SỐ ĐẶC BIỆT
Phải có bản dịch chất lượng về mặt văn chương
10:35 | 23/06/2010
TRẦN THIỆN ĐẠOI. Thực trạng văn học Việt Nam ở Pháp
Phải có bản dịch chất lượng về mặt văn chương
Dịch giả Trần Thiện Đạo
Trước khi nói đến việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, chúng ta nên nhìn rõ thực trạng hiện hành nền văn học này trên thị trường và trong độc giả ở Pháp như thế nào. Riêng chúng tôi là kẻ hằng quan tâm tới nó từ nhiều năm nay, nên đã thể nghiệm qua hai thí điểm kể sau:

Một, chúng tôi đã thường xuyên theo dõi trên các tạp chí văn chương và các phụ trương văn nghệ của báo chí Pháp mà hầu như không thấy có bài nào nói tới tác phẩm Việt Nam hiện đại, họa hoằn lắm mới thử nghiệm bằng cách liên hệ với vài ba nhà xuất bản lớn ở thủ đô Paris, giới thiệu với họ tác phẩm của một số nhà văn lớn danh tiếng Việt Nam, thì họ đều từ chối viện lẽ họ chưa từng nghe nói tới các tên tuổi đó.

Thực trạng đáng buồn này, buồn như miền nhiệt đới (Buồn thay miền nhiệt đới là nhan đề kiệt tác của nhà nhân chủng học Claude Lévi-Strauss vừa từ trần), có ba nguyên nhân chủ yếu:

1. Các Nhà xuất bản tác phẩm Việt Nam ra tiếng Pháp hầu hết trụ sở đều ở tỉnh lẻ, cách Paris 700-800 km, khó bề cạnh tranh với các nhà xuất bản lớn ở thủ đô.

2. Hầu hết các bản Pháp dịch đều do các dịch giả gốc Việt thực hiện, họa hoằn mới có hai dịch giả người Pháp nhưng trình độ Việt ngữ của họ dưới mức tầm thường.

3. Trong số dịch giả gốc Việt hay gốc Pháp này chẳng có ai là nhà văn cả: các bản dịch (tương đối) trọng chữ tín mà không với tới chữ đạt thành ra văn phong các tác giả không được tôn trọng.

Nói cách khác, có thể khẳng định rằng văn học Việt Nam hiện nay chưa được quảng bá trong quảng đại quần chúng Pháp, dần cũng có một vài tác phẩm đã được phát hành (tương đối) rộng trên thị trường sách của những Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp... Nhưng đấy chỉ là những ngoại lệ chứng minh cho nhận xét nêu trên.

II. Việc giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài.

Muốn quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, chúng ta nên làm gì để lần lần đạt tới mục đích ấy một cách thiết thực và thực tế, để vượt cả những khó khăn kể trên?

Tại Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, một số dịch giả lên lời chê trách cụm từ tiếng Anh - Mỹ Vietnam literature, cho rằng phải dùng tính từ Vietnamese thay cho danh từ Vietnam mới đúng. Có điều là tính từ Vietnamese trong tiếng Anh - Mỹ chỉ dịch đơn thuần là tiếng Việt, ta gọi là Việt ngữ hoặc quốc ngữ của người Kinh, trong lúc nước Việt lại có 54 dân tộc anh em. Chúng ta quảng bá không chỉ có nền văn học Việt ngữ và trên nguyên tắc là văn học của mọi dân tộc trong nước. Thành ra cụm từ Vietnam literature mới thật tình đúng nghĩa.



1. Trước hết, chưa nói đến việc phải lựa chọn tác phẩm tiêu biểu, phải thực hiện được những bản dịch vừa chuẩn và nhất là có chất lượng về mặt văn chương, để có thể lôi cuốn thu hút, mê hoặc độc giả. Chỉ có loại tác phẩm chuyển ngữ qua bút pháp sở tại, nghĩa là nhẵn nhụi, không còn chất chứa loại câu cú sần sùi của bản dịch còn là bản dịch chưa đạt, độc giả đọc qua vài ba câu là không còn muốn đọc tiếp.

2. Muốn có loại dịch phẩm này thì phải thù lao cho dịch giả một cách đúng mức. Nói thí dụ, một dịch giả có trình độ văn chương và song ngữ sống ở Pháp chẳng hạn, mỗi tháng tối thiểu cũng phải có thu nhập từ 2 tới 2 ngàn rưỡi euro, dịch một tác phẩm 300 trang ít nhất cũng phải một năm trời, cứ tính ra là bao nhiêu thì rõ. Thù lao tối thiểu là bao nhiêu. Có người bảo: Việt Nam lấy tiền đâu mà trả công tới mức đó. Đúng. Trên mặt bằng thị trường, thì không có tờ báo, tạp chí ở Việt Nam trả đúng như thế. Nhưng có những chương trình hỗ trợ, giao lưu văn hóa có thể làm được. Thí dụ như có một vài nhà xuất bản được tài trợ giới thiệu và dịch tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài hàng trăm tác phẩm trở lên, nhưng độc giả nước ngoài không đọc được, không hiểu dù đã chuyển ngữ, vì trình độ dịch giả không đáp ứng được. Thiết nghĩ thay cho đầu kinh phí dịch 100 cuốn thì nên dịch một cuốn có chất lượng thì tốt hơn nhiều. Hãy nghĩ tới ngân sách mà nhà nước trợ cấp cho Nhà xuất bản T... đã phát hành biết bao (mấy trăm?) tác phẩm dịch ra tiếng nước ngoài còn chất đống trong kho vì chẳng có độc giả. Nên chuyển bớt ngân sách đó để trả thù lao cho dịch giả chuyên nghiệp đủ chất lượng lôi cuốn độc giả. Thà có một dịch phẩm lôi cuốn độc giả hơn là một trăm dịch phẩm không ai đọc.

3. Quảng bá một nền văn học ra nước ngoài là một công trình dài lâu, nhất là văn học các nước thế giới thứ ba như nước Việt Nam. Còn nhớ việc nhà văn Chu Lai có lần đã la ó rằng Nhà xuất bản l’Aube không trả tác quyền đầy đủ cho ông. Về mặt pháp lý, Chu Lai lên tiếng như vậy là phải. Có điều là ông không biết rằng lúc ấy nhà xuất bản l’Aube đang phá sản (nên nhớ: NXB này chuyên in tác phẩm các nhà văn thế giới thứ ba). Vụ việc này là bằng chứng thiết thực nhất rằng tác phẩm của các văn gia thế giới thứ ba ít có độc giả (ngoại trừ lớp trẻ bản xứ còn biết tiếng mẹ đẻ, các nhà báo chuyên ngành, các học giả). Nhà xuất bản l’Aube nhờ có tác phẩm trúng giải Nobel của Cao Hành Kiện mới khỏi phá sản.



(SDB – 3-2010)



Các bài mới
Các bài đã đăng
Hương còn mãi (22/06/2010)
Tamakata (21/06/2010)