SỐ ĐẶC BIỆT
Nhớ người còn nợ tôi hai con bò
09:07 | 16/11/2010
THÁI NGỌC SANNhà thơ Lê Văn Ngăn và tôi mỗi lần gặp nhau, trong những chuyện lan man bao giờ cũng có len lỏi những kỷ niệm của những năm tháng trước 1975. Tôi gọi đó là thời của “Sóng vẫn đập vào eo biển”, nhan đề một bài thơ nổi tiếng của Ngăn. Và người thường dẫn chuyện là Ngăn, như thể anh đang dẫn những tứ thơ quen thuộc.
Nhớ người còn nợ tôi hai con bò
Chân dung nhà thơ Thái Ngọc San - Bửu Chỉ vẽ
Lần này từ Quy Nhơn về Huế cũng thế, Ngăn lại nhắc đến trại giam Ghềnh Ráng, nơi tôi bị nguỵ quyền bắt giam trong chiến dịch Phượng Hoàng, năm 1969, ở Quy Nhơn. Trại giam nằm dưới chân hòn núi có mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử, cạnh cái eo biển âm vang trong bài thơ của Ngăn. Đột nhiên Ngăn hỏi tôi: “Cậu còn nhớ ông già còn nợ cậu hai con bò?” Câu hỏi làm tôi giật mình, đúng là có người còn nợ tôi hai con bò thật, nhưng mỗi lần nhớ đến ông, tôi đều cảm thấy xốn xang như thể tôi còn nợ ông một món nợ lớn hơn mà không thể trả được.

Ông già tên là Năm, quê ở huyện Hoài Nhơn, còn làng xã thì tôi đã quên mất. Năm ấy, ông đã 45 tuổi, hơn gấp hai tuổi của tôi, là một nông dân chất phác nên tôi quen gọi ông là ông già. Một đêm, tôi đang ngủ chập chờn trong góc trại giam, bỗng giật mình thức dậy thấy bên cạnh một người ngồi ôm gối gục mặt khóc tấm tức. Đó là ông Năm vừa bị đưa vào trại lúc chập tối. Hỏi chuyện mới biết việc ông bị bắt là cả một chuyện cười ra nước mắt. Sáng ấy, trên đường đi dạm hỏi vợ cho đứa con trai đầu, ông bị chặn hỏi giấy tờ rồi bị tống lên xe GMC đưa về đây. Ông nói, tất cả là do thằng xã trưởng, nó cố tình ghi trong thẻ căn cước ông sinh năm 1945, nên ông bị ghép tội trốn quân dịch. Ông chửi một thôi một hồi rằng, thằng xã trưởng ba đời nhà nó ác ôn, còn gia đình ông bị ghép tội “thân Cộng” nên nó quyết hại ông!... Từ đêm ấy, tôi và ông Năm thân nhau như anh em kết nghĩa. Lê Văn Ngăn, một lần vào thăm tôi trong trại giam có gặp ông Năm, nghe chuyện, Ngăn cười mà như khóc. Tôi và ông Năm bị giam ở Ghềnh Ráng nửa tháng, sau đó cùng bị đưa đi huấn luyện tại quân trường Lam Sơn, ở Ninh Hoà, Khánh Hoà. Sau ba tháng, lăn lê bò toài ở quân trường, tôi và ông được tin cả hai sẽ bị đưa lên Trung đoàn 42 biệt lập của nguỵ đóng ở Đắc Tô, Tân Cảnh, vùng ngã ba biên giới thuộc tỉnh Kon Tum. Thời gian ấy, ở đây đang diễn ra những trận đánh ác liệt nhất trong lịch sử cuộc chiến tranh. Đêm trước khi bị đưa đi, ông Năm vô cùng hốt hoảng, ngủ không được, ông kéo tôi dậy nói chuyện rì rầm suốt đêm. Gần về sáng, ông hỏi tôi: “Chú này! Nếu anh em mình thoát ra được chú tính sẽ làm chi?” Tôi nói đùa cốt để ông khuây khoả: “Tôi muốn có một con bò rồi tìm một vùng quê đi chăn bò.” Nhưng ông Năm tưởng tôi nói thật, tỏ ra rất hỉ hả: “Rứa thì chú về quê tui, tui sẽ tặng chú hai con bò, tui có một đàn bò gần ba chục con...” Nghe thế tôi cười cũng không được mà khóc cũng không xong, bèn nói chuyện giả lả...

Hôm sau, khi những chiếc máy bay Caribou thả chúng tôi xuống sân bay Tân Cảnh, tôi và ông Năm bị chia tách, mỗi người ở một tiền đồn cách nhau trên một cây số đường rừng. Bấy giờ những trận đánh đang ở vào giai đoạn cuối, lính Mỹ lần lượt rút quân về Nha Trang, để lại một trung đoàn lính ngụy ngày một tan tác. Nhờ cảnh hỗn loạn của những cuộc rút quân mà sau đó tôi trốn thoát được tìm về trú ẩn ở Bảo Lộc. Tôi trốn thoát mà không thể kéo theo người bạn già của tôi, để lại ông giữa rừng bom đạn ở vùng ngã ba biên giới. Và tôi bặt tin ông từ đó đến nay...

2003
(SDB 10-2010)





Các bài mới
Các bài đã đăng
Bằng chứng (01/11/2010)