Văn nghệ thế giới
Điều đặc biệt khiến "Cây đời" giành Cành Cọ Vàng
15:46 | 25/05/2011
“Cây đời” (The tree of life) đã chiến thắng xứng đáng tại LHP Cannes vừa kết thúc cuối tuần qua. Giải thưởng giành cho bộ phim đã được dự đoán từ trước vì đây là bộ phim khá đặc biệt của một người đạo diễn cũng đặc biệt đó là Terrence Malick.
Điều đặc biệt khiến
Một cảnh trong bộ phim "The tree of life"

Bộ phim “đặc biệt”
 
Thực ra, “Cây đời” đã được gửi tới dự LHP Cannes 2010 nhưng do không hoàn thành kịp phần hậu kỳ nên phải lùi tới Cannes năm nay.

“Số phận” của “Cây đời” cũng khá chuân chuyên. Năm 2005, đạo diễn Terrence Malick mời Colin Farrell và Mel Gibson tham gia bộ phim, nhưng sau đó, Sean Penn và Heath Ledger lại được chọn để thay thế. Tuy nhiên, Heath Ledger lại từ chối không tham gia bộ phim để cuối cùng Brad Pitt có cơ hội làm việc cùng đạo diễn Terrence Malick. Điều đặc biệt là Jennifer Aniston, vợ cũ của Brad Pitt, cũng tham gia sản xuất bộ phim này.

“Cây đời” kể về cuộc sống của một gia đình trung lưu tại một thành phố nhỏ thuộc bang Texas của Mỹ trong giai đoạn những năm 1950. Người cha, do Brad Pitt thủ vai, là người độc đoán và ám ảnh bởi sự thành đạt của 3 đứa con trai. Người mẹ, do nữ diễn viên Jesssica Chastain thủ vai, lại hiền dịu, bao dung, luôn biết cách động viên, an ủi con cái.

Jack, đứa con trai đầu lòng trong gia đình, luôn phải đấu tranh giữa hai thái cực hoàn toàn trái ngược là bố và mẹ, giữa sự nghiêm khắc, ích kỷ với sự dịu dàng, rộng lương. Cậu cũng phải học cách hứng chịu những đòi hỏi nghiệt ngã của người cha và cách chia sẻ tình cảm của mẹ với những đứa em.

Vì thế, thời ấu thơ của Jack là sự pha trộn giữa niềm vui, hạnh phúc, nỗi ám ảnh và luôn đối diện với sự lạc lõng trong chính tâm hồn mình, cảm thấy tất cả những điều xung quanh đều không thoát khỏi một sự sắp đặt vô hình nào đó để rồi đau đáu tìm cho mình một ý nghĩa sống đích thực. Đến khi Jack khi lớn (do Sean Penn đóng vai), anh thường xuyên cật vấn về cái quá khứ tuổi thơ vừa đau đớn vừa tuyệt vời của mình.

Poster ban đầu của bộ phim - Poster mới


Tất cả những sinh hoạt đời thường của gia đình này lại được đan xen vào trong khung cảnh tôn giáo như sự ra đời của Trái đất, sự xuất hiện của sự sống và những hình thái biến hóa của nó.

Poster ban đầu của phim là hình bàn chân của một em bé sơ sinh nằm gọn trong đôi bàn tay, với ý nghĩa chuyển giao thế hệ với sự vun đắp, tin tưởng và hy vọng. Sau đó, poster mới ra mắt là những mảnh ghép lấy từ bối cảnh phim, thể hiện những lát cắt đan xen trong cuộc sống.

Phim khép lại với kết thúc mở. Tuy vẫn là đấu tranh trong tâm trí của nhân vật Jack nhưng người xem có thể cảm nhận được sợi chỉ xuyên suốt bộ phim mà đạo diễn Terrence Malick đã gửi gắm là niềm tin: mỗi khoảnh khắc trong cuộc đời luôn có ý nghĩa riêng.

Dù hạnh phúc hay đau thương thì cũng không quan trọng bằng việc mỗi người đã dừng chân lại cảm xúc ấy bao lâu, có thể mang nó theo bao lâu hay có thể biến nó thành điều ý nghĩa, động lực cho cuộc đời mình hay không mà thôi.

Đạo diễn "đặc biệt"
 
Ở Hollywood, Terrence Malick có một vị trí hoàn toàn riêng biệt và là một trong những đạo diễn được kính trọng nhất tại đây. Trong 40 năm sự nghiệp, Terrence Malick mới chỉ có 5 bộ phim, nhưng những tác phẩm của ông đều được coi là tác phẩm lớn và dành được nhiều giải thưởng danh giá. Rất nhiều ngôi sao nổi tiếng đều mơ ước được một lần làm việc với ông.

Malick sinh năm 1943 tại Mỹ. Ông từng theo học tại Đại học Harvard, chuyên ngành triết học và bị ảnh hưởng sâu sắc bởi triết gia Heidegger. Sau đó, ông tiếp tục học Đại học Oxford (Anh). Nhưng do bất đồng với giảng viên về một bài luận liên quan đến triết học Kierkegaard và Heidegger, ông bỏ học giữa chừng. Sau đó, Malick trở thành nhà giáo, nhà báo trước khi bước vào làng điện ảnh vào năm 1973 với bộ phim đầu tay Badlands.

Đạo diễn Terrence Malick


Sau khi bộ phim Days of Heaven của ông đoạt giải Oscar năm 1978 dành cho Quay phim xuất sắc và giải Cannes 1979 dành cho Đạo diễn xuất sắc, Malick "lặn mất tăm" khỏi giới điện ảnh suốt 20 năm. Rồi đột nhiên, năm 1998, ông tái xuất với The Thin Red Line. Bộ phim này được đề cử 7 giải Oscar năm 1998. Và đến năm 1999, nó đoạt giải Gấu vàng tại Liên hoan phim Berlin.

Điều đặc biệt của vị đạo diễn tài năng này là ông cực kỳ kín tiếng với giới truyền thông. Rất ít thông tin về ông xuất hiện trên báo chí và ông chỉ xuất hiện khi thật cần thiết. Ngay cả tại LHP Cannes vừa qua, báo chí còn cho rằng BTC đã thất bại trong việc “nhử” Terrence Malick bởi vì dù “Cây đời” được vinh danh, nhưng ông cũng không có mặt tại buổi công chiếu bộ phim cũng như nhận giải.

Lý do ông đưa ra là vì muốn bị chi phối bởi sự ồn ào của giới nghệ sĩ để chuyên tâm cho sáng tác. Có lẽ vì thế, mà dù số lượng phim rất ít, nhưng mỗi bộ phim của ông đều mang truyền tài những thông điệp mang tính triết lý sâu sắc từ những câu chuyện giản dị và chân thật nhất trong cuộc sóng.

Malick “đặc biệt” không chỉ ở lối sống ẩn dật mà còn ở tính cách lập dị của mình. Vị đạo diễn này không bao giờ cho phép bất cứ ai giữ bản thảo các kịch bản viết tay của mình. Trong thời gian làm phim, không ít lần ông khiến các nhà sản xuất điên đầu vì bỗng dưng... mất tích. Một nhà đầu tư, sau nhiều nỗ lực tìm ông về... đạo diễn tiếp bộ phim đang dang dở, đã nhận được câu trả lời rằng, "tôi đang đi dạo từ Texas đến Oklahoma để... ngắm chim".

Michele Morette, vợ cũ, người từng sống với Malick 13 năm cho biết, trong thời gian họ sống cùng nhau, không bao giờ nhà đạo diễn cho vợ vào phòng làm việc của mình. Ông thà mua một cuốn sách khác cho bà chứ không bao giờ cho vợ đụng vào sách của mình. Ông cũng thường tháo bìa sách, bịt mặt ngoài băng cassette để không ai biết ông đang đọc gì, đang nghe nhạc gì.

Ngay cả trong quá trình thực hiện “Cây đời”, các diễn viên đã phải tuân theo nhìn làm việc “quái gở” của ông. Brad Pitt cho biết, mỗi sáng đạo diễn Terrence đưa cho các diễn viên 4 trang giấy viết chi chít mà ông đã ghi trong đêm hôm trước và các diễn viên cứ dựa theo đó mà đóng, thể hiện vai diễn của mình.

Hơn nữa, đạo diễn giới hạn mỗi cảnh trong phim chỉ quay nhiều nhất là hai lần. Diễn viên Brad Pitt kể lại, đạo diện Malick không muốn các diễn viên diễn theo kịch bản đã viết. Giống như đi bắt buớm: đạo diễn căng lưới đón chờ bắt những con bướm tình cờ bay qua và những sự cố này lại là những khoảnh khắc tuyệt vời nhất.

                                                                                        Theo Hoa Nhi - VnMedia

















Các bài mới
Các bài đã đăng