Sau khi làm hòa âm phối khí rất thành công những ca khúc Cung Tiến và sau hai lần về dạy học ở Nhạc viện Huế, giáo sư Walther Giger tuyên bố nếu tôi không có ràng buộc gì ở Thụy Sĩ tôi sẽ định cư ở Huế ngay. Sự mộc mạc nhưng quý phái thanh tao của Cố đô đã làm xiêu lòng người nghệ sĩ phong trần. Walther thích uống cà phê ở vỉa hè, thích rong ruổi qua từng con đường nhỏ, chiều về ngồi đàn hát với nhóm trẻ gần khách sạn. Bất cứ ở đâu Walther đều chăm chú lắng nghe âm giai trong gió: giọng nói, tiếng cười, tiếng rao hàng, tiếng honda, tiếng đò qua sông, tiếng gà gáy, tiếng chổi quét đường của công nhân, tiếng xào xạc của cỏ khi nước vỗ vào bờ và cả tiếng ngày lên hay đêm đến nữa. Trong tai Walther là cả một rừng âm nhạc. Thầy thích thú ghi lại những âm thanh của xứ Huế, cuốn sổ nhỏ chi chít những dòng những nốt. Những kỷ niệm sống và tài liệu này hữu ích cho dự án nghệ thuật sắp đến mà Walther sẽ cùng Camille Huyền biểu diễn cho Festival 2010. GS W.Giger và Camille Huyền trân trọng chọn thơ Hàn Mặc Tử để phổ nhạc. Cùng đọc thơ cùng bàn bạc, đắn đo, rồi chọn một số tác phẩm tiêu biểu. Chọn lựa nào cũng phải chấp nhận mất mát cả. Bài đầu tiên làm xúc động Walther là Đêm Không Ngủ. Thật đáng trân trọng ở tuổi mười chín Hàn Mặc Tử đã biết đồng cảm với chí sĩ Phan Bội Châu đêm đêm lẻ loi đơn độc, lòng rối như tơ vò, ngồi suy tư về vận nước. Non sông bốn mặt ngủ mơ màng Thức chỉ mình ta dạ chẳng an ... Trỗi dậy nôm na vài điệu cũ Năm canh tâm sự vẫn chưa tàn. Vừa tranquillo, vừa rubato, Nhạc sĩ Walther Giger phổ theo lối nhạc cổ, phảng phất âm hưởng Ca Trù, ray rứt, dằn vặt, nội tâm. Tiếng đàn cứ đập chành chạch cầm canh thôi thúc làm sốt cả ruột gan. Khi nói đến sự rạo rực của thể xác ở tuổi dậy thì, bàng hoàng trước những cảm xúc mới lạ. Khi cơ thể căng đầy nhựa sống với bao ước mơ yêu đương. Sáng Trăng quảlà những vần thơ diễn tả sự tinh khiết của cô Gái Quê khi mới lớn, nõn nà như trăng đúng tuổi. Giai điệu reggae nhún nhảy trẻ trung, tràn trề sinh khí mang nét mộc mạc làm bài thơ mọc cánh bay lên dễ thương vô cùng. Vui thay cảnh sáng trăng Ái tình bắt đầu căng ... Em tôi thì hổn hển Áo xiêm lấm tấm vàng Qua giai đoạn Trăng: nguồn thơ bất tận của Hàn Mặc Tử bởi hồn Tử đã gặp hồn Trăng. Cảnh đẹp chở hồn thơ. Nước chảy làm hồn nước reo vui. Gió đưa cho hồn tơ liễu run lên trong gió. Lặng thinh, nghe Trời giải sẽ hiểu về Yêu. Qua thần giao cách cảm, hồn ta giao thoa với hồn của trăng, hồn của hương hoa, ánh sáng, âm thanh, màu sắc hay của vạn vật. Ta sung sướng, say ngất, ngỡ rằng đang mơ. Nhưng mơ này là thực? Vậy hư thực làm sao phân biệt được? Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều Để nghe dưới đáy nước hồ reo Để nghe tơ liễu run trong gió Và để nghe trời giải nghĩa yêu Đó là Đà Lạt Trăng Mờ. Trong không gian tĩnh lặng, giây phút thiêng liêng khởi đầu bằng từng giọt âm thanh reo tí tách, lấp lánh, đuổi bắt nhau. Như ánh trăng tung tăng khuấy trên mặt hồ. Như dải Ngân Hà chơm chớp trên kia. Tiếng đàn trong suốt màu pha lê, êm ái rót chậm, nhẹ mà tràn trề vào tim một niềm hạnh phúc dịu hiền. Hát chỉ là thì thào lời ca để đừng lay động không gian huyền diệu ấy. Sợ làm vỡ tan đi khói sương. Nghe quanh đây hơi mát rượi phả từ nghìn sao xuống. Tiếng hoan ca của sông nước uốn mình trong tận cùng sâu thẳm. Tiếng gió vi vu mơn