SỐ ĐẶC BIỆT
Trái tim Việt đập trong lồng ngực Pháp: Cố Cả Léopold Michel Cadière
14:13 | 08/11/2010
NGUYỄN PHÚC VĨNH BA1. Hội nhập với thế giới là một yêu cầu tất yếu trong xã hội ngày nay. Để hội nhập được trong bất kỳ lãnh vực nào chúng ta cũng cần trọng thị sự đa bản sắc, đa cá tính của các quốc gia và các dân tộc khác trên trái đất này. Cách đây gần non thế kỷ, Léopol Michel (LM) đã nêu một kinh nghiệm hội nhập văn hoá tuyệt vời khiến chúng ta cần học hỏi.
Trái tim Việt đập trong lồng ngực Pháp: Cố Cả Léopold Michel Cadière
Chân dung Léopold Cadière - Tranh: Họa sỹ Phan Ngọc Minh
Trong tinh thần đó, vừa qua Uỷ ban Văn hoá Hội đồng Giám mục Việt Nam phối hợp với Toà Tổng giám mục Giáo phận Huế đã tổ chức “Hội thảo về thân thế và sự nghiệp của Linh mục Léopold M. Cadière” trong ba ngày từ 7 - 9/9/2010 tại Huế. Một buổi lễ dâng hương và truy điệu tưởng niệm ông tại Đại chủng viện Huế nơi ông được an táng và với 13 đề tài được thuyết trình tại Trung tâm Mục vụ Huế bởi các học giả tiếng tăm như Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, LM Nguyễn Thái Hợp, nhà văn Nguyên Ngọc, GS Bửu Ý, GS Trần Văn Toàn, nhà Sử học Đào Hùng, nhà nghiên cứu Đỗ Trinh Huệ, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Hữu Châu Phan, TS Nguyễn Hữu Thông…diện mạo của nhà truyền giáo tận tuỵ và cũng là một học giả kiệt xuất này được khắc hoạ nên khá đầy đủ.

2. Có lẽ nhiều người Việt còn cảm thấy xa lạ với cái tên Léopold M.Cadière. Tuy nhiên đã có rất nhiều học giả khác bấy lâu nay đã nghiên cứu về linh mục người Pháp này hay còn được gọi là dưới một tên gọi khác là Cố Cả (1869 - 1955). Ông đến Việt Nam vào năm 1892 và làm công tác truyền giáo trong 63 năm rồi mất cũng tại Việt Nam vào năm 1955. Hơn 250 công trình khoa học của ông (trong đó có tập san thời danh “Những người bạn Cố đô Huế”, còn gọi bộ BAVH do ông chủ trương) đã khẳng định sự cống hiến lớn lao cho nền khoa học nhân văn nước nhà bên cạnh công tác mục vụ mà ông đã hoàn thành một cách tận tuỵ. Có học giả gọi ông là nhà Việt học tiên phong, có người gọi ông là nhà Huế học tiên phong. Ông đã dày công nghiên cứu rất nhiều lãnh vực của văn hoá, xã hội, đất nước Việt như khảo cổ học, thực vật học, nhân chủng học, ngữ âm học, lịch sử, nghệ thuật,… Ở lãnh vực nào, tác phẩm của ông để lại đều có giá trị cho tới bây giờ. Điều đáng nói là chưa một học giả Việt Nam nào có nhiều công trình về đất nước ta bằng ông. Ông quả nhiên xứng đáng được chúng ta tôn vinh.

Tất cả các diễn giả đều đồng ý rằng ông có công lớn trong việc giới thiệu với thế giới các giá trị xã hội, văn hoá, lịch sử,… của đất nước và dân tộc Việt Nam. Vì tình yêu đất nước và dân tộc Việt và vì những cống hiến cho nền văn hoá Việt của ông, một số đề nghị được đưa ra trong cuộc hội thảo như sau: - Đặt tên đường Cadière ở thành phố Huế hay ở Quảng Trị, Quảng Bình, những nơi ông đã từng làm việc; - Đúc tượng đồng để đặt tại công viên trong thành phố Huế; -Lập nhà lưu niệm Cadière để trưng bày và giới thiệu nhà học giả này; - Đối với riêng Giáo hội Công giáo thì lập Viện Cadière để đào tạo các linh mục theo khuôn mẫu của ông.

