SỐ ĐẶC BIỆT
HÀ NỘI- thành phố vì hòa bình
09:34 | 12/10/2010
NGUYỄN BỘI NHIÊN“Mỗi tên đất, tên làng ấy chính là biểu tượng của hòa bình và cho hòa bình, là tấm lòng, là tâm hồn, là tâm thức, là lương tâm và phẩm giá con người. Bởi yêu chuộng hòa bình, Hà Nội vẫn luôn là vùng đất thơ, đất văn sau nhiều binh lửa trận mạc có lúc đạt đến độ hủy diệt với B52 ném bom rải thảm ồ ạt.”
HÀ NỘI- thành phố vì hòa bình
Hồ Gươm- Ảnh: Internet

Vào phút nâng hạt cốm xanh mát rượi và thơm ngát trên tay bên Hồ Gươm bàng bạc khói sương, nhiều người hiểu một cách sâu sắc tại sao Hà Nội là thành phố hòa bình của nhân loại trong thế kỷ đầy biến động vừa đi qua. Thỉnh thoảng, những người sống giữa lòng Hà Nội và cả những người yêu mến Hà Nội lại lý giải cho mình hoặc bạn bè, hòa bình ấy chính là cái mịn màng ngọt ngào mà đất trời trao tặng cho Hà Nội trong hạt cốm xanh, là hương hoa sữa, hương đầm sen, hương lúa chín, bóng chim sâm cầm lướt ánh hoàng hôn, vị cà cuống mơ hồ trong bát bún thang, lá bánh cuốn mát như lụa và mềm như trăng tan ngay trên đầu lưỡi, là tiếng đàn bầu thánh thót ân tình bên cửa sổ nhà ai...

Phẩm chất vì hòa bình của Hà Nội bao giờ cũng rất thật. Hòa bình ấy thuộc về đất Thăng Long phi chiến địa hoặc không còn phi chiến địa với những phố phường hào hoa đã hóa thành những câu thơ mãi mãi được ngân nga như niềm nhắc gọi: “Nghìn thu gặp hội thái bình/ Trải xem phong cảnh khắp thành Thăng Long”. Ở đó, khi hóng gió trên đường Cổ Ngư, con người biết đến huyền tích Trâu vàng lồng lên mà thành ra Hồ Tây sương khói, lúc ăn bát phở Bờ Hồ nghe chuyện Rùa vàng đòi kiếm thần khi đã hết chiến tranh để có Hồ Gươm mảnh mai duyên dáng. Nhiều thế hệ người Hà Nội sống trên ngõ Phất Lộc, phố Bát Đàn hay bên trong cổng Ô Quan Chưởng,... tiếp nối nhau vun đắp phong hóa và niềm tự hào về vẻ thanh lịch của người Tràng An. Trong những mái chùa rêu phong cổ kính ở các phố Lý Quốc Sư, Quán Sứ, đường Thanh niên, phường Trúc Bạch, phường Quảng An, phường Dịch Vọng,.. có các sư cụ nằm chung với khói mây luôn trầm bổng lời cầu nguyện an lạc và siêu thoát.

Thông điệp hòa bình được Hà Nội gởi đến nhân loại trong tên đất, tên làng với tất cả sự thanh tao, chiều sâu văn hiến thể hiện niềm kỳ vọng về sự bình yên lớn là Đại Yên, nơi yên ổn là Lương Yên, ao xanh là Thanh Trì, hồ sen là Liên Trì, sen vàng là Kim Liên, bến đá là Thạch Tân, cầu đón bình minh là Thê Húc, ngựa vàng là Kim Mã, nơi cầu sự học là Đài Nghiên, Tháp Bút... Mỗi tên đất, tên làng ấy chính là biểu tượng của hòa bình và cho hòa bình, là tấm lòng, là tâm hồn, là tâm thức, là lương tâm và phẩm giá con người. Bởi yêu chuộng hòa bình, Hà Nội vẫn luôn là vùng đất thơ, đất văn sau nhiều binh lửa trận mạc có lúc đạt đến độ hủy diệt với B52 ném bom rải thảm ồ ạt. Thông điệp hòa bình còn được Hà Nội gửi trọn cho khách từ muôn phương đến trên gánh hoa tươi lóng lánh sương từ ngôi làng đẹp và thơm như Ngọc Hà, trong tách cà phê ngan ngát ở phố Bà Triệu, trong những trang sách ở phố Tràng Tiền, trong vị chua và mùi thơm rất lạ của lá và quả sấu non đánh giấm nước rau muống, trên những con đường sâu lắng trong đêm đem lại sự cảm nhận Thăng Long nghìn tuổi với những mái ngói phố cổ và bóng đền chùa âm thầm, trong ánh đèn xanh nơi khung cửa sổ văng vẳng bản nhạc nhẹ, trong trống hội đón giao thừa trước Văn Miếu-Quốc Tử Giám...

Ngang qua kinh kỳ ngàn năm văn vật, sông Hồng đã chứng kiến những lần dân tộc Việt Nam thả tù binh, đi cầu hòa trong niềm kính tín nền hòa bình dài lâu. Cũng trên đất ấy, vua Lê đã từng cho dựng trống sấm để tế lễ trời đất cầu mưa thuận gió hòa trong những ngày non sông đã vững âu vàng. Bây giờ, đi giữa Hà Nội với niềm vui cảm nhận được sự hòa mình của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội vào thế giới đang cần nhiều dải đất hòa bình hơn sẽ thấy rõ những giá trị tinh thần và phẩm giá của nhân loại trong dáng vóc của thành phố vì hòa bình mà con người Việt Nam đã xây dựng và sáng tạo nên.

(SDB 10-2010)










Các bài mới
Các bài đã đăng
Tri kỷ Huế (24/06/2010)