Văn nghệ thế giới
Haruki Murakami: Tiểu thuyết gia chạy bộ
09:54 | 24/02/2011
Cuốn tự truyện về chạy bộ này không đặt cứu cánh truyền đạt bí quyết làm sao để khoẻ mạnh (dù nó hoàn toàn làm được điều đó), mà giúp những bạn đọc yêu mến Haruki Murakami giải đáp câu hỏi: vì sao tiểu thuyết gia này có một sức sáng tạo dồi dào như thế.
Haruki Murakami: Tiểu thuyết gia chạy bộ

Ở tuổi 30, Haruki Murakami mới bắt đầu sự nghiệp của một tiểu thuyết gia cùng lúc với việc luyện tập chạy bộ cự ly dài. Cho đến nay, sau hơn chục cuốn tiểu thuyết nổi tiếng toàn cầu, thì đồng thời sự nghiệp chạy bộ của ông cũng đạt đến một “chuẩn chạy nghiêm túc”: trung bình 36 dặm một tuần. Trong thời điểm “đỉnh cao” ở tuổi 40, thời điểm sung sức, toả sáng của văn nghiệp, ông cũng được thế giới biết tới với tư cách là vận động viên tham gia hàng chục cuộc marathon đường dài ở Mỹ, Nhật, Hy Lạp…; có thể chạy với tốc độ chỉ mất năm phút cho một cây số.

Tôi nói gì khi nói về chạy bộ được tác giả viết từ mùa hè 2005 đến mùa thu 2006. Thiên Nga dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn, 2011, 236 trang, 45.000 đồng.

Có thể thấy, Murakami đã bắt đầu nghề văn với một ý thức kỷ luật khi cảm nghiệm hết cái tinh thần tự buộc mình ngồi vào bàn viết mỗi ngày của Raymond Chandler hay bí quyết “biết nghỉ khi thấy mình còn có thể viết được vào hôm sau” của Ernest Hemingway… và tìm thấy con đường của mạch nguồn sáng tạo nơi chính mình, là ở sự hoà quyện sức khoẻ tinh thần, thể chất – sự duy trì song song giữa chạy và viết: “Phần lớn những gì tôi biết được về viết lách là tôi học được từ việc chạy bộ mỗi ngày”.

Nhại theo tên tập truyện ngắn của Raymond Carver – Mình nói gì khi mình nói chuyện tình, Murakami qua Tôi nói gì khi nói về chạy bộ mô tả việc chạy bộ như một sự hướng đến cái dẻo dai thể chất, duy trì sự tĩnh lặng riêng tư cho sức khoẻ tinh thần: “Tôi chạy bộ để đạt được một sự rỗng không. Nhưng như bạn cũng đoán được, thảng hoặc một ý nghĩ sẽ lẻn vào cái rỗng không này. Tâm trí con người không thể hoàn toàn trống rỗng. Cảm xúc con người không đủ mạnh mẽ hay kiên định để duy trì một tình trạng chân không. Điều tôi muốn nói là, các kiểu tư tưởng và ý nghĩ xâm chiếm những cảm xúc của tôi trong lúc tôi chạy vẫn là thứ yếu so với cái rỗng không ấy. Không có nội dung, chúng chỉ là những ý nghĩ bất chợt tập hợp xung quanh cái rỗng không trung tâm đó”.

Haruki Murakami mổ xẻ được những trạng thái trải nghiệm, tâm lý sáng tạo của chính mình ngay trong việc chạy bộ, như một cuộc thường xuyên ghé thăm nội tâm để thấu đạt “nỗi buồn của người chạy” khi thất vọng chính mình, hay đón nhận những phấn hứng sảng khoái khi quan sát thiên nhiên đổi thay, quang cảnh đời sống, nhất là để cơ thể vận động trong sự tuyệt vời của âm nhạc (ông thích nghe nhạc jazz, rock bằng chiếc máy MD trong khi chạy)… Và, với tiểu thuyết gia chạy bộ, điều quan trọng nhất là nghe được “tiếng bước chân tôi, hơi thở và nhịp đập trái tim tôi, tất cả hoà quyện cùng nhau trong một phức điệu duy nhất”.


Mọi người đôi khi cười khẩy những người chạy bộ mỗi ngày, tuyên bố là họ sẽ làm bất cứ gì có thể để sống thọ hơn. Nhưng tôi không nghĩ đó là lý do để hầu hết người ta chạy. Hầu hết những người chạy bộ chạy không phải vì họ muốn sống lâu hơn, mà vì họ muốn sống trọn vẹn. Ngay cả khi ta chỉ định sống cho qua ngày đoạn tháng thì vẫn sẽ tốt hơn nhiều nếu sống những năm tháng ấy với những mục đích rõ ràng và sống động trọn vẹn thay vì bối rối hoang mang, và tôi tin rằng chạy bộ giúp ta làm được điều đó. Cố gắng tối đa trong những giới hạn cá nhân của mình: đó là bản chất của chạy bộ, và là một ẩn dụ cho cuộc sống – cho tôi, và cả cho viết lách.

