SỐ ĐẶC BIỆT
Chuyên nghiệp!
15:54 | 16/06/2010
HOÀNG VĂN MINHTại một lớp tập huấn viết về lễ hội do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức trước thềm Festival Huế 2004, Alain Thomas, giảng viên đại học báo chí Lille (Pháp) cho rằng, Việt Nam (thời điểm đó) chưa có đội ngũ báo chí được đào tạo chuyên nghiệp để viết về lễ hội. Nghe xong tự ái ngút ngàn. Nhưng ngẫm kỹ, thấy Alain nhận xét không hề sai.
Chuyên nghiệp, đôi khi rất đơn giản chỉ là làm sao viết để không sai. Tôi chính thức vào nghề báo gần như cùng lúc với sự “ra đời” của festival Huế (lễ hội lần thứ nhất được tổ chức vào năm 2000). Bây giờ nghĩ lại không thể nào nhịn được cười bởi ngày đó, tôi nhìn và viết về lễ hội một cách cảm tính và ngây ngô. Lễ hội lần thứ nhất với tôi không có vấn đề gì bởi cái gì cần viết thì các anh lớn trong văn phòng như Vĩnh Quyền, Lâm Chí Công...đã làm hết. Nhưng đến lần tổ chức thứ 2 (năm 2002), khi được giao một mình tác nghiệp, thì chính sự ngây ngô và thiếu kinh nghiệm của tôi đã gây tai hoạ. 

Chuyện là trước đêm bế mạc lễ hội, ban tổ chức lúc đó gởi cho anh em báo chí mỗi người một kịch bản chi tiết. Do sự hối thúc của thư ký toà soạn, do lười...nên tôi đã viết theo kịch bản kiểu như tối nay bế mạc sẽ có những tiết mục gì, ai biểu diễn, biểu diễn ra làm sao....rồi gởi ra toà soạn. Tối đến, thay vì mang thẻ vào sân khấu, hay tệ hơn là xem truyền hình trực tiếp, tôi chọn giải pháp tắt máy di động rồi đi nhậu để đền bù cho hơn 10 ngày vật vã với lễ hội. Sáng ra, tối mới toá hoả khi hay tin tối qua, vì nhiều lý do khác nhau nên một số tiết mục đã bị huỷ bỏ so với kịch bản. Hậu quả là tôi và báo tôi bị ban tổ chức phản ứng gay gắt. Tôi bị cơ quan phê bình, kiểm điểm, bị “đi đày” ở tận Nha Trang suốt 3 tháng và sau đó là “bị” bắt đi học nghiệp vụ viết về lễ hội với ông Alain như đã dẫn ở đầu bài. 

Chuyên nghiệp, là một yêu cầu không chỉ đối với báo chí, mà còn với cả những người tổ chức lễ hội. Còn nhớ những ngày đầu, một trong những câu chuyện được lên báo nhiều nhất, một trong những vấn đề được báo chí chất vấn ban tổ chức festival Huế nhiều nhất là sự chưa chuyên nghiệp của ban tổ chức, từ con người, tư duy, cho đến sự vận hành của những mắt xích cụ thể...Thời điểm đó, mỗi khi trả lời báo chí, những người đứng đầu lễ hội thường không còn cách nào khác là “đổ thừa” hoàn cảnh (mới tổ chức chưa có kinh nghiệm, vừa làm vừa học...) và xin hứa những lần sau, cán bạn sẽ thấy chúng tôi chuyên nghiệp hơn...Tôi đã đồng hành với festival Huế đúng 5 lần tổ chức với quãng thời gian tròn 10 năm, và đến thời điểm này có thể khẳng định rằng: Công tác tổ chức của lễ hội này đã có một bước tiến rất xa so với những ngày đầu về tính chuyên nghiệp, nhưng còn lâu mới được như yêu cầu (của người xem) và mong muốn (của chính người làm).

Hôm rồi tình cờ gặp lại ông Alain Thomas ở Hà Nội. Ông khoe từ sau khi kết thúc lớp học năm 2004, ông vẫn thường xuyên theo dõi báo chí Việt Nam nói chung và chúng tôi (những thành viên tham gia lớp học) nói riêng mỗi khi có festival Huế. Hỏi ông đến bây giờ đã thay đổi quan điểm về một Việt Nam chưa có những người viết lễ hội chuyên nghiệp hay chưa? Ông Alain chỉ cười nhún vai rất bí hiểm...

Thật ra tôi có thể tự trả lời câu hỏi đó bằng kinh nghiệm của chính bản thân mình. Chuyên nghiệp, là bây giờ rất khó để viết sai một cách ngây ngô theo kiểu lấy kịch bản về chép lại. Là tác nghiệp đỡ mất thời gian hơn do đã “sống lâu” đến mức thành “người trong nhà” và sự lặp lại đến buồn nản của sự kiện. Là chút tự hào cỏn con rằng bây giờ mình viết bài nhanh như máy. Để rồi một hôm ngồi đọc lại những bài báo mình đã viết về lễ hội này, chợt giật mình thấy trong 10 năm qua mình không có gì mới mẻ, thậm chí ngày một cũ đi...

H.V.M
(SDB – 5-2010)




Các bài mới
Các bài đã đăng
Áo dài ơi! (09/06/2010)