VỌNG RA BIỂN
Nhật ký Trường Sa
10:03 | 25/02/2013

Mang trong mình "hàng tá” bệnh nan y, trải qua 6 lần phẫu thuật, trong đó có 3 lần đại phẫu, cuộc sống của nhà báo Võ Khắc Dũng tưởng chừng đã có lúc phải chấm dứt. Ấy vậy mà anh vẫn sống, làm việc và… đi Trường Sa.

Nhật ký Trường Sa
Nhà báo Võ Khắc Dũng trên đảo Phan Vinh

Cuối năm 2011, nghe tin Võ Khắc Dũng đăng ký tên để ra Trường Sa, tất cả người thân, bạn bè ai nấy đều ra sức khuyên ngăn bởi chuyến đi dường như quá sức đối với người đang phải sống nhờ thuốc như anh. Nhưng gạt qua tất cả, Võ Khắc Dũng vẫn kiên quyết vác ba lô lên tàu, rồi trở về bình an và làm một chuyện tưởng chừng không thể ngay cả đối với người bình thường, đó là cho ra mắt cùng một lúc 5 cuốn sách, trong đó có cuốn Nhật ký Trường Sa: Vạn lý nơi đầu sóng – kết quả của chuyến đi kéo dài hơn một tháng trời.

Chuyến đi nhiều kỷ niệm

Sinh ra ở vùng quê "trời văn, đất võ” Bình Định, Khắc Dũng rời quê hương vào mảnh đất Nam Tây Nguyên (Đà Lạt, Lâm Đồng) lập nghiệp mang theo một khát khao được làm báo. Và rồi, đúng như ước muốn của mình, sau khi tốt nghiệp đại học, anh được nhận vào làm việc ở báo Lâm Đồng. Từ đó cho đến nay, hơn 20 năm làm nghề, Khắc Dũng không nhớ đã đặt chân đến biết bao vùng miền, đã gặp không biết bao nhiêu con người. Thế nhưng: "Tôi lại chưa được đến Trường Sa, dường như với tôi cuộc đời làm báo của mình như thiếu mất một điều gì đó rất quan trọng” – anh chia sẻ. Và rồi, cơ hội đã đến với anh để anh thực hiện "điều quan trọng” còn thiếu ấy khi mà vào cuối năm 2011, Vùng 4 Hải quân có chương trình đưa các nhà báo ra Trường Sa tác nghiệp. Không ngần ngại, không đắn đo thêm nữa, anh lập tức đăng ký cho chuyến đi với một tâm trạng đầy hứng khởi. Nghe được tin này, lập tức người thân, bạn bè, đồng nghiệp ai nấy đều ra sức khuyên ngăn. Họ lo sợ sóng gió Trường Sa sẽ "quật ngã” anh mất. "Không nói gì thêm nữa, tôi đã quyết rồi, tôi phải đi, đi để xem đất nước mình rộng lớn như thế nào, đi để thỏa nguyện ước muốn và điều quan trọng là đi để thấy được người dân của mình đang sống và làm việc kiên cường ngoài đó” – anh chia sẻ thẳng thắn. Cuối cùng chẳng ai khuyên cản nổi nữa, vậy là anh đi…

Con tàu HQ-936 đã sẵn sàng, anh cùng hàng trăm đồng nghiệp vui tươi bước lên và bắt đầu chuyến đi trong cái vẫy tay chúc thượng lộ bình an của mọi người. Tàu rời bến đi được chừng vài tiếng đồng hồ, nhiều người trên tàu bắt đầu cảm thấy nôn nao trong người, họ bị say sóng. Chuyến đi ra Trường Sa lần này đúng vào tháng 12 nên biển rất động, sóng lớn khiến cho hành trình càng trở nên khó khăn. Nhiều người bắt đầu chóng mặt, nôn mửa, rồi có người vì quá mệt nên đã nằm xoài ra boong tàu chẳng cần biết đâu là giường. Càng ra xa ngoài Biển Đông sóng gió càng lớn, mọi người càng mệt hơn. Nhưng điều kỳ lạ, một người chỉ nặng chưa đầy 50 ký, sức khỏe lại yếu như Khắc Dũng lại không cảm thấy hề hấn gì với sóng gió. Anh vẫn bình thường, mở laptop làm việc và còn đi tìm chậu, túi để cho đồng nghiệp mình… nôn. Anh kể lại: "Khi ấy tôi còn cảm thấy khỏe hơn ở trên đất liền, mặc dù có hơi sờ sợ vì sóng cao quá, nói dại lỡ mà bị sóng quật bay ra khỏi boong tàu thì chắc chỉ có nước làm mồi cho cá mập!” Những đồng nghiệp trước đó khuyên anh không nên đi chuyến này thì giờ lại nằm một chỗ nhờ anh phục vụ. Vị bác sỹ phục vụ chăm sóc sức khỏe trên tàu khi nghe được bệnh tật của anh liền thốt lên: "Anh có biết là trên tàu này không hề có một thứ thuốc nào dành cho bệnh của anh không? nhỡ ra…”. "Đúng!, nhỡ ra căn bệnh tụy, mật và tiểu đường của tôi mà tái phát thì chắc có lẽ tôi sẽ không trở về được nữa”. Thế đấy, biết là an nguy đến tính mạng nhưng anh vẫn đi và rồi chắc vì lẽ anh quá kiên cường nên chẳng có điều gì có thể quật ngã được anh. Ngày anh đi, tôi thường xuyên điện thoại liên lạc để hỏi thăm anh, nhưng sóng điện thoại khi được khi mất nên chỉ nói được vài câu hỏi thăm rồi mất liên lạc. Nhưng trong cuộc trò chuyện ngắn ngủi ấy tôi nghe được tiếng anh còn mạnh hơn tiếng sóng, vậy là anh khỏe, mọi người trong đất liền ai nấy đều yên tâm. Sau hơn 2 ngày vượt sóng, tàu đã cập đảo trong niềm vui và sự hân hoan vô bờ bến của mọi người trên tàu và tình cảm của người dân Trường Sa. Trường Sa ơi, tôi đã đến!