(trích trong cuốn Tôi nói gì khi nói về chạy bộ)


Từ đó, ông tìm ra mối dây liên hệ tương đồng giữa việc chạy bộ cự ly dài hàng ngày với việc viết tiểu thuyết. Ông hiểu rằng, đây là những công việc phù hợp với tạng chất của mình. Trước hết, đó là những “bộ môn” có tính cá nhân cao, đòi hỏi sức lao động bền bỉ và là một quá trình không ngừng hướng nội để đối diện, vượt qua giới hạn cũ. Ông viết: “Trong nghề viết tiểu thuyết, đối với tôi, không có những gì thắng hay thua. Có lẽ con số sách được bán ra, số giải thưởng giành được, và lời khen ngợi của các nhà phê bình cũng là những tiêu chuẩn bên ngoài đối với một thành tựu văn chương, nhưng không có gì trong những thứ ấy thực sự quan trọng. Điều quan trọng là việc viết lách của anh có đạt đến những chuẩn mực anh đã tự đặt ra cho mình hay không. Không đạt được chuẩn mực ấy là điều ta không thể dễ dàng biện minh. Khi liên quan đến người khác, anh luôn có thể có một câu trả lời hợp lý, nhưng anh không thể tự lừa dối mình. Trong nghĩa này, viết tiểu thuyết và chạy bộ marathon toàn cự ly là rất giống nhau. Cơ bản thì một nhà văn có một động cơ âm thầm, nội tại, và không tìm kiếm sự công nhận ở cái nhìn thấy được bên ngoài”.

Cuốn sách này không khuyên bạn đọc – nhất là các nhà văn có ý nghĩ phải nhếch nhác thất thường hư đốn mới là làm văn chương – rằng, phải thay đổi lối sống hay quan niệm, rằng việc chạy bộ sẽ rất tốt, nhưng ít ra, nó kể cho chúng ta câu chuyện, một hệ thống quan điểm về lối sống và lối viết của một tiểu thuyết gia Nhật đang làm say lòng bạn đọc trẻ toàn cầu.

Ông mượn lối nói của René Descartes: “Tôi chạy, vậy nên tôi tồn tại!” Cuối sách, Murakami viết: “Một ngày nào đó, nếu tôi có một bia mộ và tôi có thể chọn cái để khắc trên ấy, tôi muốn nó đề thế này: “HARUKI MURAKAMI 1949 – 20...; nhà văn (kiêm người chạy bộ). Ít ra ông ấy không bao giờ cuốc bộ”.


- Haruki Murakami là nhà văn, dịch giả Nhật, được biết đến như một hiện tượng văn chương toàn cầu; hơn 30 tác phẩm tiểu thuyết và tập truyện ngắn của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng sau khi phát hành. Nhiều năm liền, đây là cái tên được đề cử giải Nobel Văn học.

- Bạn đọc Việt Nam biết đến ông qua các tiểu thuyết nổi tiếng Rừng Na Uy (Hạnh Liên và Hải Thanh dịch theo bản tiếng Anh của Alfred Birnbaum, Bùi Phụng hiệu đính, NXB VH, 1997).

- Năm 2006 Nhã Nam mua tác quyền và phát hành lại Rừng Na Uy do Trịnh Lữ dịch theo bản của Jay Rubin (NXB HNV) và tác phẩm khác của Murakami: Biên niên ký chim vặn dây cót (tiểu thuyết, Trần Tiễn Cao Đăng dịch, NXB HNV, 2006), Phía nam biên giới, phía tây mặt trời (tiểu thuyết, Cao Việt Dũng dịch, NXB HNV 2007), Kafka bên bờ biển (tiểu thuyết, Dương Tường dịch, NXB HNV, 2007), Người tình Sputnik (tiểu thuyết, Ngân Xuyên dịch, NXB HNV, 2008), Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới (tiểu thuyết, Lê Quang dịch, NXB HNV, 2010), và Ngầm (phi hư cấu, Trần Đĩnh dịch, NXB VHSG, 2009).

- Ngoài ra, tại Việt Nam, các tập truyện ngắn của nhà văn này như: Đom đóm, Sau cơn động đất, Người Tivi, Bóng ma ở Lexington, Ngày đẹp trời để xem Kangaroo, qua bản dịch của Phạm Vũ Thịnh đã được phát hành rộng rãi và được bạn đọc đón nhận đặc biệt.

- Tiểu thuyết Cuộc săn cừu hoang và 1Q84 của Haruki Murakami cũng sắp được công ty Nhã Nam cho ra mắt bạn đọc Việt Nam.



                                                                                                  Theo SGTT.VN











Các bài mới
Các bài đã đăng