. Mọi người nói rằng họ không hiểu tại sao tôi lại phải mất quá nhiều thời gian cho những quyển sách mà xem ra chúng chẳng mang lại lợi lộc gì cả. Họ đã sai, bởi vì nhiều người sẵn sàng bỏ ra khối tiền để mua những tác phẩm của tôi và tôi bỏ nhiều tiền để mua lại những tác phẩm khác. Những việc làm phi vụ lợi đã làm nên người nghệ sĩ. Theo Tường Nguyễn - TT&VH |