"Vạn lý nơi đầu sóng” – chứa chan tình yêu biển đảo

Trong chuyến đi Trường Sa của mình, Võ Khắc Dũng đã được nghe, thấy, cảm nhận và thấu hiểu được sự gian nan những đầy cảm xúc của những người đã từng đi trước đó. Và đặc biệt hơn cả anh được tận mắt chứng kiến cuộc sống của những chiến sỹ hải quân và cả những người dân đã phải chịu sự thiệt thòi rất lớn để khẳng định chủ quyền ở Trường Sa. Tất cả những kỷ niệm và tình cảm ấy đã được anh dồn nén, đúc kết thể hiện đầy đủ, chứa chan trong một trăm lẻ một trang nhật ký "Vạn lý nơi đầu sóng”- cuốn sách do Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Với trung bình viết hai ngàn chữ trong một ngày, hơn một tháng ra Trường Sa anh đã cho ra đời một cuốn sách. Điều này hẳn đối với người bình thường đã là quá sức chứ chưa nói đến một người bệnh tật đầy mình như Khắc Dũng. Một tháng là quãng thời gian không dài để đủ hiểu về biển đảo, về Trường Sa bão tố, về cuộc sống và những người lính hải quân đang làm nhiệm vụ thiêng liêng nơi biển đảo. Một tháng cũng là thời gian quá ngắn để một người cầm bút hoàn thành một cuốn nhật ký dày dặn như vậy; đặc biệt là viết trong điều kiện sóng to, gió lớn nơi Biển Đông, sức khỏe lại không cho phép, lại trên một con tàu "xuyên bão” và cả…”xuyên năm”. Nhưng với Khắc Dũng, một tháng thôi cũng có thể làm nên điều "không thể thành có thể”. Ngày Khắc Dũng trở về đất liền cũng là lúc cuốn nhật ký đã được hoàn thành, và cũng cùng lúc đó anh bắt đầu hoàn thành thêm 4 cuốn sách khác gồm: Đại ngàn độ lượng (tiểu thuyết), Tiếng lá thở dài (thơ), Tiếng vọng vô thanh (tập truyện ngắn) và Khắc khoải tiếng còi tàu (tập bút ký, phóng sự). Với việc cùng một lúc cho ra đời 5 tác phẩm, Võ Khắc Dũng trở thành người đầu tiên ở Lâm Đồng nói riêng, cả nước nói chung xuất bản nhiều tập sách nhất cùng một lúc. Mặc dù trước đó anh đã xuất bản được 4 cuốn sách và 1 tập nhạc. Nói như vậy không phải vì để "khoe”, nhưng quả thật những gì anh đã làm được đều khiến mọi người phải nể phục. Ngày anh cho ra mắt các tác phẩm của mình, rất đông bạn bè, đồng nghiệp và người yêu văn thơ đã đến để chia vui với anh. Có người thật thật, đùa đùa nói: Đã có 10 đứa con tinh thần, Khắc Dũng có còn muốn "sinh” tiếp không? "Khuôn mặt khó đăm đăm” - biệt danh mà bạn bè đặt cho anh, cười tươi tuyên bố chắc nịch: Còn chứ! Trong "túi” của tôi đang có "3 đứa” đang chờ ngày ra mắt đấy! Không tin chờ mà xem!

Thế đấy, Khắc Dũng không chỉ viết báo, mà sự yêu say, mê mẩn cuộc đời với một con tim nồng cháy còn được anh gửi gắm qua những thể loại khác như thơ ca, âm nhạc và cả văn chương. Mảng nào với anh cũng thấm đẫm tình người, tình đời, nhờ sức lao động miệt mài với tâm can đầy trăn trở trước những bất cập đời sống cần lên tiếng. Anh đi và viết, viết mãi, viết mãi… Anh như muốn nói hộ hàng nghìn mảnh đời, hàng vạn tâm tư. Để rồi, sau những chắt chắt ấy, bạn bè, độc giả đã được đón nhận những tác phẩm chan chứa tình yêu thương.

Theo Nguyễn Tiến - ĐĐK

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng