VỌNG RA BIỂN
Chuyện kể Trường Sa giành giải Vàng sách hay 2012
10:27 | 25/12/2012

"Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa" cuốn sách của Thượng úy Nguyễn Xuân Thủy được NXB Kim Đồng xuất bản đạt giải vàng tại Lễ trao giải thưởng sách Việt Nam lần thứ 8 năm 2012 do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức ngày 23-12 nhằm tôn vinh những tác phẩm hay, tác giả tâm huyết, nhà xuất bản…

Chuyện kể Trường Sa giành giải Vàng sách hay 2012
Bìa cuốn sách Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa.

Tập truyện “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” là món quà của Thượng úy Nguyễn Xuân Thủy -một nhà văn trẻ đang công tác ở Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam -dành tặng bạn đọc nhỏ tuổi trong cả nước. Sách do NXB Kim Đồng phát hành mùa hè năm 2011.

Mười hai năm trước, từ mái trường phổ thông, Nguyễn Xuân Thủy trở thành chiến sĩ Trường Sa. Hơn một năm sau anh được chuyển về đất liền, được đơn vị tạo điều kiện đi học đại học để phục vụ lâu dài trong quân đội. Tình yêu văn chương, vốn sống quân ngũ và kiến thức tu nghiệp của Nguyễn Xuân Thủy đã giúp anh có nhiều trang viết chân thực, sinh động, mang hơi thở cuộc sống và văn phong của thế hệ trẻ.

Một cơ duyên may mắn đối với người cầm bút như Nguyễn Xuân Thủy là anh đã có thời gian được làm “lính Trường Sa”. Chính nơi đây anh đã nhận ra phần lãnh thổ thiêng liêng này không chỉ là một vị trí tiền tiêu của Tổ quốc, xứ sở của bão tố trùng khơi... là còn chứa đựng bao điều kỳ thú.

Kể cả cuộc sống sinh hoạt, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo và lao động xây dựng đảo... của quân và dân Trường Sa cũng có bao chuyện hấp dẫn, ly kỳ. Nhưng đâu phải ai cũng có thể dễ dàng được thưởng ngoạn, khám phá và tìm hiểu những cảnh vật, hiện tượng, con người ở quần đảo cách đất liền hàng trăm hải lý, nhất là đối với các em nhỏ.
“Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” là “tua du lịch” đặc biệt mà nhà văn Nguyễn Xuân Thủy “dẫn” các em nhỏ đến với từng hòn đảo chìm, đảo nổi qua những trang viết chân thực và sinh động của mình.

“Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” gồm 6 chủ đề chính: Ra đảo, Mùa biển lặng, Mùa biển động, Kì thú biển trời Trường Sa, Thám hiểm đáy biển Trường Sa...

Ra đảo là những bước làm quen với hành trình từ đất liền ra Trường Sa. Các em phải làm quen với bến cảng, tàu, neo, các chú thủy thủ, giấc ngủ trên tàu, bữa ăn trên tàu... và... say sóng. Những chuyện ấy tưởng chẳng có gì mới mẻ đối với nhiều em đã từng được đi tàu thủy. Nhưng mà khác lắm, lạ lắm, vì đây là tàu thủy ra Trường Sa mà! ấy là chưa kể trên hải trình ra Trường Sa, các em còn được nhìn thấy những chú cá biết bay, những chú cá heo thân thiện... và đặc biệt là cảm giác “say đất” khi đặt chân lên đảo.

ở Trường Sa, Mùa biển lặng khác với Mùa biển động và Nguyễn Xuân Thủy đã có nhiều câu chuyện cụ thể với những miêu tả tỉ mỉ về hai mùa biển này. Sóng và cát, cây bàng quả vuông và “cây bàng thường”... rồi cây phong ba, cây bão táp, những chú ỉn, những anh bạn gâu gâu... và cả những chú bồ câu nữa... trong mùa biển lặng thật “lãng mạn”. Nhưng vào mùa biển động, bốn bề dựng sóng bạc đầu. Gió táp như xát muối và thương nhất là những vườn rau -đúng hơn là những chậu rau, khay rau...

Trời biển Trường Sa còn nhiều cảnh vật, hiện tượng kỳ thú mà chỉ những người gắn bó thường xuyên với quần đảo mới được chứng kiến. ấy là những chiếc “vòi rồng” như quái vật, những chiếc cầu vồng lộng lẫy bắc qua biển, những sắc màu nước biển biến ảo theo thời tiết v.v.. Dưới đáy biển Trường Sa cũng có muôn vàn kỳ thú. Ấy là những đàn cá muôn loài muôn sắc và hình thù thì vô cùng ngoạn mục. Những chú tôm kềnh càng đủ cỡ. Nhưng loài ốc “vừa đẹp vừa ngon” không vùng biển nào có được... Rồi những “thím sò” trầm tích đáy biển, những chú vích khù khờ chậm chạp và hiền lành...
Nhưng hấp dẫn hơn cả vẫn là những câu chuyện về những người đang ngày đêm canh giữ biển, đảo và những người dân Trường Sa đang ngày đêm lao động sản xuất xây dựng huyện đảo đẹp giàu. ở Trường Sa không chỉ có các chú bộ đội hải quân mà còn có các chú bộ đội công binh, ra-đa, cao xạ, cảnh sát biển... Nhân dân Trường Sa không chỉ có ngư dân mà còn có cán bộ thủy văn, khí tượng, giáo viên và... những công dân tí hon tuổi mẫu giáo, tiểu học. Và những câu chuyện thường ngày ở đảo của họ thì nhiều vô kể và thú vị vô cùng...

Nguyễn Xuân Thủy tâm niệm hai năm làm nhiệm vụ ở Trường Sa là chuyến đi thực tế đặc biệt. Đọc sách dễ nhận thấy không chỉ kiến thức khoa học khô khan, mỗi câu chuyện về Trường Sa có dấu ấn của người từng làm lính đảo.
Với hơn ngàn bức ảnh chụp Trường Sa trong chuyến trở lại năm 2008, tác giả định làm sách theo kiểu cẩm nang du lịch, in kèm ảnh với tiêu đề Kỳ thú Trường Sa. Sau nhận thấy in sách với tranh minh họa đẹp hơn hẳn, bèn đổi thành Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa, dành hẳn phần cuối nói về những người lính đảo ngày đêm giữ yên lãnh thổ.

Theo Tiền Phong

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng