SỐ ĐẶC BIỆT
Camille Huyền: “Về Huế vẫn thích mặc áo dài và đi guốc mộc...”
10:33 | 08/04/2012

Camille Huyền - người con gái Huế ấy đã đi xa Huế, rồi trở về Bến  Xuân bên dòng Hương Giang với những ca khúc của Cung Tiến ở  Festival Huế 2010. Bây giờ chị đang làm một lúc rất nhiều dự án nghệ thuật. Rất bận rộn trước mùa Festival mới, song câu chuyện với phóng viên Tạp chí Sông Hương lại bắt đầu từ những tâm tình....

Camille Huyền: “Về Huế vẫn thích mặc áo dài và đi guốc mộc...”
Camille Huyền và nhạc sĩ Thụy Sĩ Walter Giger - Ảnh: internet

•       Chị xa Huế lâu chưa và tính chất Huế trong chị bây giờ như thế nào?

Camille xa Huế lâu lắm, từ năm 1978 lận. Nhưng theo bạn bè thì Camille còn Huế chay hơn Huế chừ. Chắc tại bên Châu Âu Camille ít gặp người Việt nên không bị lai Bắc Ninh, Quảng Bình hay Phú Quốc (cười). Lại không biết lái xe Honda nên về Huế vẫn “phải” đạp xe đội nón. Lại thích mang guốc mộc bởi khỏi nóng chân nếu là mùa hè và ướt giày nếu trời mưa. Lại “phải” mặc áo dài kẻo may cả mấy chục cái rồi không mặc uổng lắm(cười). Nhờ rứa mà Camille vẫn còn mang chút hình ảnh Huế Xưa chăng?

Ở Thụy Sĩ mỗi khi có dịp nói tiếng Việt là Camille sung sướng nói tiếng Huế vì ngôn ngữ của xứ mình rất lạ tai, âm giai lên xuống bất thường mà nghe ra thấy hiền từ, chân thật, gần gũi. Camille hay bị bạn bè nhái chọc nhưng không hề thấy dị, ngược lại còn thấy vui nữa vì chứng tỏ giọng Huế có mélodie làm người nghe phải cười vì vui tai.

Đó là về giọng, còn về tánh thì cứ nghe anh Ngộ -chồng Camille phàn nàn “thiệt đúng là mấy Mệ!” là hiểu Camille vẫn còn Huế ghê lắm (cười).
 

"Mạ tôi" - Tranh của Camille Huyền

•       Hình ảnh nào của Huế ghi sâu trong ký ức của chị nhất?

Dạ, áo dài, guốc mộc, nón lá bài thơ, quần the áo lụa, tóc thề là những cái rất Huế. Thêm tiếng “dạ thưa” nữa thì thôi đá cũng phải xiêu lòng. Chiếc áo dài rất nữ tính, đầy chất thơ! Kín đáo, ẩn hiện nên quyến rũ lạ kỳ khác với áo dạ hội của Tây Phương đẹp rực rỡ lộng lẫy. Mặc chiếc áo dài vô, thêm cái vòng đá Non Nước hay cẩm thạch quý giá ở cườm tay tự nhiên mình phải đài đệ ra, ăn noái phải dịu dàng và bước đi bước đứng, nhất cử nhất động phải từ tốn, nếu không thì ...vòng sẽ va chạm bể mất. Và đã mặc áo dài mà còn lanh chanh lật đật thì ai mà ngó cho được? Nhớ ngày xưa học Đồng Khánh cô giáo cấm đi guốc mộc ở hành lang mà vang tiếng. Ngày xưa khó lắm nhưng nhờ rứa mà “con gái Huế vẫn là cái đẹp nhất nước Việt Nam có thể đem cạnh tranh với thế giới”. Đây là lời của anh Hoàng Phủ Ngọc Tường nói với Camille một chiều nọ (cười).

Còn nón lá thì không nơi mô đẹp như nón bài thơ Huế vì rộng vành hơn. Nón mua mới rồi cũ vì mưa nắng chứ không phải vô duyên trơ trơ không hề phai màu như nón lá từ mô chở về bán. Lá, hái từ trên núi về chùi sạch phơi khô rồi ủi thành từng tờ mỏng. Nón, soi lên trời thấy mấy chữ “Huế thơ Huế mộng”, cầu Trường Tiền và chùa Thiên Mụ. Có lần để tặng bạn bè (ngoại quốc) Camille ghi tên họ lên giấy rồi đưa người làm nón ghép vô ở giữa hai lớp lá mỏng dính màu lục non rồi chằm.

Quần đen hay trắng mặc với áo lụa ở nhà cũng là cả một trời thơ! Camille nhớ Mạ nói “cánh tay áo phải cắt cho dài để nắng không đen tay, để khi rót trà mời khách hay bưng chén cơm ăn, áo phủ tới gần nửa bàn tay rứa mới quý phái”. Nhớ lời Mạ và nhờ anh Cuộc thợ may ở An Cựu, Camille vẫn có thể “diện” ở nhà áo lụa quần đen ở Thụy Sĩ và ở Huế từ xưa cho tới chừ.

