[if gte mso 9]>
Normal
0
false
false
false
MicrosoftInternetExplorer4
Ông thường vẽ những bông hoa cắm trong một cái bình đất liên tục từ sáng sớm tới chiều muộn vì hoa này rất nhanh tàn. Ông cho rằng cơ sở đầu tiên của hội hoạ là nét tạo kết cấu vững chắc: hệ thống nét quằn quại, uốn lượn như lửa, xoắn kết rồi tung tán như xoáy lốc hay gió cuốn, nước chảy đặc trưng cho phong cách Van Gogh.
Bản giao hưởng vàng – lục của ông quá nhiều cung bậc, tinh tế, hào hùng và bi đát, chỉ có thể so với các giao hưởng của Beethoven. Van Gogh quy giản không gian về hai chiều, bình đồ như các hoạ sĩ Á Đông để nhấn mạnh vẻ đồ sộ phi thường của những đoá hoa gân guốc, thô nhám, không mảy may hoa mỹ, ẻo lả hay điệu đà, mời gọi nhàm chán… Ở bình hoa đó hoạ sĩ muốn gói trọn một kiếp người, một vòng sống: sinh ra – tươi non – trưởng thành – yêu thương – sinh sản – già nua héo tàn và chết! Màu vàng – Van Gogh được một số người lý giải là hệ quả của bệnh thấy ánh vàng hay do kỹ thuật chế màu chói sáng nhờ có gốc chì. Điều đó dĩ nhiên là phiến diện bởi trong các bức thư gửi Theo, người em trai, Van Gogh nói ông vẽ loạt tĩnh vật hoa hướng dương để thể hiện tâm hồn và tư tưởng của chính ông và của cả một thời đại sẽ tới. Ông tự ám chỉ mình là hoạ sĩ của tương lai. Hành động vẽ là hành động sống, nét vẽ là chính nhịp đập của máu từ tim và rung động của thần kinh từ khối óc, trực tiếp, không qua một trung gian nào. Và đó chính là tôn chỉ nghệ thuật của các phái dã thú, biểu hiện ở châu Âu và biểu hiện trừu tượng ở Mỹ suốt cả thế kỷ 20.
Hoàn toàn không quá khi nói: nếu là hoạ sĩ trẻ sinh sau Van Gogh, chắc chắn bạn phải có lúc đã từng coi ông cùng những bông hướng dương này là mặt trời hội hoạ của mình.
Theo Nguyễn Quân - SGTT