3. Tuy nhiên, điều làm chúng ta xúc động là chính con người ngoại quốc này lại có một tâm tình yêu mến con người Việt Nam và nền văn hoá Việt Nam một cách tha thiết. Ông tự gọi mình là một ông già Tây hoá Việt. Trong Hồi ký của ông, Cố Cả đã ghi:“Học tiếng Việt, không phải để nói tiếng Việt giỏi giống như người họ mà còn phải tâm tư suy nghĩ như họ”

Vâng, hẳn là có tâm tư suy nghĩ như người Việt nên Cố Cả mới hết lòng trìu mến và bỏ công sức để nghiên cứu về phong tục, văn hoá, địa lý, kiến trúc, tôn giáo,… của người Việt ta. Cứ xét riêng bộ BAVH, chúng ta cũng đã nhận ra biết bao ơn ích cho các học giả đời sau khi nghiên cứu về Cố đô Huế. Ngay cả khi gần đất xa trời, ở tuổi 84, Ông đã từ chối trở về quê nhà trên đất Pháp mà “Cả đời tôi, tôi đã dâng cho xứ sở này, cho tôi được ở lại và chết ở đây.”

Chúng ta hãy nghe thêm về tâm tình của ông sau 50 năm làm việc tại Việt Nam:

“ … Vì đã nghiên cứu và hiểu được người Việt nên thật tình tôi yêu mến họ.

Tôi yêu mến họ vì trí thông minh nhạy bén trong suy nghĩ. Tôi đã làm thầy giáo, đã từng giám khảo thi cử, nên vấn đề này tôi có thế đưa ra những phán đoán có cơ sở.

Tôi yêu mến họ vì những đức hạnh tinh thần. Thuộc tầng lớp nông dân, rồi sống ở Việt Nam giữa nông dân, tôi có thể thấy rằng nông dân Pháp và nông dân Việt Na giống nhau lạ lùng…

Tôi yêu mến họ vì tính tình của họ. Trước đây khi tôi có dịp đi lại bằng võng, bằng thuyền, tôi đã thấy được và cảm phục niềm vui sống, sự vui tươi cởi mở, tâm trí hồn nhiên của mấy bác gánh võng hay chèo thuyền…

Sau cùng, tôi yêu mến họ vì họ khổ.

Biết bao khổ ải, biét bao nhọc nhằn lầm than! Những khốn cùng đôi khi đành cam chịu đã đành, nhưng cũng có những điều thường do định mệnh khắt khe vô tình đưa đến nữa!...”

Những tâm tình ấy không chỉ là sự yêu mến suông hay những rung động bề ngoài, ông đã sống như một người Việt. Ông đội nón lá, mặc áo dài đen, đi guốc mộc, nói tiếng Việt sành sõi trong suốt 60 năm phục vụ tại Việt Nam. Ông luôn gần gũi, chung đụng với con chiên, dân chúng trong mọi công việc từ mục vụ đến điền dã để hoàn thành các nghiên cứu của mình.. Ông đã từng nhắc nhở các các đồng hương đang nghiên cứu tiếng Việt: “Đừng quên rằng lối diễn tả và cấu trúc của tiếng Việt hoàn toàn khác với tiếng Pháp, tinh thần người Việt đi theo một lộ trình khác với người Pháp.”

Quả xuất phát từ tâm thức nhân ái, cầu thị và khoan hoà như thế nên các công trình nghiên cứu của ông đều rất thiết thực và có ơn ích vô cùng cho các nhà nghiên cứu sau này. Như nhiều diễn giả thú nhận các công trình của ông đã mở đầu cho các ngành nghiên cứu sau này của nước ta như khảo cổ, thực vật, thuỷ lợi, mỹ thuật,…

4. Qua cuộc hội thảo chúng tôi nhận thấy có những bài học sâu sắc sau:

- Ông đã sử dụng phương pháp nghiên cứu khoa học là kết hợp thực chứng qua các chuyến điền dã với sự phân tích, phán đoán không thiên kiến. Từ đấy, ông đã tránh có những phán đoán thuần duy lí hay duy ý chí. Với những kết luận mở, ông tạo được một môi trường nghiên cứu khoa học rất khai phóng và tự do.

- Ông có tinh thần tôn trọng văn hoá, tín ngưỡng, phong tục,… của đối tượng nghiên cứu hay “Cái tâm chan hoà” (dùng lại cách nói của ông Đỗ Trinh Huệ) trong cách nhìn về đối tượng nghiên cứu.

- Ông không nghiên cứu suông, mà quan tâm đến lợi ích thực tiễn của đề tài nghiên cứu, xét xem việc nghiên cứu có phục vụ lâu dài và thiết thực nhu cầu của đông đảo quần chúng.

Xét trên quan điểm nghiên cứu khoa học và cống hiến cho đất nước Việt Nam ta, các diễn giả vô cùng trân trọng Linh mục Léopold M. Cadière và đánh giá cao các công trình nghiên cứu của ông.

Sự nghiệp của ông đáng cho chúng ta để tâm suy nghĩ.


N.P.V.B
(SĐB 10-2010)



------------------------
Chú thích: Các trích dẫn đều từ “L. Cadière,
Souvenirs d’un vieil annamitisant.” qua tài liệu của các diễn giả trong hội nghị.





Các bài mới
Các bài đã đăng
Bằng chứng (01/11/2010)