SỐ ĐẶC BIỆT
Vang lên những cung bậc ba miền
13:56 | 01/07/2010
LÊ PHÙNGSau đợt rét ngọt và khá đậm Nàng Bân giêng, hai đầu xuân con cọp. Huế lại ngập tràn những con nắng dịu dàng của tháng ba lịch sử. Sương sớm trắng xóa, trải dài trên cả dòng sông thơ vào mỗi ban mai - hoa cỏ đâm chồi trổ lộc. Cụm Paneau lớn sừng sững dựng phía Bắc góc cầu Phú Xuân như dán vào mắt những ai qua đường chào mừng sự kiện lớn của Huế 35 năm ngày giải phóng và 50 năm kết nghĩa giữa “Hà Nội - Huế - Sài Gòn là cây một cội, là con một nhà”.
Vang lên những cung bậc ba miền
Đại diện các Hội Âm nhạc 3 miền ký kết nghĩa trước sự chứng kiến của lãnh đạo tỉnh TTH
Và, cũng mới đó thôi, ngày này cách đây 5 năm về trước, các Hội Âm nhạc của thành phố Hà Nội – Thừa Thiên Huế - TP Hồ Chí Minh đã tổ chức trọng thể lễ kết nghĩa hoạt động Âm nhạc trước sự chúng kiến và chúc mừng của các vị lãnh đạo cao nhất tỉnh Thừa Thiên Huế, Hội nhạc sĩ Việt Nam cùng nhiều vị là “cây đa, cây đề” của nền Âm nhạc Việt Nam. Ngay sau lễ ký kết, nhiều hoạt động âm nhạc của 3 thành phố đã diễn ra như “nắng hạn gặp mưa rào”, thú vị và ấn tượng. Nhiều cuộc giao lưu âm nhạc hào hứng và hấp dẫn, từ miền Đông đến miền Tây của các tỉnh phía Nam đến tận vùng Cao - Bắc - Lạng của các tỉnh phía Bắc, từ Thủ đô Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh. Những giai điệu, những tầng âm thanh, những cung bậc của 3 miền đất nước không ngừng vang lên. Những anh chị em nhạc sĩ ở Huế - đất thần kinh lâu nay vốn thu mình quanh bốn bức tường thành rêu phong phủ kín được dịp phô triển những ấp ủ của mình cùng với đồng nghiệp của hai miền Nam, Bắc qua nhiều tác phẩm đượm chất trữ tình của dòng âm nhạc dân gian pha lẫn nhịp thở của tiết tấu đương đại.

Cũng từ dạo ấy, Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế liên tục khởi sắc với nhiều chương trình hoạt động có quy mô. Mở màn là trại sáng tác toàn quốc về khí nhạc dân tộc, sau đó là điểm nhấn của cuộc hội thảo lớn “Sự cần thiết thành lập Học viện Âm nhạc Huế” thu hút nhiều giáo sư, tiến sĩ âm nhạc hàng đầu của Việt Nam như: Chu Minh, Trọng Bằng, Văn Thị Minh Hương (Giám đốc Nhạc viện TP Hồ Chí Minh), Dương Viết Á, Đặng Hoành Loan, Hà Sâm... Hội thảo như là một “lễ đặt đá” cho cuộc khởi hành của Học viện Âm nhạc Huế ngày nay.

Khúc dạo đầu cho Festival Huế 2006 là Trại sáng tác Âm nhạc quốc tế “Âm sắc Huế” lần thứ nhất với nhiều nhạc sĩ tên tuổi của nhiều nước trên thế giới tham gia. Các nhạc sĩ tiên phong của nền âm nhạc đương đại Việt Nam đã mang đến Huế một hơi thở, ngôn ngữ mới về âm nhạc với 5 tác phẩm khí nhạc: nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo với tác phẩm “Khói”, nhạc sĩ Phan Ngọc với các tác phẩm Rhapsody Hào khí Tây Sơn, Miền hoang ca (viết về nàng Huyền Trân Công Chúa)..., nhạc sĩ Nguyễn Cường với Rhapsody YALI rạo rực tiếng cồng chiêng Tây Nguyên, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc làm cho mọi người nghe ngỡ ngàng bởi hợp xướng Acapenla “Tổ khúc 4 mùa”... Chừng ấy tác phẩm đủ để nói lên tính hoành tráng của Trại sáng tác quốc tế lần này.

Sau những chuỗi hoạt động lớn, các nhạc sĩ Huế tiếp tục lắng lòng với những cảm xúc mới qua các Trại sáng tác âm nhạc mang tính “nội địa” để rồi những tác phẩm mới được hình thành, nhanh chóng có “đời sống” trong lòng công chúng như: “Ngẫu hứng Huế” của Nhạc sĩ Lê Anh (thơ Triệu Nguyên Phong), “Dòng Hương Nghiêng” của Dương Bích Hà, “Tang Tình Tang” của Việt Đức, “Trăng nghiêng” của Vĩnh Phúc, “Trường Sơn hát” của Lê Phùng... Gần đây, trước thềm cuộc gặp gỡ kỷ niệm 5 năm ngày Hội Âm nhạc Hà
Nội - Thừa Thiên Huế - TP Hồ Chí Minh kết nghĩa, các nhạc sĩ ở Huế lại tiếp tục “trình làng” 16 tác phẩm tiểu biểu của trại sáng tác ca khúc Huế lần thứ nhất trực tiếp truyền hình trên sóng TRT vào tối 20-3-2010.

Bằng sự nỗ lực của các thành viên trong BCH Hội, đã xoay xở từ nhiều nguồn khác nhau để cho ra đời các ấn phẩm âm nhạc: bộ đĩa DVD Trại sáng tác Quốc tế, 2 đĩa CD “Huế mùa Thu” tập ca khúc “Huế 1 tình yêu”, tập nhạc “Huế mùa Thu”, 7 số tạp chí âm nhạc, mỗi số 500 bản... ít nhiều cũng có một góc riêng khiêm tốn trong các tủ thư của nhiều người quan tâm về âm nhạc. Các đêm nhạc giới thiệu tác giả, tác phẩm cũng đã thu hút khá đông đảo công chúng yêu âm nhạc dự khán, cổ vũ như của Khắc Yên, Đoàn Lan Hương, Châu Kỳ... đặc biệt là chương trình biểu diễn của nhà giáo, Pianics Vĩnh Hùng nhân đánh dấu một chặng đường dài của sự nghiệp giáo dục đào tạo âm nhạc của nhạc sĩ...

Trong chặng đường dài sắp tới, trong tình giai điệu kết nghĩa, Âm nhạc Huế cùng với Hà Nội, TP HCM không ngừng vang lên những khát vọng mới, sức bật mới cùng với đất nước, với thời đại.

(SDB – 3-2010)




Các bài mới
Các bài đã đăng
Tri kỷ Huế (24/06/2010)