SỐ ĐẶC BIỆT
Những đạo diễn Huế tài ba
11:08 | 18/04/2012

HỮU THU

Nếu xem việc “ viết kịch bản là làm ra một bộ phim trên giấy và đạo diễn là làm ra một bộ phim trên màn ảnh” thì Huế đã có không ít đạo diễn tài ba góp phần làm rạng danh lịch sử điện ảnh nước nhà mà trong số họ, do sống và công tác ở Hà Nội hoặc Sài Gòn, thậm chí có người nay đang cư trú ở nước ngoài nên phần lớn khán giả Huế ít được tiếp xúc, gần gũi nhưng tác phẩm của họ thì nhiều người đã biết.

Những đạo diễn Huế tài ba
Đạo diễn Mai Lộc - “ Vợ chồng A Phủ

1.Đạo diễn Mai Lộc.

Trước 1945 ông từ Huế vào Sài Gòn học nghề nhiếp ảnh. Năm 1946, toàn quốc kháng chiến, ông gia nhập Vệ quốc đoàn. Ngay trong những ngày đầu kháng chiến, Mai Lộc đã cùng nhà quay phim Khương Mễ thực hiện bộ phim tài liệu đầu tiên: “Chiến trận Mộc Hoá” - một bộ phim được nhìn nhận là mẫu mực về chiến tranh hiếm có trong nền điện ảnh cách mạng Việt Nam..

Năm 1952, Mai Lộc được điều ra chiến khu Việt Bắc. Tại đây ông đã đạo diễn bộ phim tài liệu bằng phim nhựa 35 ly có thời lượng 75 phút đề cập về “Chiến thắng Tây Bắc”. Bộ phim này được khẳng định là bước tiến dài của điện ảnh tài liệu Việt Nam. Tiếp đó ông về đường 5 - Hải Phòng thực hiện bộ phim tài liệu ” Giữ làng giữ nước” trong đó có hình ảnh đoàn tàu chở xăng của giặc Pháp bị du kích bắn cháy trên đường 5 là tư liệu quý cho điện ảnh nước nhà thời kháng chiến.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông cùng Đạo diễn Phan Văn Khoa và nhà văn Nguyễn Đình Thi được phái hợp tác với Đạo diễn Karmen thực hiện bộ phim tài liệu màu đầu tiên: “Việt Nam trên đường thắng lợi”.

Phát huy sở trường của mình, khi trở lại chiến trường miền Nam ông đã thực hiện bộ phim tài liệu “Quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Những bộ phim tài liệu do Mai Lộc đạo diễn phần lớn được tặng giải Bông sen vàng, có phim như “Quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” được trao giải vàng LHP Lepzig - Đông Đức cũ.

Ngoài phim tài liệu, Mai Lộc còn tham gia làm Đạo diễn hai bộ phim truyện, trong đó bộ phim “Vợ chống A Phủ” được thực hiện năm 1961 được xem là một trong bốn phim truyện nổi bật nhất của nền điện ảnh miền Bắc thời bấy giờ, nó sánh ngang với “Chim vành khuyên”, “Chị Tư Hậu”, “Hai người lính”.

Đạo diễn Mai Lộc qua đời cuối năm 2011ở TP. Hồ Chí Minh.
 

Đạo diễn Hà Thúc Cần

2. Đạo diễn Hà Thúc Cần

Qua đời năm 2004

Đạo diễn của một bộ phim duy nhất và đã quá cố, gần đây mới được nhắc tới, đó chính là Hà Thúc Cần.

Trước khi bước vào làm đạo diễn phim truyện, Hà Thúc Cần là phóng viên chiến trường, quay phim cho Hãng CBS - Mỹ (sau Hà Thúc Cần có thêm anh Vĩnh Vệ làm cho Hãng tin này - phần lớn hình ảnh Mỹ tái chiếm Huế xuân 1968 do Vĩnh Vệ quay).

