SỐ ĐẶC BIỆT
Về căn nhà số 22 Trương Định
10:07 | 23/06/2010
NGUYỄN DUY HIỀNNhững ngày tháng hai vừa qua, Huế bừng bừng lên khí thế, những buổi sinh viên hát cho đồng bào tôi nghe nhạc truyền thống, những đêm đốt lửa khắp các cổng trường thành phố, đã làm sống lại không khí của những năm cao điểm phong trào đô thị 1970, 1971, 1972.
Về căn nhà số 22 Trương Định
Nhất là ngày xuống đường 29 tháng 2 năm 1976 của gần hai ngàn người diễu hành qua những nơi ghi chiến tích, trong đó có ngôi nhà số 22 Trương Định, căn nhà lịch sử với giàn hoa giấy xinh xinh màu lửa, đã làm dậy lên trong chúng tôi một xúc động sâu sắc, một niềm tự hào, bởi vì chính nơi này, những người trẻ thành thị chúng tôi đã có một thời thực sự sống, chiến đấu và đóng góp phần mình vào cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc.

Đây chính là trụ sở của Tổng hội Sinh viên Huế, của Tổng đoàn Học sinh Huế, của Mặt trận nhân dân tranh thủ hòa bình Huế, của Mặt trận văn hóa dân tộc miền Trung, của Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống, Ủy ban phối hợp hành động Sinh viên, Học sinh miền Trung… Đây cũng chính là tòa soạn của các tờ báo “Tiếng gọi Sinh viên”, Tiếng gọi Học sinh”, “Tiếng gọi Việt Nam”, “Tự quyết”, “Phụ nữ Huế”, “Mặt trận nhân dân tranh thủ hòa bình”, “Đất nước ta”, “Mặt trận văn hóa dân tộc miền Trung”. Nghĩa là đây là điểm tụ và điểm phát của tất cả lực lượng đấu tranh công khai tại nội thành.

Kỷ niệm về căn nhà lịch sử, về chiếc pháo đài vững chắc kiên cường này thật quá nhiều, quá phong phú, không làm sao kể hết, không làm sao nói hết.

Tôi có thể viết lại chiến sử ở từng góc sân đầy mảnh vỡ bom xăng, của từng viên gạch còn vương dấu máu, của mỗi góc tường lem luốt mực truyền đơn, bởi vì ở đâu trong căn nhà này cũng bàng bạc dấu tích chiến đấu, cũng âm vang lời ca tiếng hát giữ nước những năm qua. Nhưng mỗi thời kỳ là một trang ghi dấu vẻ vang. Mà mỗi một người chúng ta, trong suốt hành trình chiến đấu của mình, chỉ dừng lại nơi đây có một lần. Lần của lớp chúng tôi kéo dài từ năm bảy mươi đến ngày đầu tháng năm bảy hai, khi mà tiếng súng tiểu liên của cảnh sát Sài Gòn bắn vung vãi vào đây. Thời gian ngắn ngủi nầy, chúng tôi đã viết thêm một đoạn trong trang sử của Thanh niên thành phố, và hơi thở của chúng tôi đã gắn liền, quyện lấy sít sao với mấy bờ rào vôi loang lổ, với mấy giàn bông giấy lá đỏ tươi.

Ngăn cách với khuôn viên trường Văn Khoa và Khoa học là con đường Trương Định, con đường nhỏ bé đầy ổ gà. Con đường đã diễn ra bao lần hỗn chiến với cảnh sát và an ninh Sài Gòn, mà kết cục là suốt một thời gian dài xem như vùng bất khả xâm phạm, bọn săn người chỉ dám rình rập ban đêm. Và cũng chính trên con đường mang tên vị anh hùng Trương Định này, tên trưởng ty cảnh sát đã suýt bị đốt cháy bằng bom xăng của sinh viên.

Kế đấy là hai cột trụ không có cánh cửa “Từ những năm đầu bảy mươi, loa phóng thanh của phong trào nhân dân yêu nước đã phát đi mỗi ngày những hiệu lệnh đấu tranh, những tin tức, sinh hoạt chống Mỹ cứu nước của thành phố ta. Nhà cầm quyền tay sai qua bao lần tấn công chưa khi nào vượt khỏi. Bạo lực và súng đạn cuồng sát của chúng đã phải thối lui trước tuổi trẻ và nhiệt tình cách mạng”.

