SỐ ĐẶC BIỆT
Sự mê hoặc của văn hoá
11:52 | 07/04/2012

VIỄN PHƯƠNG

Không ai có thể diễn giải thấu tận vì sao văn hóa lại có một sức mạnh quyến rũ đến vậy. Điều gì khiến con người hiện đại lao vào lục tìm các biểu tượng trong văn hóa rồi trở nên đam mê chúng đến mức khó hiểu.

Sự mê hoặc của văn hoá

Khi con người bắt đầu nhận thức được sự hữu hạn của mình thì cũng là lúc họ trở về truy tìm chính bản thân mình trong văn hóa. Bởi dù có ý thức được hay không thì trong mọi hành xử của chúng ta, kể cả trong những giấc mơ chúng ta đều nằm trong sự chi phối của văn hóa. Văn hóa xúi giục chúng ta tìm kiếm, văn hóa xúi giục chúng ta khát khao, văn hóa nhào nặn chúng ta thành những khuôn mẫu lệ thuộc vào chính nó.

Sự mê hoặc của văn hóa đã giúp con người đạp đổ sự ngăn cách về mặt địa lý để lên đường tìm kiếm chính mình cũng như lối sống của tiền nhân. Không thể phủ nhận được rằng chính sự quyến rũ của văn hóa đã tạo nên một thế giới phẳng trong văn hóa. Khi thế giới đã được làm phẳng không bao giờ con người có thể ngờ được rằng hành tinh của mình lại có thể nhỏ bé đến nhường đó. Những mảnh đất tưởng như xa xôi, những tục lệ huyền bí, hoang dã, sự sáng tạo trong nghệ thuật của con người trên đà hướng thượng, những biểu tượng tưởng đã thất truyền nay lại được con người hiện đại tìm đến rồi đem vào trong một bức tranh toàn cảnh chung về văn hóa khi thế giới không còn là những mái nhà riêng.

Festival Huế năm 2012 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Nơi gặp gỡ các thành phố lịch sử” là một bức tranh toàn cảnh về văn hóa như thế. Tất nhiên sự quyến rũ của bức tranh văn hóa này trước hết phải đến từ sự mê hoặc của chính mảnh đất này. Những lớp rêu phong bao phủ trên bờ tường thành Nội đang lưu giữ trong nó biết bao trầm tích của văn hóa. Trong lớp rêu phong tưởng như u mê đó lại dung chứa không biết bao nhiêu biến cố, thăng trầm, thịnh suy, thành bại của lịch sử.
 


Bảy thế kỷ không phải là một quảng thời gian ngắn để Huế có được một diện mạo như hôm nay. Từ Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế là cả một quá trình tích hợp những giá trị vật chất và tinh thần để tạo nên một sự huyền bí bất khả cưỡng của vùng đất thiêng. Cái mê hoặc của nền văn hóa này vừa mang tính đặc thù - bản địa của một vùng đất nhưng không tách rời những đặc điểm chung của truyền thống văn hóa dân tộc Việt. Sự hỗn dung văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Việt - Chăm rồi sau đó là sự tiếp biến, ảnh hưởng của các luồng văn hóa khác trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ, phương Tây... đã kiến tạo nên bản sắc của Huế như hôm nay. Tinh hoa của văn hóa tiền nhân lưu giữ trong nghệ thuật kiến trúc Huế, một nền kiến trúc hợp lưu của kiến trúc cung đình, kiến trúc dân gian, kiến trúc tôn giáo, kiến trúc đền miếu, kiến trúc truyền thống và kiến trúc hiện đại... Bên cạnh đó Lễ nhạc cung đình, Vũ khúc cung đình, Ca Huế , Nghệ thuật tuồng, Mỹ thuật, mỹ nghệ, Ẩm thực, Võ thuật cùng các lễ hội khác… tất cả tổng lực tạo nên những giá trị riêng biệt về văn hóa mà ít vùng đất nào có được. Nói thế để thấy rằng không phải ngẫu nhiên mà người ta để Huế đi vào tâm thức của mình dễ dàng đến như vậy.
 


Một sức mạnh nào cũng có nguyên do của nó. Thế giới tìm đến Festival Huế 2012 là tìm về với cái đẹp, người ta không cưỡng lại được sự mời gọi của nghệ thuật. Người ta hi vọng một sự gặp gỡ nào đó trong nghệ thuật sẽ đưa cảm thức sáng tạo hướng thượng và sự phô diễn nghệ thuật được thăng hoa. Đến nay đã có hàng chục đoàn nghệ thuật trên khắp thế giới đăng kí tham gia Festival Huế 2012, hứa hẹn sẽ có một bữa tiệc đa sắc màu về nghệ thuật nhân loại.
 

Nghệ thuật sắp đặt lửa – Đoàn Carabosse vùng Poitou – Charentes

Chúng ta sẽ được nhìn thấy căn nguyên của lửa, một trong những yếu tố khơi nguyên của sự sống qua Nghệ thuật sắp đặt lửa của đoàn nghệ thuật đường phố Carabosse - Cộng hoà Pháp. Được thành lập từ năm 1988, là một tập thể luôn dẫn đầu trong việc sáng tạo các chương trình biểu diễn bằng các chương trình sắp đặt lửa (www.huefestival. com). Các nghệ sỹ  Carabosse tìm đến lửa như một thứ khát vọng tìm đến một loại hình nghệ thuật có sức lan tỏa lớn, vượt qua rào cản của ngôn ngữ để đi tìm đến một thông số chung cho nghệ thuật . Lửa là một trong những yếu tố khởi thủy của sự sống. Người nghệ sĩ khát khao chế ngự ngọn lửa  phải chăng họ cũng như những truyền nhân bước ra từ thần thoại duy trì sự sinh tồn của loài người. Lửa là biểu tượng của sự tạo sinh cũng như sự hủy diệt, lửa là nơi để con người tẩy uế cũng như là yếu tố để con người giao tiếp với thần linh. Với sự huyền ảo của lửa cộng thông với khói sương trên sông Hương, chắc chắn người xem sẽ được quay về với những giây phút đã bị đánh mất mà nay chỉ tìm thấy trong huyền thoại.

Hình ảnh của thổ dân luôn là điều khiến người hiện đại thích thú, bởi dung chứa trong nó là những hình ảnh của thủy tổ loài người. Những gì người hiện đại đánh mất qua quá trình tiến hóa của mình có thể tìm lại ở cuộc sống của các thổ dân. Và trong Festival Huế 2012, người Úc sẽ trả lại cho chúng ta những hình ảnh chúng ta đã đánh mất. Descendance là một nhóm các nghệ sỹ đại  diện cho các thổ dân và dân đảo Torres Strait từ nhiều bộ lạc khác nhau trên nước Úc. Không những đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và thúc đẩy văn hoá thổ dân Úc, Descendance còn góp phần gìn giữ các nền văn hoá khác nhau trên thế giới (www.huefestival. com). Văn hóa thổ dân luôn bao chứa những chứng tích chúng ta cần tìm. Bên cạnh các điệu múa truyền thống, Descendance còn đưa đến cho chúng ta những điệu múa mang màu sắc đương đại. Trong đó chắc chắn sẽ có một sợi dây xuyên suốt ẩn ngầm trong sự tiếp biến nghệ thuật của người xưa và sự đột phá trong tư duy sáng tạo của người đương đại.

