SỐ ĐẶC BIỆT
Có một tráng ca của nhạc sỹ Phạm Duy
16:16 | 12/04/2012

PHẠM XUÂN DŨNG

Đó là một bài hát kháng chiến chống Pháp của nhạc sĩ Phạm Duy mà chính tác giả cũng đã không còn nhớ.

Có một tráng ca của nhạc sỹ Phạm Duy
Ảnh: internet

Những năm đầu sau ngày thống nhất đất nước, lúc tôi chừng hơn 10 tuổi. Hồi ấy cả nước còn nghèo khó, lạc hậu. Khi hòa bình mới lập lại sau ngày 30/4/1975 thì gian nan, thiếu thốn trăm bề. Đói cơm, đói cả các món ăn văn hóa tinh thần. Giữa vùng quê Quảng Trị còn ngổn ngang bom đạn thời hậu chiến, những đứa trẻ như tôi thường nghe người lớn hát lại những bài ca kháng chiến thời chống Pháp. Nhiều bài lắm nhưng thường là không biết tên tác phẩm mà chỉ nghe ca từ, giai điệu (có khi không thật chính xác). Sau này khi lớn lên, anh em chúng tôi tìm hiểu mới biết đó là những ca khúc như: Xa chiến khu của Đỗ Nhuận, Đường rừng của Trần Hoàn hay Bà mẹ Gio Linh của Phạm Duy... Còn nhiều bài hát nữa đến nay vẫn còn là ẩn số khi đi tìm nguyên bản, tên tác giả, tác phẩm.

Trong số những bài hát kháng chiến chống Pháp có một bản hùng ca, giai điệu hùng tráng mà pha chút gì lãng mạn:

Bông Lau!Bông Lau! Rừng xanh pha máu
Biên cương lưu danh ngàn đời về sau
Khi quân ta tiến ra, vung gươm lên chói lòa
Là quân Pháp một đi không còn về.

Bông Lau!Bông Lau!Rừng xanh pha máu
Biên cương lưu danh ngàn đời về sau
Khi quân ta tiến ra như phong ba oán thù
Là quân Pháp một đi không còn về.

Bông Lau!Bông Lau!Rừng xanh pha máu
Hương thơm sơn khê toàn dân yêu dấu
Khi quân ta tiến ra như phong ba oán thù
Là quân Pháp một đi không còn về.


Bông Lau!Bông Lau!mồ chôn quân Pháp
Biên cương ghi danh ngàn đời về sau
Khi dân nghe súng vang, quân ta đang giết thù
Mừng chiến sĩ Việt Nam lập công...

Ba mẹ tôi là dân Việt Minh ngày trước thường kể rằng: hồi ấy trong chiến khu Cây Xoài của quê hương Quảng Trị, những cán bộ tuyên truyền đưa những bài hát từ chiến khu Việt Bắc xa xôi vào với đồng bào chiến sĩ miền Trung: Bình - Trị - Thiên khói lửa. Giữa bốn bề núi rừng Quảng Trị, những bài hát chống giặc ngoại xâm, ngợi ca tinh thần yêu nước vang lên nức lòng người, giục giã tâm hồn trẻ già trai gái. Giờ đây, những người già tuổi trên dưới tám mươi, khi nhắc lại bên bếp lửa mùa đông giá rét, đón đợi xuân về, họ vẫn nói: thời ấy khổ lắm nhưng mà vui lắm, đáng nhớ lắm. Nhớ nhất là những bài ca kháng chiến.

Đọc hồi ký Phạm Duy và qua sách báo, tôi biết được Bông Lau là một địa danh, một con đèo hiểm trở nằm trên vòng cung Đông Bắc của đường số 4 thuộc tỉnh Lạng Sơn giáp với tỉnh Cao Bằng. Nơi đây vào ngày 30/10/1947, bộ đội ta đã phục kích và tiêu diệt hàng trăm tên lính Pháp. Nhạc sĩ nhớ lại: “Cũng ở vùng Lạng Sơn này và cũng trong chiến dịch biên giới năm 1947, tôi soạn một hành khúc mang tên một địa chiến là: BÔNG LAU. Tôi cũng quên hết lời ca và nhạc điệu rồi, chỉ còn nhớ vài câu...”(trích dẫn từ nguồn: Phạm Duy -2010, một đời nhìn lại). Chính tác giả bài hát cũng nói rằng khi ở nước ngoài ông đã quên bẵng một trong những hùng ca thời đầu kháng chiến chống Pháp, đứa con tinh thần của chính mình của cả một thời hào khí. Đến khi về nước ông mới nhớ lại những kỷ niệm sôi nổi một thời trai trẻ. Ông còn nói thêm rằng, chính một đồng nghiệp một thời kháng chiến của ông là nhạc sĩ Ngọc Bích (vừa qua đời mấy năm) đã có lần nhắc ông nhớ lại tác phẩm này và hát lại bài hát: Bông Lau rừng xanh pha máu.

Trong hồi ký của đại tướng Võ Nguyên Giáp có kể rằng hai bài hát thời đầu kháng chiến chống Pháp được ông yêu thích và nhắc đến, đó là trường ca Sông Lô của Văn Cao và Bông Lau rừng xanh pha máu của Phạm Duy. Chỉ tiếc tráng ca thứ hai có nguy cơ rơi vào quên lãng. Cho đến thời điểm này chưa ai có thể khôi phục nguyên vẹn lời ca và giai điệu của nó. Một bài hát mà tuổi đời đã đến 65, tuổi người sáng tác đã qua 90 và tuổi của vị danh tướng cũng đã trăm năm. Nhưng bất chấp mọi sự biến cải của nhân thế, bài hát vẫn còn lưu truyền âm ỉ trong dân gian như một hòn than nóng làm ấm lại ký ức những người gần đất xa trời và truyền lại cho đời sau một tinh thần yêu nước, gìn gữ non sông.

Bài hát đã sáu mươi lăm tuổi, dài như một đời người. Và chắc có lẽ còn dài hơn thế...

P.X.D
(SDB4-12)







 

Các bài mới
Các bài đã đăng