Bước vào ngôi nhà, phòng bên phải, là văn phòng thường trực của Ban chấp hành Tổng hội Sinh viên Huế, nhưng bởi Chủ tịch L.V.T thì liên tục bôn ba tại các phân khoa, Tổng thư ký V.V.C thì cũng liên tục đi tấn công và đốt xe Mỹ, nên ban phát thanh với giọng đọc âm sắc trong trẻo, cao vút của T.P.N và H.T.T đã thường xuyên làm việc ở đó.

Căn phòng chật hẹp không đến 6m2 ấy đã vừa là phòng biên tập, phòng vi âm, ghi âm tiếng nói của lực lượng SVHS đấu tranh. Tiếng nói mà một thời báo chí ở Sài Gòn đã đưa tin là Sinh viên Huế mở “đài Việt cộng” cho dân chúng nghe. Tiếng nói phát đi từ thành phố nhỏ bé này đã góp phần đắc lực tuyên truyền, động viên, hướng dẫn nhân dân thành phố tích cực tham gia phong trào, đưa phong trào đạt những cao điểm đáng kể.

Phòng bên trái là nơi làm việc của Khối Báo chí. Tòa soạn của các tờ báo đấu tranh công khai tại Huế; cái máy quay rônêô “gestenert”, cái máy chữ “royal” 440 ở đó đã ấn hành được riêng trong các năm 70, 71, 72 hàng chục vạn truyền đơn bươm bướm, gần tám chục ngàn bản tin, gần ba mươi ngàn tờ Tiếng gọi SVHS và Tiếng gọi Việt Nam, hàng chục ngàn tập tài liệu, sưu tập ca dao hò vè chống Mỹ lật ngụy trong tủ sách đồng bào, và hàng chục vạn tuyên cáo, tuyên bố khác. Cũng tại phòng này năm bảy mốt, V.Q, người phụ trách Khối Báo chí trong những ngày nỗ lực chiến đấu đã thổ huyết và ngất xỉu sau đêm cảnh sát tấn công bằng súng vào trụ sở bất thành.

Căn phòng lớn ở giữa là phòng hội của Tổng hội Sinh viên Huế. Nơi đây đã diễn ra những phiên họp lịch sử, đánh dấu những mốc trọng đại của phong trào đô thị. Nơi đây cũng có lần Phó Tổng Thống Sài Gòn N.C.K, Tư lệnh quân đoàn số 1 H.X.L đã bị anh em SVHS Huế vây hảm, tố cáo tội ác đối với nhân dân và vạch trần bộ mặt tay sai. Nơi đây cũng đã khai sinh Mặt trận Văn hóa Dân tộc miền Trung, thành trì của giới văn nghệ sĩ và trí thức yêu nước đấu tranh, mà nhà thơ, GS N.K, người sáng lập Hội sau đó đã bị địch đê hèn thủ tiêu. Căn phòng này cũng có lần tập họp các ký giả nước ngoài để phổ biến chủ trương, đường lối đấu tranh và các tuyên bố của SVHS và phong trào yêu nước tại Huế, mà quan trọng nhất là tuyên bố ủng hộ các chính sách hòa bình của chính phủ cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền nam Việt Nam. Đây là nơi đầu nảo chỉ đạo trực tiếp phong trào.

Sinh viên - học sinh Huế xuống đường chống Mỹ - Ảnh TL của NDH


Căn phòng kế tiếp đó những năm trước đây, luôn luôn nồng nặc mùi xăng. Đây là nơi bào chế hàng ngàn quả bom xăng đủ cỡ, đủ loại của SVHS Huế. Những quả bom xăng gây kinh hoàng cho lính Mỹ xâm lược những ngày tháng 3, tháng 8, tháng 10 năm bảy mốt. Cơ sở chế tạo vũ khí dã chiến này có thể xem là nơi đầu tiên khởi phát chiến dịch đốt xe Mỹ trên toàn miền Nam do Thanh niên, Sinh viên, Học sinh chủ động thực hiện. Tại Huế, xe Mỹ và chư hầu đã liên tiếp cháy rực trên đường phố, mà cao điểm nhất là các ngày 1, 2, 3 tháng 10 năm 1971, đánh dấu những điểm son chói lòa trong quá trình đấu tranh của SVHS Huế. Căn phòng này cũng còn chứa đầy đủ dụng cụ lao động của Đoàn công tác xã hội SVHS Huế; mà những cái cuốc, cái xẻng, cái búa cũng còn có tác dụng của những vũ khí phụ trợ trong các đợt tấn công trực diện lính Mỹ và cảnh sát Sài Gòn.