trớn làm run cành tơ liễu ẩn hiện bên hồ. Nghe cả tiếng lòng thì thầm qua từng hơi thở nhẹ và sao băng cũng phải nín lặng sợ làm phiền giây phút thần tiên. Cũng với trăng, có lần Tử cùng người chị đã rủ nhau leo lên đồi cát trắng để dạo chơi. Đôi khi trượt chân ngã lăn nằm sóng soải tựa đầu trên cát hay trên ngàn vì sao rụng? Tiếng cười của chị lại có dịp cất lên làm kinh động một vùng. Chị mới mười lăm tuổi, hồn nhiên bay nhảy. Đêm ấy Hàn Mặc Tử ngẩn ngơ dưới vẽ đẹp diệu kỳ mà chỉ duy nhất chàng có diễm phúc nhận ra. Họ đuổi bắt nhau, chị Lễ chạy như bị trăng cắp bắt đi, Tử Rượt Trăng đòi lại, rượt chị…trôi lạc vào vùng trăng chói lòa của nước non tiên cảnh. Trăng hóa nước. Tất cả lại hóa trăng. Ha ha! Ta đuổi theo trăng! Ta đuổi theo trăng... Trăng! Trăng! Trăng! Trăng! Thả nàng ra, thôi thả nàng ra Hãy buông nàng xuống cho ta ẵm bồng. Tình tứ quá! Ánh tơ trăng rơi đầy trên cát trắng, sáng ánh lân tinh. Họ chạy quanh co, tung tăng, lượm tơ trên tóc, gỡ trăng trên cành. Đùa giỡn. Còn vén áo hứng muôn sợi tơ ngà rơi rụng nữa. Mơ trăng ta lượm tơ trăng rơi Trăng vướng lên cành lên mái tóc cô ơi Tử ngắm chị mà sung sướng cực kỳ. Đêm nay dưới ánh trăng vằng vặt, hồn Tử lột xác vụt bay lên Cõi Mông Lung. Rượt Trăng, Say Trăng, Tử mửa hồn thơ, máu thơ ra vì Say lảo đảo cả trời thơ Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra ...
Có phải ngoài sứ mạng ngợi ca cái đẹp, nhà thơ còn phải trả giábằng máu xương và nước mắt của mình để gào lên những tuyệt tác? Tử bước qua giai đoạn đau thương. Sống vất vưởng một mình trong bóng tối với nỗi cô đơn, ê chề. Tử ngụp lặn dưới trời sâu, gào khóc trong tuyệt vọng. Ôi! Những Giọt Lệ (sostenuto) não nuột nằm chực trong cổ họng, ứ đọng, nay bật ra. Từng lời nứt ra là từng mảnh đau đớn cô liêu trào ra. Đau đớn càng trào ra thì khóc than càng nức nở, trút cuồng điên phẫn nộ cho số kiếp bất hạnh của mình. Nhịp khóc được Walther diễn tả kín đáo rỉ ra từng nốt, từng âm khắc khoải. Rồi cõi lòng như được mở ra, nhanh dần, rộng hơn. Đau thương dồn cao tột cùng để cuối cùng, vỡ òa ra thành ngàn vạn giọt châu. Trời hỡi bao giờ tôi chết đi Bao giờ tôi hết được yêu vì … Người đi một nửa hồn tôi mất Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ! Và Anh Điên và Em Điên (inquieto, tempo libero), một cuộc đối thoại của hai linh hồn mất trí. Hãy để những gì chất chứa trong lòng thoát ra qua tiếng đàn. Hãy để tâm tư mình bộc lộ không gìn giữ. Hãy gào thét trách móc thỏa thích. Ngôn từ chân chất dân dã như nuốt phứt, cắn cắn cắn cắn, đứt, xé, bóp, túm là những chữ chúng ta được thấy lần đầu tiên trong ca khúc Việt Nam với sự phổ nhạc tài tình của nhạc sĩ Giger. Anh nuốt phứt hàng chữ Anh cắn vỡ lời thơ Anh cắn cắn cắn cắn Hơi thở đứt làm tư! Em xé toang hơi gió Em bóp nát tơ trăng Em cắn vỡ hương ngàn Em túm muôn trời lại Rồi trong tận cùng đau thương, lắm khi Tử bay bổng, chờn vờn. Trong bài thơ Say Máu Ngà (agitato, libero), Tử thấy hồn mình đang lìa khỏi xác bay lên… chênh vênh giữa hai hàng thế giới Sống và Chết. Lòng ta là cả một bài thơ mãnh liệt Văng tung lên trên thế giới mông lung Nức lời ra réo bao niềm bi thiết Làm buồn lây lây đến cõi vô cùng. ... Ta sầu lắm, một thứ sầu vô cớ Cất cao lời gọi giật tiếng ma kêu Đương xáng mạnh vào trong sườn núi lở Làm giật mình mây nước cõi phiêu diêu. Tiếng