Theo nhà báo Morley Safer, người chuyên viết lời bình cho hình ảnh của Hà Thúc Cần thì vào ngày 3/8/1965, khi hai người đến một ngôi làng thuộc quận Hoà Vang của Đà Nẵng hiện nay thì Hà Thúc Cần, có lẽ là phóng viên đầu tiên đã quay được hình ảnh binh sĩ của Lữ đoàn 9 Thuỷ quân lục chiến Mỹ đốt nhà dân làng Cẩm Nệ (sau này hình ảnh này được sử dụng trong bộ phim tài liệu: Việt Nam một thiên lịch sử bằng truyền hình của Mỹ). Sự việc này dẫn đến hậu quả là Bộ quốc phòng Mỹ ép buộc CBS phải sa thải nhà quay phim dũng cảm này.

Có phải vì vậy mà những năm sau đó, Hà Thúc Cần đã ấp ủ và thực hiện bộ phim “Đất Khổ” quy tụ nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng của miền Nam, trong đó có cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tham gia diễn xuất vai chính. Phim lấy Huế làm bối cảnh chính. Năm 1974 “ Đất khổ” chiếu ra mắt nhưng chính quyền Sài Gòn cũ ra lệnh cấm phát hành vì có nội dung” phản chiến và khuynh tả”.

Mãi đến năm 1996 “Đất khổ” mới được Viện phim ảnh Hoa Kỳ chiếu và chính thức ra mắt trong chương trình phim Việt Nam của Liên hoan Mỹ Á lần thứ 15 tại Washington DC.

Trước giải phóng, trong làng Điện ảnh miền Nam có hai tên tuổi lớn rất nổi tiếng, đó là Đạo diễn Lê Mộng Hoàng và Đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Họ là những người Huế được đào tạo ở những quốc gia có nền điện ảnh tiên tiến.
 


3. Đạo diễn Lê Mộng Hoàng

Lê Mộng Hoàng học điện ảnh ở Pháp, năm 1957 về Sài Gòn và thực hiện bộ phim truyện đầu tiêng mang tên “Bụi đời”. Sau đó, ông thực hiện một loạt bộ phim như: Xin đừng bỏ em, Nàng, Mãnh lực đồng tiền, Con gái chị Hằng, Gánh hang hoa, Chiều kỷ niệm, Vĩnh biệt mùa hè…. Trong các phim này thì bộ phim nổi bật nhất mang tên “Nàng” do Thẩm Thuý Hằng và Trần Quang thủ vai. Bộ phim này được Đại hội Điện ảnh Á Châu lần thứ 17 trao Tượng vàng. Sau giải phóng, Lê Mộng Hoàng làm đạo diễn rất nhiều phim, trong đó nổi bật là “ Bản tình ca”, “Thăng Long đệ nhất kiếm”, “Vết thù năm tháng”…
 

ĐD  Lê Hoàng Hoa với “Ván bài lật ngửa”


4. Đạo diễn Lê Hoàng Hoa

Đạo diễn Lê Hoàng Hoa học điện ảnh ở Mỹ. Ngoài bộ phim “Gác chuông nhà thờ”, phần lớn những bộ phim do ông đạo diễn đều là có tiết tấu nhanh, gây ấn tượng mạnh như “Điệu ru nước mắt”, “Vết thù trên lưng ngựa hoang”. Nhờ đóng phim “Vết thù trên lưng ngựa hoang” mà Trần Quang trong vai “Hoàng ghi-ta” được chọn đoạt giải nam diễn viên xuất sắc nhất của miền Nam thời bấy giờ. Lê Hoàng Hoa cũng là đạo diễn đầu tiên làm kinh dị “Con ma nhà họ Hứa”.

Trong số những phim do Lê Hoàng Hoa đạo diễn thì “Chân trời tím” do Kiều Chinh thủ vai chính được mô tả là hoành tráng hơn cả khi huy động đến 100 xe tăng, 100 máy bay, 300 quân xa và 6.000 binh lính để phục vụ cho việc làm phim.