Căn phòng nhỏ bên trái là câu lạc bộ Sinh viên Huế, nơi đã nhiều lần đón các mẹ các chị chợ Đông Ba, Bến Ngự, An Cựu và cả Kim Luông, Bãi Dâu đến săn sóc, tiếp tế lương thực những khi địch phong tỏa trụ sở. Cũng là nơi tụ hội của SVHS toàn miền Nam, Sài Gòn - Cần Thơ, Đà Lạt, Đà Nẵng trong những kỳ Đại Hội đấu tranh toàn miền Nam. Căn phòng chứng kiến tình nghĩa keo sơn và đoàn kết một lòng của nhân dân trong trận tuyến chống Mỹ cứu nước mà Đảng và Bác Hồ lãnh đạo. Nơi đây có mấy giàn bông giấy rậm lá một góc sân.

Phòng cuối cùng là nơi sản xuất những khẩu hiệu bằng vải, những panô đả kích, những khẩu hiệu cổ xúy đấu tranh, những hình nộm thực dân mới, Ních xơn, N.V.Th và tập đoàn tay sai. B.C, người đảm trách các công tác này, trong các lần bị bắt giữ, địch đã dùng mọi hình thức tra tấn để làm thương tật và tê liệt bàn tay tài hoa của anh, nhưng chúng cũng đã thất bại, những bức tranh đủ cỡ của anh vẫn vượt cửa ngục ra ngoài nhà giam, vượt cả đại dương để đến các thành phố bạn bè ở nước ngoài, đến ngay cả trên đường phố nước Mỹ. Đây cũng là phòng ăn cơm của Ban chấp hành Tổng hội Sinh viên Huế. Nơi mà anh em, đồng chí khắp nơi vẫn về tụ lại liên kết phong trào, khẳng định quyết tâm chiến đấu. Những bữa cơm đạm bạc chỉ có dưa cà, thậm chí có khi chỉ toàn là muối ớt như những ngày tháng 12 bảy mốt; ăn vội vàng rồi phân tán, hay ăn sặc sụa trong hơi lựu đạn cay.

Đây là tất cả cấu trúc của nhà số 22 Trương Định, căn nhà của Thanh niên, Sinh viên, Học sinh Huế. Những ngày chúng tôi được tự hào sống ở đó là “những ngày đẹp hơn tất cả”, “dù mai sau đời muôn vạn lần hơn”. Tháng năm năm bảy hai, địch đã sử dụng một lực lượng quân sự, cảnh sát, công an đáng kể với đầy đủ súng đạn để tấn công vào trụ sở này, và sau đó dùng cường lực bắt đem đi một số lớn cán bộ lãnh đạo phong trào còn lại, sau khi đã dùng bạo lực bắt giam một số khác từ tháng tư bảy hai cùng một lúc với hơn 1000 nhân dân khác trong tỉnh thành.

Chuyển tàu ngày 7 và ngày 11 tháng 5 bảy hai đã đưa tất cả ra Côn Đảo lưu đày. Và căn nhà này đã bị chiếm cứ, thô bạo đập phá và đốt cháy tất cả những gì còn lại, chỉ duy có một điều, chúng không thiêu hủy được, ấy là lý tưởng giải phóng dân tộc.

Và hôm nay, chúng ta đã về lại đây, đốt lại ngọn lửa truyền thống, lòng tự hào cất vang tiếng hát, như những ngày tháng ba bảy mươi của ngọn lửa từ trái bom xăng truyền thống, ngọn lửa bất diệt trong tim chúng ta đã bắt lại với nhau, hừng hực đỏ, reo vui cháy, và trong hơi ấm của lửa, trong nhịp đập rộn ràng của trái tim, mỗi chúng ta, trong những ánh mắt rạng ngời tin tưởng, chúng ta nhìn nhau, cùng nói với nhau câu nói mà mấy chục năm trước đây Lý Tự Trọng, người thanh niên Cộng sản đầu tiên đã hiên ngang nói trước tòa đại hình bạo tàn của thực dân Pháp: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường Cách mạng, chứ không thể là con đường nào khác”.

Huế tháng 3.1976
(SDB – 3-2010)



Các bài mới
Các bài đã đăng
Hương còn mãi (22/06/2010)
Tamakata (21/06/2010)
Ngâm thơ (17/06/2010)
Chuyên nghiệp! (16/06/2010)