SỐ ĐẶC BIỆT
Dòng sông ám ảnh
15:02 | 21/06/2010
LÊ HUỲNH LÂMTuổi thơ của sông, người tình của sông,… sông reo vui khi người tình soi bóng bên dòng nước trong xanh tươi mát, thơm tho như dòng tóc thiếu phụ ngơ ngác giữa chiều mây bay, sông buồn khi người tình xa khuất, màu nước ngầu đục, u ám...
Dòng sông ám ảnh
Ảnh: Internet
Có thể nói, trước sự xâm lấn của nền văn minh bê tông cốt sắt và sự vô cảm ngày một lan rất rộng và sâu trong xã hội, đã xô đẩy những con sông rơi vào tận kiệt. Trên quả đất này, có lẽ sông Hương là con sông có cái tên sang trọng và hoa mộng nhất, cũng là con sông nhạy cảm và quyến rũ vào loại bậc nhất. Dòng sông đã làm rung động biết bao tâm hồn con người, tâm hồn thi nhân…

Một ngày nắng, tôi trở về khu vườn hoang sơ bên sông, mảnh vườn đã nuôi lớn tâm hồn tôi hơn ba mươi năm trong vòng tay và ánh mắt ấm áp của mẹ. Ngồi bên những cây tre già nua, cũ kỹ, nhìn sông vào buổi ban mai, chợt thấy mọi ưu phiền tan biến như từng con sóng nhỏ mất dạng phía xa xăm. Phía trước ngôi nhà nhỏ là một khoảng trời khoáng đãng, tôi không thể nhớ hết số lần tôi đã ngồi ngắm mây ngang qua bầu trời. Dạo đó, tôi như bị mê hoặc bởi ánh trăng đẫm sương giữa màu đêm quạnh vắng, tôi thường nhìn màn nước trong veo soi tận đáy sông, rồi thả mình xuôi theo dòng nước ngửa mặt ngó mây trời, hoặc nhìn từng đàn cá mặt trăng li ti tung tăng như tuổi thơ. Ẩn sâu trong kí ức chợt gợi lên những con chuồn chuồn đủ các sắc màu, những bọt nước thầm lặng nổi lên từ đáy sông,… và khuôn mặt ấu thơ thuở nọ nhấp nhô, biến dạng theo từng đợt sóng nước, đó là hình ảnh của thuở thơ dại còn lưu dấu bên dòng sông trước nhà. Vào những năm đầu thập niên 80, thế hệ chúng tôi khoảng 13,14 tuổi, lứa tuổi đang ăn đang lớn, lũ trẻ xóm tôi lại cùng nhau câu cá cấn, cá mại, bắt ve ve chuồn chuồn, nuôi gà vịt, trồng cây cà, cây ớt, vui đùa, đàn hát,… và bơi lội trên một vùng sông nước hồn nhiên xanh mộng.

Một sáng, ngồi trên bãi đất bồi bên sông, trước mặt tôi là doi đất cuối cồn Hến, phía bên kia là vùng Vỹ Dạ một thời thơ mộng. Xa xa lấp lánh dưới màu nắng non, một vùng hoa lau trắng long lanh dưới ánh vàng trong veo, gợi lên cả khoảng trời kỷ niệm. Những cánh hoa lau lay động, khiến tôi liên tưởng đến màu tóc của mẹ phất phơ trong những chiều trở gió. Ngày xưa, tóc mẹ xanh mượt như màu nước Hương giang, giờ tóc mẹ đã trắng như từng con sóng bạc, trắng cả cõi hồn hiu hắt theo nhánh lau buồn cuối bãi bờ. Gió như chủ nhân của miền đất hoang sơ này, cơ may nào gió đã mời đến bên tôi một ánh mắt huyền ảo, sương khói, ánh mắt đã soi chiếu tận trong thăm thẳm dòng sông. Cơn gió đầu mùa thật trong lành và thanh khiết như một loài hoa trắng quý hiếm của miệt núi rừng gửi về phố thị, ngồi dưới tàn cây khế bên sông, tôi chợt nhớ những câu thơ của Phạm Công Thiện:

Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông

Những con nắng lấp loáng ánh bạc, trôi lăn tăn theo sóng nước rồi tan vào trong màu xanh huyền quyến rũ của dòng nước Hương giang. Dòng nước đã tiễn đưa bước chân của nàng ly hương, xa rời những hình bóng yêu quý nhất mà nàng ngày đêm níu giữ, để đi theo tiếng gọi của lòng hiếu thảo, của định mệnh thật buồn mà rất kiêu hãnh và lớn lao vô cùng. Rồi cuộc đi của nàng đã mang lại cho Đại Việt châu Ô và châu Rí, mang lại dòng sông thấm đẫm sắc màu của một vùng đất văn vật. Để rồi các thế hệ sau này làm nên nghiệp lớn và người đời sau vẫn không quên được hình ảnh người con gái đi về phương Nam xa xôi ấy, ô hay! Nàng đi mở cõi.

