VỌNG RA BIỂN
Nhớ Xuân Trường Sa
13:02 | 15/02/2013

Thế là thời gian vô cùng, vô tận và trái đất lại cho ta thêm một vòng quay, một mùa Xuân Quý Tỵ - 2013 đầy mong đợi và hứa hẹn đã tới. Những khi Tết đến, chúng ta thường nhớ về quá khứ, nhớ về cội nguồn, tổ tiên và những nơi tha thiết nhất.

Nhớ Xuân Trường Sa

Vì thế mà đã thành niềm tin, đã thành phong tục, mỗi lúc Xuân về, mỗi người con dân đất Việt, dù ở bất cứ nơi đâu trên trái đất, đều nhớ về Trường Sa. Với tôi, nhớ về Trường Sa là nhớ người Anh hùng Tạ Văn Thiều (tức Mai Năng), trong mùa Xuân năm 1975, khi Trường Sa đang bị ngụy quyền Sài Gòn chiếm đóng, vào lúc 19 giờ ngày 10-4-1975, ông đã chỉ huy 250 chiến sĩ đặc công nước của Đoàn 126 Hải quân, giả làm ngư dân, theo 4 chiếc tàu vận tải 500 tấn, từ bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, vòng ra phao số 0 và hải phận quốc tế để nghi binh. Sau 3 ngày lênh đênh trên biển, vào lúc 4 giờ 30 phút ngày 14-4 mới tập kích vào đảo, nổ súng tấn công, diệt và bắt sống 50 tên địch, làm chủ đảo Song Tử Tây, sau đó tiến đánh và giải phóng, giành lại độc lập, chủ quyền toàn bộ quần đảo Trường Sa của Tổ quốc.

Thiếu úy Mạc Văn Yên - người 9 lần ăn Tết trên đảo chìm Cô Lin kể: Đảo thường thịt lợn vào chiều 29 Tết, cùng làm giò, chả, thịt quay, thịt kho, lòng dồi và cả... tiết canh, khi mổ lợn thì cũng bày gạo nếp, đỗ xanh để gói bánh chưng luôn. Đêm Giao thừa bắt đầu bằng hái hoa dân chủ, cũng có cành đào, cành mai như ở đất liền. Năm nào đào, mai không ra kịp thì làm cành mai, đào giả, lá bằng ni lông xanh, nụ bằng bông nhuộm phẩm đỏ hoặc nước ký ninh vàng rồi gài những câu hỏi, bài hát, câu thơ,… ai hái được “hoa” nào thì biểu diễn, trả lời theo nội dung yêu cầu để cùng nghe, cùng vui. Nhưng dẫu sao thì Tết ở đảo chìm không vui bằng đảo nổi, bởi tiếng sóng, tiếng gió cứ ào ạt, bạt cả tiếng người...

Trên đảo An Bang có ngọn hải đăng cao 24,3m, chiếu sáng 15 hải lý. Trạm có 5 người. Anh Nguyễn Văn Tấn - người đã nhiều năm phụ trách trạm giới thiệu rằng: Đây là “mắt biển” không những phát sáng cho tàu thuyền ra vào an toàn mà còn bảo đảm an ninh khu vực. Nhiều tàu thuyền gặp nạn, bị bão được Trạm cùng các chiến sĩ Hải quân ứng cứu kịp thời. Có khi cứu được nạn nhân thì người đi cứu lại bị sóng lôi ra biển và thế là lại chống thuyền, quăng phao cấp cứu... Anh Tấn ra An Bang năm 2003 và mỗi năm được về Hải Phòng thăm nhà một lần, tất nhiên không phải vào dịp Tết. Tết nhớ nhà, anh thường mang những bức ảnh của gia đình ra xem rồi tự đoán giờ này vợ anh đang làm gì, các con lớn thêm được bao nhiêu, đã đến bụng, đến ngực anh chưa và đó cũng là điều an ủi tháng ngày bên bờ sóng... Còn chiến sĩ Uông Quang Huy, đảo Núi Le thì tâm sự: Em nhập ngũ rồi ra đảo ngay, lúc đầu cũng khó khăn vì nếp sống “Chăn vuông góc, tóc cắt cao, gặp nhau chào hỏi” nhưng giờ thì quen rồi, quen đến nỗi phải lo rằng sau Tết, hết nghĩa vụ trở về đất liền sẽ “hòa nhập cộng đồng” sao đây... Còn chàng sĩ quan trẻ Lưu Văn Quyền, đảo Tốc Tan A, nhân dịp Tết chụp ảnh gửi về quê. Bức ảnh tặng người yêu với quân hàm, quân hiệu chỉnh tề, tay cầm sổ nhật ký... đúng tình người lính đảo; nhưng bức gửi cho bố thì ngực để trần ngầm thưa rằng “con vẫn khỏe”, sức vóc vạm vỡ trước phong ba...

Trường Sa Lớn-“Thủ đô” của huyện đảo Trường Sa thay đổi từng ngày, có cầu tàu dài hơn 150m, tàu hàng nghìn tấn có thể cập cảng khi nước thủy triều lên, trên đảo có trạm thu phát truyền hình, thu phát sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, có bưu điện nối mạng viễn thông quốc tế, có sân bay, có ô tô đi lại và vận chuyển hàng hóa... Có trụ điện bằng quạt gió và điện pin mặt trời sử dụng 24/24 giờ. Đặc biệt, Đền thờ Bác Hồ, có mái cong thật đẹp, kế đó là Đài tưởng niệm các liệt sĩ. Khu doanh trại quân đội được xây dựng khang trang. Ngoài các đơn vị quân đội, bây giờ Trường Sa còn có các cụm dân cư, nên không khí đón Xuân càng thêm nhộn nhịp... Tôi đến thăm gia đình cô giáo Bùi Thị Nhung cùng chồng con ra đảo dạy học, chị Lương Thị Tình, anh Nguyễn Ngọc Hải... Các gia đình hầu hết vẫn giữ nghề đi biển. Tuy còn thiếu thốn nhưng ai cũng gắn bó với miền quê mới - Trường Sa. Rồi đây, với việc nhân rộng các mô hình khu hậu cần nghề cá, khu KT-QP, các cơ sở nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản... Trường Sa, quần đảo thềm lục địa, tiềm năng và tài nguyên sẽ là điểm đến của nhiều nhà đầu tư và du khách. Tôi cảm nhận rõ điều ấy trước thềm Xuân.

Theo TÔ KIỀU THẨM - QĐND

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng