SỐ ĐẶC BIỆT
Lần đầu ra Hà Nội
11:25 | 23/06/2010
NGUYỄN ĐẮC XUÂN(Kỷ niệm 50 năm Hà Nội - Huế - Sài Gòn)
Lần đầu ra Hà Nội
        Trích hồi ký củaNguyễn Đắc Xuân

Đ
ến Hà Nội, tôi được đưa thẳng về cơ quan đón tiếp K15 ở thị xã Hà Đông. Trời rất lạnh. Làm thủ tục xong tôi được phát áo bông, mũ lông và áo quần Đông Xuân để chống rét. Nghe tin tôi ra, một người bạn vong niên làm thơ xuất thân Phong trào đô thị ở Huế sau Tết Mậu thân là Võ Quê đến thăm. Quê ra Hà Nội trước tôi mấy tháng thông thạo đường sá nên mọi chuyện quan hệ, đi lại, liên lạc với bạn bè, đồng hương Quê dẫn cho tôi đi gặp cả. Ngoài đồng hương Thừa Thiên Huế tôi còn được gặp các bạn “dân Phong trào” đô thị ở miền Nam như nhạc sĩ Tôn Thất Lập, cô Tư Liêm, sau đó có vợ chồng Nguyễn Xuân Lập (Đoàn phó Đoàn Sinh viên Phật tử Sài Gòn), chị Phan Thị Miều (con gái nhà văn nổi tiếng Phan Khôi).v.v. và nhiều người nữa mà lâu ngày tôi không còn nhớ tên.

Đi qua phố xá Hà Nội những ngày đầu Xuân 1974 lạnh lẽo, hình ảnh còn ghi trong ký ức tôi là cả thành phố mặc đồng phục áo bông màu xanh đậm, trên hè phố quanh Hồ Gươm nhiều nơi vẫn còn hố tránh bom cá nhân của 12 ngày đêm Ních-xơn rải bom B.52 cách đó mấy năm. Trẻ con ra đường hai má đỏ ửng. Nhiều quầy bán hoa và bán nước trà dọc phố. Chỉ cần năm xu hay một hào có thể uống trà và thưởng thức một vài bông hoa đẹp. Việc gây ấn tượng trong tôi nhất là Hà Nội là một thành phố xe đạp. Đặc biệt xe đạp nào cũng có mang biển số giống như biển số xe ô-tô trong các đô thị miền Nam vậy. Qua đó tôi có ý nghĩ dù Hà Nội nửa chiến tranh nửa hòa bình mà quản lý đến từng chiếc xe đạp thì quả là chặt chẽ thật.

Địa chỉ cơ quan đầu tiên tôi đến là Ban Văn nghệ miền Nam do nhà thơ Bảo Định Giang - người Nam bộ, làm Trưởng ban. Ban nầy đóng tại gian xép bên trái Biệt thự 51 Trần Hưng Đạo - biệt thự dành chung cho cả các ngành văn học nghệ thuật miền Bắc. Làm việc ở Ban Văn nghệ miền Nam có ba người Huế là chị Nguyễn Khoa Bội Lan - con gái cụ Nguyễn Khoa Vy - một cây thơ trào phúng nổi tiếng ở làng Vỹ Dạ (Huế); anh Lê Bối - nhà báo tiền bối, đã từng làm báo Quyết Chiến hồi đầu chống Pháp ở Huế và đặc biệt có chị Tôn Nữ Ngọc Trai - con gái cụ Thượng thư Tôn Thất Đàn nhà ở gần cầu Ông Thượng - nơi tôi thường đi qua mỗi khi lên về làng Dã Lê của tôi. Chuyện viết lách, sáng tác của tôi ở chiến trường như thế nào Ban Văn nghệ miền Nam biết rõ. Và, Ban cũng cho biết Nhà xuất bản Giải phóng và những báo chí nào ở Hà Nội đã đăng bài của chúng tôi để chúng tôi đến nhận nhuận bút. Đến Ban Văn nghệ miền Nam thân tình, chu đáo, tôi có cảm giác như được về nhà mình.

Gom hết nhuận bút của tôi cũng chỉ có năm bảy chục đồng thôi nhưng đối với đời sống Hà Nội lúc đó là một số tiền lớn. Lương trung cấp chỉ có 90đ/tháng. Có sẵn tiền, để bù lại những năm tháng ở trong rừng thiếu thốn, chúng tôi đi ăn ở các nhà hàng nổi tiếng của Hà thành như Phú Gia, Bodega (tức là nhà hàng bán các món thịt bò, thịt dê và thịt gà).v.v. Có một kỷ niệm buồn khó quên: Hôm ấy khoảng sáu bảy anh em ở cả miền Trung và miền Nam rủ nhau đi “liên hoan” chả cá Lã Vọng. Võ Quê mượn được chiếc đạp hiệu Favoric của anh chị Hồ Đắc Nga; nhạc sĩ Tôn Thất Lập không rõ mượn được của ai đó một chiếc Phượng Hoàng màu xanh còn mới tinh. Đến nhà hàng Lã Vọng - một tòa lầu cũ đứng ở cuối một cái hẻm trung tâm Thành phố Hà Nội. Chúng tôi cảnh giác nên khóa xe hẳn hoi. Chiếc xe Phượng Hoàng mới toanh của Tôn Thất Lập để vào trong, xe Favoric của Võ Quê để ở ngoài. Như vậy là rất yên tâm. Chúng tôi được mời lên lầu tương đối rộng rãi. Đang ăn ngon miệng món đặc sản Hà Nội thì bỗng dưng đèn điện phụt tắt. Chúng tôi ngồi yên tại chỗ. Khoảng 5 phút sau đèn lại sáng, chúng tôi tiếp tục món ăn mà trong miền Nam chúng tôi chưa bao giờ nghe tiếng. Đến lúc ra về thì hỡi ơi, chiếc Favoric của Võ Quê dù đã khóa cẩn thận vẫn không cánh mà bay. Ai cũng mừng là chiếc xe Phượng Hoàng mới toanh của Tôn Thất Lập mượn vẫn còn. Không ngờ chiếc Phượng Hoàng của Trung Quốc khoảng chừng 160đ đến 200đ còn chiếc Favoric của Tiệp có giá đến 700đ mà rất khó mua. Người Hà Nội có mặt hôm ấy nghe chúng tôi mất chiếc Favoric đều sửng sốt. Nhiều cặp vợ chồng vì mất một chiếc xe mà phải bỏ nhau. Nếu dồn hết tiền trong lưng chúng tôi cũng không đủ bồi thường cho anh chị Hồ Đắc Nga. Đêm đó chúng tôi phải đi bộ về nhà 54 Bà Triệu. Anh Chị Nga nghe chúng tôi báo mất xe, mặt người nào cũng tái mét. Chúng tôi sợ hai ông bà té xỉu. Nhưng không ngờ anh Nga bảo chúng tôi: “Anh em trong Nam mạng sống còn không sợ mất, thôi ở đây không may mất xe thì đi bộ vậy. Mấy anh đừng lo. Mình làm việc ở báo Tổ Quốc cũng gần thôi!”. Tấm lòng người Huế ở hậu phương thật rộng lượng.

*

Các vị nhân sĩ trí thức trong Liên minh các Lực lượng
Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam.  Ảnh TL do NĐX st


Vốn là ủy viên thanh niên của Liên minh Các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình TP Huế (thường gọi tắt là Mặt trận Liên Minh Huế), ra Hà Nội, tôi được đến thăm và ăn cơm với Hòa thượng Thích Đôn Hậu, cụ Nguyễn Đóa, bà Nguyễn Đình Chi và Tiến sĩ Lê Văn Hảo (Những thành viên trong Liên minh Các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình VN và Chính phủ và Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam) tại nhà khách cao cấp trên đường Nguyễn Du. Các vị đã ra công tác tại Hà Nội từ đầu mùa hè năm 1968, xa chiến trường gần sáu năm. Các vị cho biết càng được Trung ương ưu đãi chừng nào thì các vị càng thương cho anh em ở chiến trường chừng ấy. Các vị đã đi hoạt động đoàn thể nhiều nước ở Đông - Tây Âu, Liên - xô, Mông Cổ, Trung Quốc.v.v. Đặc biệt các vị rất hân hạnh được gặp Bác Hồ nhiều lần, được viếng lễ tang Bác. Nhờ buổi gặp gỡ ấy mà sau ngày thống nhất (4-1975) Việt Nam, tôi có dịp hỏi chuyện và thực hiện được nhiều ghi chép quý như bài Ba lần được gặp Cụ Hồ Chí Minh của Hòa thượng Thích Đôn Hậu và bài Vinh dự lớn lao của bà Nguyễn Đình Chi. Hai ghi chép nầy đăng trên nhiều báo chí và cuối cùng được in lại trong tập Hồi ký Bác Hồ Trong Lòng Dân Huế, (Thành ủy Huế xuất bản, năm 1990).

Các vị sống ở chiến khu chỉ có mấy tháng, lại ở trong địa đạo nên không có nhiều kỷ niệm chiến trường. Ấn tượng nhất đối với Hòa thượng Thích Đôn Hậu là đêm Quân Giải phóng đến mời Hòa thượng đi gặp lãnh đạo Mặt trận hồi đầu Xuân năm 1968. Đối với bà Nguyễn Đình Chi là chuyện lãnh đạo Đường 559 tổ chức đoàn Z đưa Đoàn Liên Minh Huế ra Bắc.

Chuyện Hòa thượng kể tôi chỉ còn nhớ đại khái là: Hôm đó mới sau tết Mậu thân vài ngày, trời lạnh, Hòa thượng đang lên cơn suyễn thì có đoàn bộ đội Giải phóng chừng vài chục người vào chùa. Một sĩ quan nói giọng Nghệ An xin gặp Hòa thượng và lễ phép nói:

- “Được Mặt trận giao trách nhiệm, chúng tôi đến mời Ngài lên gặp lãnh đạo Mặt trận.”