Ấn Độ, một trong những cái nôi của văn minh nhân loại, một dân tộc luôn khiến thế giới ngở ngàng bởi sự thâm sâu trong nghệ thuật và triết lí của họ. Ấn Độ là một quốc gia có một di sản văn hóa giàu có và hết sức đa dạng. Người Ấn Độ luôn có ý thức giữ gìn truyền thống của mình trong suốt chiều dài tiến hóa. Trong quá trình phát triển của văn minh, người Ấn Độ luôn hấp thu các phong tục, truyền thống và tư tưởng từ những kẻ xâm lược và những người dân nhập cư. Nhiều hoạt động văn hoá, ngôn ngữ, phong tục và các công trình trên mảnh đất này là những minh chứng cho sự đan xen văn hóa qua hàng thế kỷ. Nhắc đến quốc gia vĩ đại này người ta luôn nhớ tời người đã làm cho cả nhân loại sửng sốt vì sức sáng tạo mạnh liệt và sự vĩ đại trong tư tưởng của ông. Đó chính là Rabindranath Tagore.   Người luôn nhạy cảm với  ngoại   giới và kể cả lòng người. Người để lại cho dân tộc mình một niềm tự  hào  vô  bờ bến. Sự huyền bí và  lối  quyến rũ của một dân tộc dựa trên những triết lý sống sẽ được đưa đến cho chúng ta trong bức tranh văn hóa của ngày hôm nay.  Hội đồng Giao lưu Văn hóa Ấn Độ cử đại diện chính thức tham gia biểu diễn tại Festival Huế 2012 với 02 chương trình “Thakur Barir Shajposhak” và “Khám phá nhịp điệu bằng triết lý của Tagore”. Nhịp điệu lan tỏa vào không gian như là một điều tất yếu của cuộc sống, như các hành tinh xoay quanh một quỹ đạo nhất định, như nhịp đập trái tim để duy trì sự sống. Dòng đời tự nó luân chuyển theo một khuôn mẫu nào đó. Với Rabindranath Tagore, nhịp điệu của cuộc sống ‘Chhanda’ chính là hiện thân của linh hồn vũ trụ- Vidhata. Vì vậy theo ông, mỗi một biến tấu nhịp cơ bản đều là một sắc thái thể hiện giai điệu cuộc sống, một sự biến chuyển tự nhiên tạo nên cá tính. Chính trong thế giới này, ta tìm ra cách giữ nhịp cho âm nhạc và vũ điệu. Trong âm nhạc và múa cổ điển, ta khai triển và sáng tạo những nét phức tạp hơn đồng thời cấu trúc các nhịp điệu này thành cú pháp (www.huefestival.com). Sự thăng hoa của nghệ thuật sẽ mở ra những chân trời liên tưởng vô tận. Chắc chắn người xem sẽ không cưỡng lại được trước một sức mạnh đam mê lạ kì giữa sự hòa điệu của sự thâm sâu trong triết lý và sự thanh cao trong âm nhạc. Khi nghệ thuật dựa trên một nền tảng triết lý thì chắc chắn sức mạnh và sự khơi mở của nó trong tuy duy sáng tạo của chúng ta là vô cùng vô tận. Sức mạnh của nghệ thuật Ấn Độ là sự hòa điệu trong cái nhìn tâm linh phương Đông và sự ngợi ca sức sống vĩnh hằng của nàng thiên sứ nghệ thuật luôn ngợi ca thân xác của phương Tây. Sự hòa điệu đó sẽ như một chất trầm nồng say đối với những ai lỡ chân can dự vào thế giới nghệ thuật của họ trong Festival 2012 này.
 

Đoàn nghệ thuật dân gian Liceo (Philippines)


Tình yêu và sự huyền diệu của nó là khởi nguồn của sự sống và sức mạnh sáng tạo trong nghệ thuật. Sự huyền bí của tình yên luôn khiến thi nhân và kẻ sáng tạo suốt mọi thời đại tìm kiếm và giải mã. Nhưng có thể nói sự lung linh của nó là bất khả định hình. Tình yêu sẽ không bao giờ chịu chết cứng trong một vài khái niệm khô khan nào đó của lý tính. Vì thế có một thi sĩ người Việt suốt đời bám víu vào tình yêu đã thốt lên: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu.” Tình yêu sẽ mãi mở ra, tình yêu luôn bí hiểm và lạ kỳ. Thi nhân Việt luôn cảm thấy ngôn từ của mình đuối sức trước tình yêu và hôm nay nỗi buồn đó của họ sẽ được lắng lại bởi những  thông  điệp đến trong “Tình yêu và những điều kỳ lạ” của những người phương xa. “Tình yêu và những điều kỳ lạ” - Chương trình biểu diễn của 4 nghệ sỹ Israel trong Festival Huế 2012 sẽ đưa chúng ta đi về muôn nẻo của tình yêu thông qua âm nhạc. Nhóm nhạc Love and Other Oddities đến từ Israel, gồm 4 thành viên là Oded Zehavi - Nhạc sỹ kiêm phối khí, Claire Meghnagi - ca sỹ, Michael Meltzer - chơi sáo và Irena Friedland - chơi piano. Bốn thành viên đều là những nghệ sỹ tên tuổi của Israel, từng  biểu diễn ở nhiều quốc gia như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ, Mexico... Ban nhạc trình diễn các tác phẩm phần lớn do Oded Zehavi sáng tác, theo phong cách Pop/rock, điện tử kết hợp nhạc cổ điển, với sự hòa trộn của phần lời dựa trên nền tảng các tác phẩm văn học Hebrew (tiếng Do  Thái) kinh điển. Michael Meltzer được coi là cha đẻ của nghành thu âm nghệ thuật, và là một  trong những nghệ sỹ nổi bật ở Israel. (www.huefestival.com)