Người đi gửi lại dấu hài
Gót son mấy độ chưa phai câu thề

Đúng là bước chân của Huyền Trân vẫn còn lưu dấu trên từng dáng vẻ của dòng sông đầy nữ tính này, khi mà màu nước gợi tình ấy, vẫn réo rắc những cung bậc thật sâu trong tận trái tim của một công chúa đời nhà Trần. Và như để diễn đạt trạng thái nội tâm của nàng lúc ra đi, dòng Hương đã uốn mình theo những khúc quanh định mệnh, một sự dùng dằng mà nhà thơ Thu Bồn đã cảm nhận:

Con sông dùng dằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu

Minh họa: Đỗ Hoàng Tường


Như hình ảnh nàng dâu từ biệt gia thất chuẩn bị về nhà chồng, nàng đã dừng lại thật lâu để quay lại nhìn gia quyến, hình bóng người yêu lần cuối cùng. Cũng như thế, Hương giang trước khi đổ ra biển đã ngoái lại nhìn thật lâu những gì gần gũi và thân yêu nhất, nhìn về cội nguồn của chính mình. Trong nét nữ tính thật mềm mại, sông Hương như hình hài một người con gái mà những núi đồi Kim Phụng, Ngọc Trản, Vọng Cảnh, Hà Khê,… đã tạo nên những đường nét thật gợi cảm, tạo nên những độ nông sâu trên từng đoạn sông, và những gam màu bình dị. Xuôi về phố thị, sông như một tà áo dài tím nhạt của người con gái xứ Huế, lất phất trong gió chiều cùng chiếc nón bài thơ che nghiêng cả màu trời thương nhớ, một hình ảnh đã bị quên lãng trong kí ức đô thị hôm nay. Thật may mắn khi sông Hương vẫn còn những điểm nhấn thật sâu, đó là dải cồn Hến tựa như vùng nhạy cảm nhất của dòng sông đầy tính nữ và cồn Dã Viên có thể ví như một cái rốn hoa giữ kín điều bí mật của người con gái trinh nguyên, dọc theo hai bên bờ là những miền cỏ lau, những loài hoa dại ngát hương, những tán cây cổ thụ và lũy tre xanh đổ bóng thật hiền hòa,… như đã tô điểm thêm vô vàn nét đẹp cho dòng Hương.

Một trong những yếu tố tăng thêm nét duyên ngầm của dòng Hương, là các con sông đào với những tên gọi rất nên thơ như: sông An Cựu nắng đục mưa trong, sông Kẻ Vạn, sông Đông Ba,… Trong cái nhìn siêu thực, những nhánh sông đào này, như những cánh tay của vị nữ thần vươn dài đến tận những cánh đồng của những làng mạc xa xôi, những vườn cây trù phú. Những cánh tay tưởng chừng xanh xao, mềm yếu ấy đã góp phần xoa dịu cơn giận dữ của Thủy Tinh, và giúp cho dân làng thuận lợi trong việc lưu thông trên đường thủy. Tôi cứ mãi phân vân, phải chăng Hương giang là con sông thuộc về một dòng tộc của chế độ mẫu hệ trong cổ tích xưa, thuộc một vùng đất nhỏ khiêm tốn, nhưng những gì khoát trên mình dòng sông đã vượt ra ngoài biên giới của một quốc gia. Đó chính là những giá trị văn hóa, nghệ thuật, những ân sũng của thiên nhiên dành tặng con người xứ sở này.

Có thể nói, thật ít có con sông nào biến đổi sắc độ trong một ngày như dòng Hương. Từ xanh trong vào buổi sớm, đến vàng cam buổi trưa, rồi những ánh màu dát bạc loang cả mặt sông, màu khói lam pha lẫn xanh chàm vào cuối chiều và chút tím hồng thật vi tế loang ra theo vô số hạt sương cuối ngày lãng đãng trong không gian.