Một thú hưởng thụ độc đáo của Huế Xưa là nằm trên chõng tre dưới bóng mát trong vườn, xõa tóc thề để được gội đầu với chanh, chùm kết. Nhất định Camille phải dành không gian và thời gian ở Bến Xuân cho niềm hạnh phúc tuyệt vời này.

•       Chị vừa ra Album “Say Trăng” gồm 14 bài thơ Hàn Mặc Tử do giáo sư Walther Giger người Thuỵ Sĩ và Camille sáng tác chung trong 4 năm. Chị có thể nói qua về album đó không? Có âm hưởng Huế nào trong album đó không?

Album này bắt đầu bằng bài ru con Huế, thơ Ưng Bình Thúc Dạ, như thay lời mẹ của Hàn Mặc Tử nói lên tình yêu của bà đối với con trai. Những luyến láy trong phong thái Huế, đó đây với âm hưởng chầu văn, hát bội, ngâm thơ, giọng nói của Huế bắt từ dưới lên thí dụ như phát âm là “nhìn nặặặắng hàng cau” thì nắng này chỉ có ở Huế và hàng cau thì ở Vỹ Dạ mà thôi. Nghe Huế chi mà Huế lạ! Lời thơ của Hàn Mặc Tử cũng rất Huế nên không thể không hát giọng Huế và âm hưởng Huế.

•       Có thể nói album này là bước phát triển mới của âm nhạc Việt Nam?

“Đây là bước phát triển mới của âm nhạc Việt Nam” - nhiều khán giả đến dự những buổi diễn của Walther và Camille ở Thụy Sĩ cũng như ở VN đã nhận định như vậy. Đương nhiên Camille cũng cảm thấy điều mới lạ này bởi Camille biết rất nhiều nhạc Việt Nam nhưng không thấy phong cách mô như ri cả. Thật ra thì khi sáng tác Camille không nghĩ là mình phải làm khác đi để gọi là mới, hay phải viết thế này thế kia theo bài bản đã quy định cho từng thể loại. Chẳng qua gần 35 năm sống ở Châu Âu, tiếp cận âm nhạc của nhiều đất nước, thêm  cảm nhận về nhạc truyền thống Việt Nam mà Camille rất yêu thích, đã mang đến cho Camille cái gu riêng của mình. Camille thường hay tự nói cứ nghe cứ nhìn thật nhiều rồi những gì hợp với mình sẽ được trước mình lưu trữ lại. Khi sáng tác Camille chú tâm đến tình ý của câu thơ, bối cảnh của bài thơ, niềm vui nỗi buồn của nhà thơ rồi “nhập cuộc” xem lời thơ kia như là lời của chính mình rồi hát lên, nói lên, la lên bằng quả tim chân thật của mình. Lối hát này mang tính cách kịch. Người cùng sáng tác với Camille là thầy mình người Thụy Sĩ nên các bài hát nghe vừa quen vừa lạ, vừa Đông vừa Tây. Hòa âm theo ngũ cung của thầy rất bác học, duyên dáng, lôi cuốn. Cùng một bài thơ nhưng mỗi nhạc sĩ phổ nhạc khác nhau do bởi vốn liếng, kinh nghiệm sống và gu cách biệt.

Điều rất quan trọng ở album này là tiếng nhạc, tiếng hát và ý thơ đi cùng hướng. Có nghĩa là thơ nằm riêng có nhạc. Nhạc nằm riêng có ý. Tiếng hát đứng một mình vẫn đầy đủ. Đây là việc làm kiên trì, có suy tư và yêu thương.

•       Nhiều người đã rất thích bức tranh “Dáng Huế” (bìa tạp chí Sông Hương tháng 3.2012), nguyên do nào chị đến với hội họa?

Camille cám ơn mọi người thật nhiều vì đã tặng lời khen. Nhà ba mạ Camille ở gần nhà của họa sĩ Tôn Thất Đào nên tuổi thơ đã hay qua nhà bác ấy đứng nhìn bác vẽ tranh. Hội họa đi vào mắt của Camille từ thuở ấy. Lớn lên học vẽ ở Đồng Khánh. Khi sang sống ở Paris đã đi xem tranh của những bậc danh nhân thế giới ở nhiều Bảo Tàng Viện như Louvre, Quai D’Orsay, Luxembourg, Pompidou. Qua Ý thì xem Uffizi ở Firenz, Guggenheim ở Venezia, Mỹ thì xem MoMA (Museum of Modern Art) ở New-York. Thụy Sĩ thì có Kunsthaus, Rietberg ở Zurich, Beyeler ở Basel, Paul Klee ở Bern. Đức thì có Lenbachhaus ở München. Đọc sách cũng giúp ích rất nhiều cho Camille phát triển. Camille là người autodidact nên họa sĩ Vĩnh Phối - bác họ của Camille -  đã nhận xét “nhờ vậy mà tranh con không bị ràng buột bởi sách vở công thức nên lạ”. Cám ơn bác. Những buổi ngồi xem họa sĩ Vĩnh Phối vẽ tranh là những bài học quý giá trong đời.

