Chỉ mới nhắc một phiên chợ quê thôi, mà cũng đã gợi đến biết bao nhiêu ký ức, biết bao nhiêu bóng dáng của người xưa, và cả cái không gian văn hóa lãng đãng mang đậm nét hồn hậu, hồn nhiên gắn bó với nhân gian bằng tiếng yêu thương thốt lên trong mỗi tâm thức. Phiên chợ quê những tưởng từ lâu đã trôi đi theo lối sống thị thành, từ lâu đã nhạt phai dần trong ký ức nơi ngã rẽ của những dòng sông, nay lại được tái hiện qua giấc mơ đắng đót của cả một đời người. Từ cái thuở xa xôi lắm, những phiên chợ quê đã trở thành hình ảnh đặc trưng và gắn bó máu thịt trong tâm hồn của những người nông dân chân lấm tay bùn.Hơn thế nữa, nó còn là nơi giao lưu văn hóa, là nơi thể hiện đậm nét cái bản sắc riêng biệt của một nền văn minh lúa nước. Về đây, chúng ta lại bắt gặp những hoài niệm xưa cũ đẹp như một giấc mơ cổ tích. Đó là một không gian xanh đậm đầy chất dân dã, là cái mộc mạc đơn sơ nhưng ẩn chứa tất cả nỗi lòng quyến luyến về một cái hồn quê xứ Việt rất đối gần gũi và chất phác. Về đây, để rồi cứ muốn trải lòng, muốn được lăn mình trong đắng đót nỗi nhớ của một đời người. Vẫn là một không gian làng quê mộc mạc với đình chợ, với những người buôn bán dưới bóng mát của cây đa cổ thụ, dân thôn đem bán mớ tôm, mớ tép, mớ rau vườn nhà, con gà, con vịt mới nuôi, các loại hoa, quả, cũng có khi thêm ít hàng xén. Hàng hóa lúc ít lúc nhiều nhưng hàng quà thì không bao giờ thiếu. Phiên chợ quê tuy giản đơn nhưng không như chợ cóc nay đây, mai đó, chợ như hòa với thiên nhiên, không thể thiếu trong đời sống của mỗi người dân, từ người bán hàng mặc áo bà ba trắng, đen, nâu sòng, áo dài tay nối đến các o, các thím, các mệ đi chợ với nón lá, quần rộng… Tất cả đều mang đậm sắc hương, mùi vị của hương đồng gió nội được kết tinh từ hồn quê, hồn đất và để rồi như cất lên lời mời thưởng thức…Và rồi chúng tôi bỗng nhiên cứ bỗng muốn được sà vào, muốn được hít sâu vào lồng ngực những sắc màu, những âm thanh ban sơ lóng lánh trong cảm giác miên man được quay trở lại với một điều gì tưởng đã nhạt nhòa năm tháng.
Chúng tôi say mê ngồi lại bên chiếc bến sông nhỏ, để rồi được thỏa thích nhâm nhi những vầng mây trắng như tơ, nhâm nhi cả cái mùi thơm nồng cỏ lạ giữa một vùng quê hiện ra trong sắc màu biêng biếc, lại như cảm thấy mặt mình thoáng chốc ngây dại, ngẩn ngơ tiếc nhưng lại cứ chẳng biết phải làm gì. Một vài cơn gió cứ lốc khốc gõ vào dám bùng nhùng rối rít về những ý nghĩ sơ sinh như những hài nhi hóng tuổi, rón rén choàng lên cả không gian và thời gian sự nhu mì của những cóng lúa non chưa vướng bận hơi người. Màu đất nâu bết đến từng hạt cỏ, tụng xưng mùa qua cái vẫy chào hơn hớn của rễ, của thân, của những tiếng cười thôn nữ vu vơ đâu đó bước ra từ cổ tích. Cái mơ màng át cả tiềng quẫy từ ngọn lá của một loài cây không tên áp vào mặt nước, nhưng lại sóng sánh tôi, xô dạt tôi vào giữa những khoảng cách vẫn luôn tồn tại khi tôi bước chân vấp phải nỗi hồn nhiên đang mải miết với trò chơi đuổi bắt. Về phiên Chợ quê ngày hội, mọi người chắc chắn cũng sẽ không quên bước chân lên chiếc cầu ngói Thanh Toàn, để được lâng lâng đón những làn gió mát rượi thổi đến từ cánh đồng lúa miên man xanh mượt, và để rồi như chìm vào niềm ngẫm nghĩ của những tiếng vi vu ve vuốt rướn lên sau trận ngủ quên của đám lục bình lãng đãng trôi nhẹ trên sông. trôi như đang nhè nhẹ thu gom lại từng dấu vết bầy chim hoài mải mê rót thứ âm thanh vang như nhịp đập của trái tim mình. Như vừa mất một điều gì lại được một cái gì, muốn khuấy động lên nhưng cứ ngơ ngác để nó tự trôi qua và biến mất. Làng quê như đang lôi tôi đi trong cuộc hành trình mớ ngủ, để tôi thức dậy trong cái lấp loáng của thời gian rổn rảng sự ham muốn phải dấn chân đi, phải nghêu ngao cho ngày tròn vành vạnh sau mỗi cái gật gù ngả ngớn. Mùa ngày cứ ngồn ngộn thứ vô ngôn biến tấu, đẩy ta lạc trong mê thẳm của những cung bậc cảm giác, mà biết đâu đây lại là một nỗi sân si mới của đời mình. Và như chẳng có gì vướng bận nữa, tôi lại phiêu du trên màu hoa súng non, trên cái sự lan tỏa của một thứ không gian cực kỳ mộc mạc, và phải chăng cũng chỉ để cho một điều rằng: mình được hiểu mình hơn! Tìm về với Chợ quê, mỗi người được thấy lại, được cảm nhận, được trải lòng ra với cái chất văn hóa dân gian thấm đẫm, được sống trong một ký ức sao thật hồn nhiên và đẹp đẽ. Cũng chính vì vậy mà Chợ quê ngày hội đã thực sự trở thành một lễ hội văn hóa cộng đồng hấp dẫn du khách, lặng lẽ trở thành một “thương hiệu du lịch ” trong lòng Festival Huế. (SDB – 5-2010) |