kêu ca ai oán gọi giật điên tiết đến ma cũng phải điếng cả người. Tiếng hát đối thoại với tiếng đàn trong giai điệu atonal, âm thanh rối loạn, thăng trầm vô cớ. Hoàn toàn ngẫu hứng. Tiếng đàn và tiếng hát thoát khỏi mọi luật lệ ràng rịt của âm nhạc. May thay, cuối đời Tử, người xưa Hoàng Cúc của Đây Thôn Vĩ Dạ đã đậm đà gửi đến cho chàng một tấm bưu ảnh. Có gương mặt chữ điền mờ mờ trong sương khói? Có lời hỏi han nhẹ nhàng thanh thoát như tiếng đàn đã rũ sạch bụi trần thế Sao anh không về chơi Thôn Vĩ? Có giọng Huế êm ái nói như hát lời kinh cầu hay lời ru êm ái? Tất cả êm đềm, cả nhạc lẫn lời (tranquillo). Ai biết tình ai có đậm đà? là câu hỏi cuối cùng của Tử mà chính nó cũng đã là câu trả lời. Tử tìm lại được Bình An Trong Tâm để chuẩn bị cuộc hành trình về Cõi Vĩnh Hằng. * Thơ Hàn Mặc Tử là một rừng châu báu, ngọc ngà bất tận. Huyền bí, sâu thăm thẳm. Làm thế nào mà một nhạc sĩ ngoại quốc đầu tiên người Thụy Sĩ - Walther Giger lại phổ nhạc như lấy da thịt mình, hồn mình, hòa chung với thơ như thế? Cái Duyên và Cái Tài Tình trong nghệ thuật khó làm sao giải thích! Dù nhịp điệu có thể là Reggae cổ điển trong Sáng Trăng, có thể là Bossa Nova trong Đà Lạt Trăng Mờ, hay Atonal hoàn toàn ngẫu hứng trong Say Máu Ngà. Dù phong thái có từ Barock trong Những Giọt Lệ đến avant-garde Anh Điên, Em Điên v.v.v. tất cả chín bài thơ đều được Walther Giger phổ thành ca khúc lẫn hòa âm phối khí ở âm sắc Ngũ Cung, đặc trưng âm nhạc Á Châu nói chung và Việt Nam nói riêng. Đây là một đặc điểm tuyệt vời của âm nhạc Walther Giger. Mặt khác, không một câu thơ nào phải biến dạng hay khụy gối để nhạc có thể bay lên. Thơ và nhạc cứ như tri âm tri kỷ đang tâm tình. Thơ đến đâu thì nhạc đến đó, quấn quýt dẫn dắt nhau đi. Ngoài ra Walther Giger đã soạn bài Trường Tương Tư thành một Passacaglia độc tấu Tây Ban Cầm. Những luyến láy mềm mại làm sáu dấu giọng của tiếng Việt được tôn trọng tuyệt đối. Phải thật sự yêu Việt Nam, yêu văn hóa Việt Nam và trân trọng với công việc sáng tác, Walther Giger mới dày công viết được những tác phẩm quý giá này. Đây là những Bài Ca Nghệ Thuật (Art Songs) bởi lời ca là những bài thơ bất tử có giá trị văn học và có thể cảm nhận dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Âm nhạc có cấu trúc, có chủ đích, có điển tích. Có bài soạn cho dương cầm; có bài cho Tây Ban cầm; nhiều bài lại soạn cho Tây Ban cầm bốn bè, Nguyệt, Cò, Bầu và Tranh. Vô cùng trân trọng đón nhận nghĩa cử cao đẹp này của người nhạc sĩ ngoại quốc đầu tiên phổ thơ thành ca khúc trong lịch sử âm nhạc Việt Nam: Walther Giger. Nói đến thơ Hàn Mặc Tử là nói đến nhịp rung động của rất nhiều tần số. Mỗi người có trải nghiệm khác nhau gắn liền với đời sống riêng tư của mình. Bảy mươi năm qua, khi cất cao giọng ngâm, đọc, hát, người yêu thơ Hàn Mặc Tử để kỷ niệm, vui buồn của mình bay ra. Mỗi người mỗi vẻ… Từ trước đến nay người ta nghe gì, thấy gì, cảm sắc màu gì, cao độ trường độ chuyển động thế nào trong thơ Hàn Mặc Tử? Câu hỏi không nhất thiết phải có một trả lời. Nay Walther Giger nhìn từ một góc ngồi khác trong hằng hà sa số góc ngồi ở mười phương tám hướng, đối thoại với thơ Hàn Mặc Tử để cố tìm bắt cho được hồn của nhà thơ hay ít ra hồn của chính mình. Thay lời tri ân và tưởng niệm 70 năm nhà thơ quá cố. Thụy Sĩ, Wallisellen, 14.02.2010 (SDB – 5-2010) |