Hòa thượng vốn có cảm tình với Việt Minh từ hồi đầu kháng chiến chống Pháp nên nhận lời. Hòa thượng được võng đi ngay trong đêm tối, mưa, lạnh. Bộ đội thay nhau gánh. Qua những đoạn đường bằng thì họ đi nhanh như chạy. Những khi bị bom pháo, họ phải dừng lại tìm chỗ trú ẩn. Có nhiều lúc đang đi thì bất thần bom pháo nã tới, không tìm được chỗ trú ẩn, bộ đội phải nằm lên người Hòa thượng để bảo vệ Hòa thượng. Đường đi hết sức vất vả, ác liệt nhưng cuối cùng, 7 giờ sáng hôm sau, võng Hòa thượng cũng đến được căn cứ ở địa đạo Khe Trái thuộc vùng núi huyện Hương Trà. Rất tiếc là Hòa thượng không biết tên tuổi những người trong đơn vị bộ đội Giải phóng ấy để cảm ơn họ. Kể chuyện xong Hòa thượng bảo tôi: “Về lại chiến trường, con cố tìm thăm hộ đơn vị ấy cho thầy. Nếu không may sau đó trong họ có người đã hy sinh thì mình cũng cần biết tên tuổi họ để mà nhớ!”

Còn chuyện lãnh đạo Đường 559 tổ chức đoàn Z đưa các nhân sĩ trí thức trong Liên Minh Huế ra Bắc như thế nào đã được bà Nguyễn Đình Chi kể:

“Hôm đi đến phà Phước Tịnh, trong lúc chờ qua sông thì máy bay Mỹ đến dội bom, tôi phải nằm tránh bom dưới bờ ruộng, khói bom dày đặc. Có hai đồng chí công an bảo vệ lấy thân mình nằm che mảnh bom cho chúng tôi. Sau trận bom hai đồng chí không để ý đến mình mà chỉ lo cho chúng tôi có bị xây xát gì không. Khi biết chúng tôi được vô sự, hai đồng chí mừng như chính mình được thoát nạn.

Trong đêm tối trên đường Tây Trường Sơn tôi vô ý để rơi một cái ví tùy thân trong đó có đựng một số giấy tờ và mấy thứ tư trang. Tôi tưởng như thế là mất rồi, không ngờ mấy tiếng đồng hồ sau, bộ đội đã đem đến trạm giao trả cho tôi, các thư trong ví còn nguyên vẹn. Tôi vô cùng xúc động. Vô cùng khâm phục”.

Kể chuyện xong, bà Nguyễn Đình Chi bảo tôi:

Với những con người như thế, được tổ chức chặt chẽ như thế và quyết tâm như thế. Đi qua con đường 559, lúc đó chúng tôi tin chắc Việt Nam sẽ thắng Mỹ. Niềm tin đó không sớm thì muộn cũng sẽ thành hiện thực

Và, đúng như thế. Chỉ hơn một năm sau, vào trưa ngày 30-4-1975, niềm tin của bà Nguyễn Đình Chi, của cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ, của khát vọng Việt Nam thống nhất đã trở thành hiện thực.

*
Tôi cũng được thăm giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ ở tại nhà khách của Chính phủ 61 Nguyễn Du. Chú cháu thoát ra khỏi chiến tranh được gặp nhau trên đất Bắc mừng rỡ khôn xiết. Sau khi thăm hỏi sức khỏe và hỏi chuyện ông được thả ra miền Bắc gần 10 năm trước ra sao. Ông cho biết ông đã có dịp vào “R” và đi công tác một vài nước. Ông kể qua loa vài câu rồi vội vàng hỏi ngay chuyện học hành và chuyện tranh đấu của Trần Quang Long - nhà thơ yêu nước học cùng lớp Đại học Sư phạm với tôi. Long đã cưới Quỳnh Như con gái ông lúc ông vắng nhà. Tôi kể những chuyện tôi còn nhớ về Trần Quang Long. Ông rất tự hào có một người con rể như thế và hết sức thương tiếc Long đã hy sinh quá sớm. (Trong dịp nầy tôi cũng gặp Quỳnh Diên - chị cả của Quỳnh Như tập kết ra Bắc hồi năm 1954, đang làm cán bộ ở Hà Nội). Ông Dương Kỵ cho tôi biết các đồng chí trong “R” đã thu thập được tập thơ Long viết trong rừng và đã chuyển cho ông. Ông vừa viết bài giới thiệu và Nhà Xuất bản Giải Phóng sắp cho xuất bản. Đó là tập Thưa Mẹ Trái Tim mà nhiều bạn đọc còn giữ đến hôm nay. (Tháng 5-1975, trước khi về Huế tôi đã được ông thay mặt tác giả tặng tôi một bản thơ Thưa Mẹ Trái Tim của Trần Quang Long).

(SDB – 3-2010)



Các bài mới
Các bài đã đăng
Hương còn mãi (22/06/2010)
Tamakata (21/06/2010)