SỐ ĐẶC BIỆT
Thanh xuất vu lam
09:33 | 24/06/2010
TRẦN THÙY MAITừ Hà Nội, cậu tôi điện dặn tôi ngày cuối tháng về Sịa.
Thanh xuất vu lam
Minh họa: Huỳnh Lê Nhật Tấn
Một con đường mới sẽ mở băng qua làng, phần mộ họ ngoại tôi phải dời đi. Lăng mộ mới đã xây xong, bây giờ con cháu ở các nơi chỉ còn việc về tạ lăng và nhân dịp khánh thành nhà thờ họ. Ở Quảng Điền dạo này hầu như họ nào cũng xây lại nhà thờ. Cứ ngỡ mối liên hệ họ hàng đã càng ngày càng khuất lấp trong những bề bộn của cuộc sống, khi mà những thành viên của họ tộc đã tản mác khắp nơi trong nam ngoài bắc. Vậy mà chỉ cần hô lên một tiếng, cả gia tộc lại tụ về, thế mới biết cái câu “Một giọt máu đào...” còn bắt rễ đến thẳm sâu trong lòng người Việt.

Về Sịa, không thể nào không thấy hình ảnh bà ngoại hiện ra trước mắt. Tấm thân mảnh gầy, cái lưng cong cong, chiếc áo dài màu sẫm, bà dẫn tôi về thăm làng lần đầu tiên. Khi ấy tôi mới lên bốn, lúc thúc theo bà, vừa đi vừa nhảy nhót, thế nào không biết lại rơi tõm luôn xuống ruộng. Nhưng chẳng hề chi. Về tới làng tôi được tắm nước giếng, được xem lễ tế giang sơn, rồi đêm ngủ say trên chiếc phản gỗ mát lạ lùng.


Ấn tượng về Sịa trong ký ức tôi luôn là tiếng lá tre xào xạc không ngừng, miên man buồn đằm thắm. Bà ngoại tôi xưa là con gái Thanh Lương, nhà có ruộng nương bề thế. Con gái Thanh Lương nổi tiếng đẹp trong vùng, có lẽ vì đây là đất “gạo trắng nước trong”. Tôi còn nhớ mơ hồ câu hò về Thanh Lương: “Nước Thanh Lương vừa trong vừa mát, làng xuôi đường nhỏ cát dễ đi. Gái thuyền quyên ăn ở nhu mì... ” Ông ngoại tôi là người làng Khuôn Phò, theo học chữ Hán nhưng đáng tiếc gặp buổi Nho học suy tàn nên gần hết cuộc đời sống trong cảnh ngộ giống như ông Tú Xương. Hầu như tất cả gánh nặng cuộc sống đều đè nặng lên vai của bà ngoại tôi: từ con gái một nhà khá giả trở thành vợ một anh đồ nghèo, suốt năm suốt tháng “lặn lội thân cò nơi quãng vắng”. Biết đời mình đã lỡ mọi vận hội, ông ngoại tôi quyết tâm, nghèo thì nghèo, nhất định không để con thất học. Các cậu, các dì và mẹ tôi đều là học sinh Quốc Học, Đồng Khánh. Thời ấy nhiều gia đình khá giả hơn ông bà tôi cũng chưa nghĩ đến chuyện cho con gái đi học. Mẹ tôi kể, trong khi những nữ sinh khác, đến trường trên chiếc xe kéo - xe nhà đen của nhà giàu, xe nhà vàng của nhà quan - thì mẹ tôi đi bộ từ An Hòa vào trường với đôi chân trần. Cậu tôi là học sinh giỏi ở Quốc Học, có học bổng, cậu dành tiền mua cho em gái đôi guốc gỗ. Mẹ tôi lúc đó mười ba tuổi, sung sướng quá vì được đi đôi guốc gỗ mứt trắng tinh...

Ông bà được bảy người con, trong hoàn cảnh kinh tế ngặt nghèo, lắm lần đứt bữa mà tất cả đều được học hành tử tế. Quyết tâm của ông tôi là “Có đói cũng đi học”. Đàn con bảy người, nửa tập kết ra Bắc, nửa ở lại trong Nam; năm ngón tay có ngón ngắn ngón dài, không phải ai cũng thành đạt, nhưng rõ ràng đã vươn lên một mức sống tốt đẹp hơn để làm nền cho thế hệ sau nữa - thế hệ của chúng tôi.

Chiều nay dẫn tôi ra thăm mộ ông bà, cậu tôi chỉ cho tôi mấy chữ mà cậu đã chọn để tô lên cổng lăng: Thanh xuất vu lam (Màu xanh là từ màu lam mà ra). Xanh và lam cũng là một màu nhưng màu xanh trong trẻo hơn, nhẹ nhàng hơn, như màu của nền trời buổi bình minh càng lúc càng sáng tươi, như cuộc sống càng lúc càng hạnh phúc hơn từ những khó khăn tảo tần của những thế hệ đã qua.

Và màu lam gợi tôi nhớ màu áo lam xẫm của bà tôi ngày xưa khi lần đầu dẫn tôi về Sịa để cho tôi biết quê hương Quảng Điền, nơi bắt nguồn một nửa máu thịt trong tôi.

Bà tôi suốt đời sống với niềm hãnh diện có phần thơ ngây vì được làm vợ một ông đồ nghèo, được làm việc đến kiệt lực để nuôi chồng con, được thấy con cái vươn lên như những mầm cây xanh tốt còn mình thì như đất ngày càng bạc màu. Sinh thời, bà không biết chữ, mỗi lần làm giấy tờ gì đều phải lăn tay. Nhưng bà rất quý chữ viết, dù là chữ Nho hay chữ Quốc ngữ; thấy tờ giấy nào có chữ, dù không biết là chữ gì, bà không bao giờ cho chúng tôi quăng vào đống rác hay dùng vào những việc không thanh sạch. Trong ý tưởng của bà, chữ viết không những là biểu trưng của sự hiểu biết mà còn là một điều gì đấy rất thiêng liêng.

Cả đời bà để lại cho tôi một bài học lớn về tình yêu - tận tụy cho đi mà chẳng bao giờ đòi đền đáp.

Một bài học về khát vọng văn hóa, lặng lẽ mà tha thiết vô cùng.

Giờ thì ông bà tôi đã nằm yên trong đất. Đến lượt chúng tôi lại sống, lại kỳ vọng, lại mong mỏi cho thế hệ sau vươn lên, hạnh phúc hơn, giỏi giang hơn. Để bầu trời của mơ ước tương lai sẽ xanh, xanh hơn nữa, như bầu trời Quảng Điền - bầu trời mà tôi đang nhìn với đôi mắt của một thời thơ ấu xa xưa.


(SDB – 3-2010)



Các bài mới
Các bài đã đăng
Hương còn mãi (22/06/2010)
Tamakata (21/06/2010)