Người xưa khi muốn truyền bá một thông điệp trước hết họ tìm đến thi ca. Rồi từ thi ca họ thấy có một sự gần gũi nào đó giữa thi ca và âm điệu. Nhạc bắt đầu từ sự hạnh nghộ này. Kể từ đó nhạc làm nền cho vũ để vũ mê hoặc thế gian. Âm nhạc đưa con người tìm về với ý nghĩa của cuộc sống. Từ nhạc con người trở nên linh động, nhạc là sự tương ngộ giữa trời đất và lòng người. Nhạc có khả năng đưa xã hội đến một thế giới đại đồng bởi dung chứa trong nó là những tần sóng tâm thức chung của loài người…Bắt nguồn từ sự sáng tạo của người xưa, hôm nay, trong bức tranh văn hóa rộng lớn này chúng ta sẽ được thưởng thức sự vi diệu của âm nhạc, một  thứ đam mê của người đương đại. Góp mặt trong bữa tiệc đầy nhạc tính của festival Huế 2012 có Piatnitsky - Đoàn nghệ thuật ca múa nhạc hàn lâm Liên bang Nga- sở hữu nhiều nhạc sỹ, ca sỹ và nghệ sỹ múa ưu tú đến từ hơn 30 vùng miền của nước Nga, các tác phẩm ca múa nhạc của Piatnitsky luôn được đánh giá cao về mặt nghệ thuật và được đón nhận nồng nhiệt… Nhạc sĩ dương cầm Artur Dutkiewicz cùng nhóm nhạc dân gian Janusz Prusinowski (Ba Lan).   (www.huefestival.com). Trên nền âm nhạc bao giờ cũng là những điệu vũ, trong bức tranh văn hóa nghệ thuật rộng lớn này, chúng ta sẽ được đến với nghệ thuật múa của một đất nước là quần đảo và những nét đặc thù về văn hóa của họ. Đất nước Philippines.  Đoàn nghệ thuật dân gian Liceo, tiền thân là nhóm múa thuộc trường Đại học Liceo de Cagayan, được thành lập từ năm 1983. Khởi đầu nhóm là tập hợp các thành viên tham gia lễ hội Kagay-an, một cuộc thi về các điệu múa bản địa tại thành phố Cagayan de Oroy (www.huefestival.com). Văn hóa của đất nước này chắc chắn sẽ được phô diễn trong các điệu vũ của họ. Nghệ thuật múa của Liceo là bức tranh ngợi ca con người và thiên nhiên, ngợi ca vùng đất còn mang màu sắc của truyền thuyết về những vị pháp sư đầy quyền năng từng hiệu triệu  thần linh giúp dân khai phá đất đai, đem lại mùa màng tốt tươi.

Không gian Huế xưa luôn có một sức mê dụ lớn đối với tao nhân mặc khách. Ngày xưa Hàn Mặc Tử đã lạc vào cõi thiên thai này qua những vần thơ huyễn mộng của ông để rồi từ đó thi nhân ở mãi trong cõi miên viễn vĩnh hằng của thi ca. Hôm nay chúng ta sẽ được cùng với Camille Huyền và Walther Giger lạc vào không gian huyễn ảo trong Musical “Trăng vàng trăng ngọc, Hàn Mặc Tử.” Sự trở lại lần này, Camille Huyền và Walther Giger tiếp tục gieo vào tâm thức người Huế những hình ảnh mang tính huyễn ảo của sự pha trộn văn hóa Đông Tây. Chương trình gồm 14 ca khúc trong thể loại NHẠC KịCH rất mới đối với nền âm nhạc Việt Nam nói riêng và của thế giới nói chung. Sự kết tinh của 2 nền âm nhạc - kịch của Đông và Tây là một minh chứng để thấy rằng sức mạnh của nghệ thuật, sức mạnh của văn hóa có thể xóa nhòa mọi ranh giới của địa lý hay những rào cản đến từ chính con người.

Tại Festival Huế 2012 còn có rất nhiều đoàn nghệ thuật, nhóm nhạc, các cá nhân nghệ sĩ cùng tham gia biểu diễn như nhóm nhạc Manu Gallo- Bỉ, nhóm nhạc đường phố Jazz Combo Box - Pháp, Nghệ sĩ Tim Exile -Vương quốc Anh…Nhưng trong một bài viết ngắn chúng tôi không thể giới thiệu một cách đầy đủ và trọn vẹn. Chỉ khi hòa mình vào trong bức tranh văn hóa khổng lồ này người xem mới thấu tận được sức mạnh lôi cuốn của văn hóa và nghệ thuật nhân loại.

Người ta luôn muốn biết căn nguyên nào khiến cho Festival Huế có một sức mạnh lan tỏa rộng lớn đến như vậy. Và câu trả lời thật đơn giản, đó chính là SỰ MÊ HOẶC CỦA VĂN HÓA.

V.P
(SDB4-12)



................................
Trong bài chúng tôi đã sử dụng một sồ ảnh tư liệu từ www.huefestival.com






 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bằng chứng (01/11/2010)