VỌNG RA BIỂN
Vua Minh Mạng với chủ quyền biển đảo Việt Nam Biển Đông
09:01 | 06/02/2013

Trong 13 vị vua triều Nguyễn nối tiếp nhau từ năm 1802 đến 1945, Minh Mạng là vị vua thứ hai, trị vì từ năm 1820 đến 1841. Là một nhà cải cách hành chính nổi tiếng, người có công lớn trong việc thống nhất đất nước, phân định ranh giới hành chính các địa phương một cách khoa học, hợp lý ổn định gần như từ đó đến nay.

Vua Minh Mạng với chủ quyền biển đảo Việt Nam Biển Đông
Vua Minh Mạng trị vì đất nước từ năm 1820 đến 1841. Ảnh tư liệu.

Đặc biệt, trên lĩnh vực kế thừa giữ gìn và phát huy chủ quyền biển đảo của đất nước, vua Minh Mạng đã chủ trương thực hiện nhiều chính sách cụ thể nhằm khẳng định chủ quyền cương hải của Tổ quốc hết sức bài bản và quyết liệt.

Minh chứng cụ thể nhất mà du khách thập phương ai cũng nhìn thấy mỗi khi đến tham quan quần thể di tích cố đô Huế, đó là biển đảo Việt Nam đã được khẳng định chủ quyền bằng hình ảnh sinh động trên Cửu đỉnh đặt trước Thế Miếu. Cửu đỉnh là 9 đỉnh đồng lớn được vua Minh Mạng cho đúc vào tháng 12-1835 và hoàn thành tháng 6-1837, là văn bản chủ quyền bằng hình ảnh sống động nhất của vua Minh Mạng gửi các thế hệ mai sau như là lời khẳng định sự trường tồn của đất nước.

Trong 153 hình ảnh đặc trưng của đất nước được chọn để khắc vào Cửu đỉnh, có Biển Đông (Đông Hải) được chạm khắc vào Cao đỉnh là đỉnh lớn nhất trong Cửu đỉnh, Biển Nam (Nam Hải) được khắc vào Nhân đỉnh và Biển Tây (Tây Hải) được khắc vào Chương đỉnh, đây cũng là ba đỉnh lớn nhất tượng trưng cho ba vị vua đầu tiên của triều Nguyễn. Theo các nhà nghiên cứu Huế, thời vua Minh Mạng ranh giới hành chính các địa phương và các vùng biển được phân chia rất rõ ràng trong phân cấp quản lý Nhà nước. Biển Đông kéo dài từ phía bắc cho đến Bình Thuận, bao gồm cả dải cát vàng Hoàng Sa, Trường Sa hay còn gọi là Vạn lý Ba Bình. Biển Nam bao gồm từ Bình Thuận đến Hà Tiên có nhiều hòn đảo như Đại Kim, Mảnh Hảo, Nội Trức, Côn Đảo, Phú Quốc, Thổ Châu... tiếp giáp với hải phận của các nước Malaysia, Indonesia… Biển Tây là vùng biển giáp với vịnh Thái Lan.

Ba vùng biển Việt Nam được khắc trên Cửu đỉnh với hình ảnh sông nước nhấp nhô, ẩn hiện rất nhiều đảo lớn nhỏ, chính giữa hình ảnh là đại tự khắc nổi ghi tên mỗi vùng biển Đông Hải, Nam Hải, Tây Hải. Đây là thông điệp khẳng định chủ quyền biển đảo của đất nước độc đáo, ấn tượng nhất mà vua Minh Mạng để lại trong tiến trình lịch sử bảo vệ và giữ gìn biển đảo của Tổ quốc.