Sau giải phóng Lê Hoàng Hoa được “chọn mặt gửi vàng” để thực hiện bộ phim 8 tập mang tên “Ván bài lật ngửa” đưa tên tuổi Nguyễn Chánh Tín, thủ vai nhà tình báo cách mạng Nguyễn Thành Luân từ một ca sỹ trở thành ngôi sao của điện ảnh nước nhà.
 

ĐD Đặng Nhật Minh với “Đừng đốt”


5. Đạo diễn Đặng Nhật Minh

Đặng Nhật Minh rực sáng, kể từ khi bộ phim “Thị xã trong tầm tay” xuất hiện vào năm 1983 và cho đến gần đây là bộ phim “Đừng Đốt”, kể về cuộc đời người con gái gốc Huế: liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm.

Chỉ trong vòng ¼ thế kỷ, Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh bằng tài năng và nhiệt huyết của mình, đã lần lượt cho ra đời những bộ phim thuộc vào hạng “kinh điển” của Việt Nam, có thể kể, đó là “ Cô gái trên sông”, “Thương nhớ đồng quê”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Hà Nội mùa đông năm 1946”, “Mùa ổi”.

Khác với những đạo diễn vừa nêu, phần lớn phim của Đặng Nhật Minh đều do ông viết kịch bản, bởi như ông tâm sự: “Điều quan tâm duy nhất của tôi là cố gắng làm sao để những bộ phim nói lên được tâm tư, tình cảm, số phận của những con người Việt Nam qua những thăng trầm của lịch sử, qua những biến động của xã hội.”

Ngoài những giải thưởng và danh hiệu cao quý do nhà nước trao tặng, năm 2010, Đạo diễn Đặng Nhật Minh được Viện hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ tôn vinh vì những cống hiến đối với Điện ảnh Việt Nam.
 

Nguyễn Vinh Sơn chỉ đạo diễn xuất phim Trăng nơi đáy giếng.


6. Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn

Người sau cùng mà tôi muốn dành để giới thiệu với độc giả là đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, tác giả của hai bộ phim nhựa nổi tiếng: “Tuổi thơ dữ dội” và “Trăng nơi đáy giếng” mà cốt truyện dựa trên tác phẩm văn học của Phùng Quán và Trần Thuỳ Mai - hai nhà văn Huế.

So với các bậc đàn anh thì có lẽ tác phẩm của Nguyễn Vinh Sơn chưa nhiều (ngoài hai tác phẩm trên có thể kể thêm: Đất phương Nam, Mãnh đất tình đời và một loạt phim truyền hình) nhưng từ những gì anh đã thể hiện, cho thấy bề dày văn hoá Huế đã nuôi dưỡng, bồi đắp giúp anh kể chuyện đời, kể chuyện người một cách sâu lắng nhưng không nhàm chán.

Khi xem phim “Trăng nơi đáy giếng” hẵn khán giả sẽ thú vị “khám phá” đời sống tâm linh của người Huế, biết thêm cái cao thượng, sự hy sinh, của một Huế nhu mì không lẫn vào đâu được.

Chính vì Nguyễn Vinh Sơn đã chạm vào được cái thần thái của văn hoá Huế nên tôi tin rằng trong tương lai anh sẽ tiếp tục khơi mở vĩa tầng mà nếu hời hợt thì khó mà làm cho nó lấp lánh.

Chính nhờ tạo được phong cách riêng mà Nguyễn Vinh Sơn qua “Trăng nơi đáy giếng” đã được LHP Image India Film ở Madrid - Tây Ban Nha trao giải Đạo diễn Châu Á xuất sắc nhất.

Có thể còn nhiều đạo diễn điện ảnh người Huế mà tôi chưa biết (rất mong được mách bảo) nhưng vì yêu quý tài năng của những đạo diễn tài ba này nên tôi thử điểm lại để công chúng ở “quê nhà” biết để mà tự hào, ngưỡng vọng và hy vọng thế hệ tiếp nối sẽ có nhiều “ngôi sao” làm rạng danh nền điện ảnh Việt Nam.

H.T
(SDB4-12)








 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đạo và Đời (16/04/2012)