Hòa quyện vào những sắc màu đó là những âm thanh của những lễ hội, của tiếng chuông chùa du dương trầm bỗng, của những điệu hò mái nhì, mái đẩy,  tiếng gọi đò lúc khuya khoắt, tiếng mái chèo khua nước, tiếng ghe máy chạy đều đều, tiếng í a của ngư dân sinh sống trên những con đò,… và âm vang của nước như mời gọi thần linh hiện về trong những đêm khuya vắng. Tôi không thể nào quên được hình ảnh và âm thanh bi hùng của lễ rước hến trên đoạn sông trước nhà vào ngày 24 tháng sáu âm lịch hàng năm. Người dân làm nghề hến quanh phường Giang Hến xác tín rằng: Làm lễ rước hến để ghi nhớ công ơn của Thần Sông, sẽ được Thần Sông phù hộ. Vì vậy, lễ được diễn ra rất long trọng. Bất chợt tôi lại nghĩ đến Huyền Trân phải chăng, Nàng là một Nữ Thần Hương giang?

Có thể vì mang trong mình một dòng máu nữ tính, mà sông Hương đã chiêu cảm được bao mặc khách, thi nhân. Dòng nước ấy đã gợi thi hứng cho Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, các vị vua chúa triều Nguyễn,… làm nên những áng văn chương tuyệt tác. Và biết bao nhạc sĩ tài hoa như: Cung Tiến, Văn Cao, Phạm Đình Chương, Dương Thiệu Tước,… đã từng lấy cảm hứng từ dòng Hương, để sáng tác rất nhiều ca khúc bất hủ. Và hầu hết những bản nhạc về dòng sông hoa mộng này, đều có âm hưởng bi ai, tiếc nuối,… trong tiết nhịp chậm rãi. Đó là cảm nhận của thi hào Nguyễn Du cách đây đã hơn hai thế kỷ:

Hương giang nhất phiến nguyệt,
Kim cổ hứa đa sầu

Ôi, thật không ngờ, trên con sông hiền hòa này đã từng xảy ra những cuộc binh biến, có những thời khắc những vệt màu đỏ đã hòa vào sông. Đó là ngày mà thủy quân Tây Sơn đã tiến vào thành Phú Xuân bằng đường thủy, để làm nên chiến công lẫy lừng. Cũng chính trên con sông này vào một chiều hoàng hôn tím ngát, dọc theo một khoảnh đất ven sông là khói hương nghi ngút, đỏ cả một vùng trời đêm hoang hoác.

Ai đó đã nói sông Hương là linh hồn của mảnh đất Thần kinh, còn những lăng tẩm, đền đài, cung điện, những khu vườn xanh mướt, những núi đồi, cỏ cây,… như những vết son hồng tô vẻ một cách kín đáo trên gương mặt đoan trang người con gái xứ Huế của ngày xưa. Cũng không thể thiếu được những chiếc thuyền chài nho nhỏ như ánh mắt của sông, luôn ngước nhìn vòm trời cao rộng, để những áng mây lơ đãng kia phải dừng lại thật lâu, mãi mê chiêm ngắm nhan sắc của một thiếu phụ đẹp đến não lòng. Những người dân xứ Huế vốn đã ít nói, bỗng trở nên kiệm lời hơn, khi đã một lần được soi bóng dưới dòng Hương giang, bất chợt thấy những cung điện nguy nga, những tòa nhà cao vút,… và cả gương mặt mình tan vỡ sau cái chau mày của người thiếu phụ xứ sở Thần kinh. Ôi, phù vân, tất cả chìm vào khói mây! Lời ta thán đó, phát ra cùng một hơi thở dài đến tận thiên thu của thành phố được mệnh danh là một trung tâm văn hóa của cả nước và thế giới.

Tôi đã rời khỏi bến sông ngày nọ từ rất lâu, vậy mà gương mặt và giọng nói của nàng như một nỗi ám ảnh từ xa xăm. Hằng đêm, dòng thanh âm bí ẩn đó chảy vào sâu tận trong những nhịp máu buồn. Nỗi băn khoăn trong tôi chợt tan biến. Ô hay! Nàng. Nữ Thần sông Hương!


(SDB – 5-2010)





Các bài mới
Các bài đã đăng
Ngâm thơ (17/06/2010)
Chuyên nghiệp! (16/06/2010)
Áo dài ơi! (09/06/2010)