•         Tranh của chị đã đem lại cho chị những gì?

Tranh là cuộc đối thoại với chính mình trong thế giới hoàn toàn riêng tư và ngập tràn hạnh phúc. Vẽ làm mình nhìn kỹ, hiểu kỹ nên yêu hơn. Vẽ, Camille hiểu ra rằng không có cái đẹp hơn hay xấu hơn. Viên đá to hay nhỏ đều như nhau. Như đôi giày rách nát trong tranh Van Gogh. Những phụ nữ kỳ cục mà tuyệt đẹp của Kooning. Hay những đôi mắt chỉ có một màu xanh ngọc như mù mà cái nhìn rất xa xăm của Modigliani.

Khi vẽ tranh, mọi sự vật đều đẹp hẳn nên lòng mình bỗng từ bi hơn và yêu quá đời này!

•       Chị vẽ tranh từ bao giờ vậy?

Một buổi sáng thức dậy, không có chi lạ hết nên Camille nghĩ đến “hay mình vẽ tranh cho vui hè” rứa là chạy đi vẽ. Nói vậy chắc không ai tin phải không vì hầu hết nghệ thuật là nghiệp-bất-ngờ. Năm 1999, tình cờ gặp họa sĩ Trịnh Cung ở Saigon , anh ấy bảo “nếu tôi qua được Thụy Sĩ có thể đến nhà thăm chứ?” Đương nhiên là một niềm vinh hạnh cho Camille lúc ấy vì Trịnh Cung là một họa sĩ tài ba. Thế rồi anh ấy qua thiệt và ở chơi hai tháng.

Một buổi sáng anh ấy đưa Camille đi mua đồ vẽ bởi anh Ngộ - chồng Camille - muốn đặt một bức tranh nude mà người mẫu là… Camille! Nghe xong Camille hốt hoảng la làng. Nhưng…may ghê, anh Cung tuyên bố: “Họa sĩ phải để trí tưởng tượng của mình vào chớ! Vẽ tranh chứ có phải chụp hình đâu!” Thế là anh Trịnh Cung và Camille rủ nhau đi tắm piscine cho tự nhiên đôi chút. Trong áo tắm kiểu của những người thi thế vận hội, các đường nét trời cho bị ép thẳng đuột đến não nùng! Trí tưởng tượng trong nét cọ của anh Cung sau một tuần nhìn người mẫu bơi lội làm anh Ngộ nghẹn lời! Camille phải an ủi: Tranh không giống chi em nhưng rất đẹp là điều chính mà anh. Thôi để từ từ em vẽ cho anh nhé.

Vậy là Camille bưng cái giá vẽ vô phòng ngủ, đặt trước gương và âm thầm vẽ, ngắm người trong gương, vẽ…

Một tuần sau, với tư tưởng : đây là những mảng mầu được ghép nằm gần nhau chứ không phải là mình nên mạnh dạn – đương nhiên là úp úp mở mở - đem tranh ra khoe.

Trịnh Cung bảo ngắn gọn : Camille sẽ trở thành họa sĩ nếu sau mười năm vẫn vẽ với đam mê của hôm nay.

Anh Ngộ thì đi mua ngay cái khung thật đẹp, bỏ tranh vô và treo lên trên đầu giường ngủ. Hài lòng. (cười)

•       Festival Huế 2012 chị sẽ tham gia những gì?

Hát Hàn Mặc Tử như năm 2010 nhưng thêm 4 bài mới sáng tác. Tổng cộng là 14 bài, với 14 thể loại nhạc, nói lên 14 kỉ niệm khác nhau của cuộc đời nhà thơ từ thanh niên cho đến ngày lìa trần. Lần này có nhà đạo diễn kịch múa người Đức - Wolfgang Sréter lo về ánh sáng, âm thanh và bối cảnh sân khấu. Luôn dịp Camille cho phát hành tại Thụy Sĩ và Việt Nam album “Say Trăng”  thơ Hàn Mặc Tử, phổ nhạc do Walther Giger và Camille Huyền, để kỉ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mặc Tử 1912-2012.

•       Cảm ơn chị! Xin chúc chị và gia đình có những ngày vui thật ý nghĩa ở Festival Huế 2012.

P.V ( Thực hiện)
(SDB4-12)







 

Các bài mới
Các bài đã đăng