Còn trên văn khố, châu bản triều Nguyễn còn lưu giữ đến ngày nay, thì vua Minh Mạng không chỉ là người đưa ra chủ trương vươn ra biển đảo, mà còn là người trực tiếp kiểm tra giám sát việc thực hiện hết sức cụ thể, với hàng trăm bản châu phê chỉ đạo việc đo vẽ bản đồ, cắm mốc hải giới, trồng cây, xây miếu thờ trên Hoàng Sa nhằm khẳng định chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của đất nước. Như Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 104, năm Minh Mạng thứ 14 (1833) ghi: Vua chỉ dụ Bộ Công rằng: Trong hải phận Quảng Ngãi, có một dải Hoàng Sa, xa trông trời nước một màu, không phân biệt được nông hay sâu. Gần đây, thuyền buôn thường bị nạn. Nay nên dự bị thuyền mành, đến sang năm sẽ phái người tới đó dựng miếu, lập bia và trồng cây cối. Ngày sau cây cối to lớn xanh tốt, người dễ nhận biết, ngõ hầu tránh khỏi được nạn mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời”.

Hay như việc cắm mốc chủ quyền cũng được vua Minh Mạng chỉ đạo rất sát sao: Hằng năm cử người ra Hoàng Sa, Trường Sa ngoài việc đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ và còn cắm cột mốc, dựng bia. Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ (cột mốc) dài 4, 5 thước, rộng 5 tấc. Thuyền đi đến đâu cắm mốc đến đó…”.
Nếu làm phép tính đơn giản, trong 20 năm trị vì đất nước, năm nào cũng có một đội dân binh Hoàng Sa theo lệnh nhà vua ra cắm 10 mốc chủ quyền trên các đảo của Hoàng Sa và Trường Sa, thì đã có hàng trăm đảo lớn nhỏ trên “Dải cát vàng” đã được xác định chủ quyền của Việt Nam từ hơn 200 năm trước.

Không chỉ khuyến khích dân binh ra với vạn lý Hoàng Sa, mà vua Minh Mạng còn đưa ra chính sách thưởng phạt rất nghiêm khắc đối với những ai không hoàn thành nhiệm vụ ở Trường Sa. Tờ Châu bản số 092, Stt 070, quyển 054 năm Minh Mạng 16 (1835) ghi: Việc sai phái quân đội ra Hoàng Sa đo đạc và vẽ bản đồ nhưng vẽ chưa được rõ ràng là các Giám thành Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiện và Nguyễn Văn Hoằng đều đánh 80 gậy chuẩn cho thả tất cả. 2 tên hướng dẫn là Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Sinh đều thưởng cho 3 mai tiền bằng bạc hạng nhỏ. Các binh thợ tham gia đều thưởng cho mỗi người 1 quan tiền.

Theo các nhà nghiên cứu Huế, trong 13 triều vua Nguyễn, vua Minh Mạng là người để lại số lượng văn bản ghi chép, châu phê, châu điểm về vấn đề khai thác, bảo vệ Hoàng Sa nhiều nhất. Chính vì sự quan tâm đặc biệt của nhà vua về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, nên dưới thời vua Minh Mạng cũng đã đào tạo, tôi luyện nên nhiều chỉ huy đội hùng binh Hoàng Sa nổi tiếng để lại dấu ấn trong lịch sử xây dựng và bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của triều Nguyễn, như Cai đội thuyền Phạm Văn Nguyên năm Minh Mạng thứ 16 (1835), Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Thủy sư suất đội Phạm Văn Biện năm Minh Mạng thứ 18 (1837)…

Có thể nói, dưới thời vua Minh Mạng, việc mở mang lãnh hải xác định chủ quyền biển đảo đất nước đã được kế thừa và phát huy hết sức hiệu quả mà không phải vị vua triều Nguyễn nào cũng làm được. Nhờ những công lao to lớn ấy của vua Minh Mạng mà hiện nay chúng ta có thêm nhiều bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền thiêng liêng của đất nước trong vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa và là bài học quý báu cho chúng ta và các thế hệ mai sau trong việc bảo vệ và giữ gìn biên cương lãnh hải của Tổ quốc.

Theo Ngô Minh Thuyền - Báo Đà Nẵng

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đêm trăng biển (16/01/2013)