Giữa biển khơi muôn trùng sóng gió, khó khăn, hiểm nguy luôn rình rập ở phía trước, nhưng điều đó không làm nản lòng, chùn bước những cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam.
Sự mưu trí, dũng cảm, những hy sinh thầm lặng của họ đã và đang góp phần mang lại bình yên trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Họ xứng đáng được mệnh danh là những “hiệp sĩ” trên biển.
Ra khơi cùng cảnh sát biển
Tôi bước lên tàu CSB 9002 thuộc Hải đội 201 (Vùng CSB 2) trong tâm trạng phấn chấn, đầy háo hức. Nghe về những chiến công của lực lượng CSB đã nhiều nhưng đây là lần đầu tiên tôi may mắn có dịp được cưỡi sóng ra khơi cùng các anh để tận mắt chứng kiến họ làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và duy trì thực thi pháp luật trên biển.
Biên đội tàu của Vùng CSB 2 đi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và duy trì thực thi pháp luật trên vùng biển Trường Sa, DK1 gồm tàu CSB 4032 và tàu CSB 9002 thuộc Hải đội 201. Tham gia chuyến hải trình này còn có cán bộ thuộc các cơ quan chức năng của Cục CSB Việt Nam. Đứng trên boong tàu CSB 9002, Thượng tá Trần Quang Tuấn, Phó tham mưu trưởng tác chiến Vùng CSB 2 được chỉ huy Vùng CSB giao nhiệm vụ chỉ huy biên đội tàu giới thiệu: “Đây là hai con tàu rất giàu thành tích trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, vi phạm trên biển; cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ chủ quyền biển, đảo…”.
Thượng tá Phan Thế Minh, Phó trưởng phòng Khoa học Công nghệ Cục CSB, Trưởng đoàn công tác nói với chúng tôi : “Tuần tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật trên biển là công việc thường xuyên của lực lượng CSB. Chuyến hải trình này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về công việc của anh em chúng tôi”.
Cuối tháng Ba, trời quang, biển lặng nhưng không vì thế mà những người lính giữ biển chủ quan, lơ là trong công tác chuẩn bị. Các thành viên trên tàu mỗi người một việc, theo chức trách, nhiệm vụ của từng ngành, nhưng điều mà tôi nhận thấy điểm chung ở họ là sự tất bật, nhưng cẩn trọng và đầy trách nhiệm. Trước chuyến đi biển dài ngày, từng con ốc trong khoang máy, đến từng cân thực phẩm, chai nước ngọt, từng viên thuốc… tất cả đều được những người lính biển chuẩn bị chu đáo, kiểm tra kỹ lưỡng. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên khi đứng bên chiếc chuồng vừa có cả gà, ngan và chú lợn hơn 60kg trên tàu CSB 9002, Thượng tá Trần Văn Hưng, Trợ lý Phòng Hậu cần Cục CSB lý giải: “Các loại gia súc, gia cầm, rau xanh do cán bộ, chiến sĩ nuôi, trồng tại bờ. Mỗi khi thực hiện nhiệm vụ dài ngày trên biển anh em lại mang theo để dùng cho các thủy thủ và sẵn sàng “chi viện” cho ngư dân khi gặp bất trắc”.
Trước giờ xuất phát, các đồng chí chỉ huy Vùng CSB 2 và chỉ huy Hải đội 201 lên hai tàu, kiểm tra công tác chuẩn bị và bắt tay động viên từng người. Giờ “G” cũng đã đến. Mặt trời vừa nhô lên, ửng hồng phía chân trời cũng là lúc tiếng dây xích thu neo, tiếng động cơ và những hồi còi tàu rộn vang chào đất liền, xua tan không khí tĩnh lặng buổi sớm cảng Kỳ Hà (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Theo khẩu lệnh của Biên đội trưởng Thượng tá Trần Quang Tuấn, biên đội tàu nhằm thẳng hướng Đông, rẽ sóng ra khơi.
“Lửa thử vàng…”
Chỉ huy hai tàu là hai thuyền trưởng còn rất trẻ. Thuyền trưởng tàu CSB 4032 là Đại úy Phạm Nguyên Phú, 33 tuổi, quê ở xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) là một trong những học viên thế hệ khóa 1 đào tạo CSB tại Học viện Hải quân. Còn tàu CSB 9002 do Thuyền trưởng Thượng úy Ngô Thái Cảnh, 31 tuổi chỉ huy. Đại úy Phạm Nguyên Phú, tâm sự: “Tốt nghiệp Học viện Hải quân năm 2004, em được phân công về CSB Vùng 5 làm Thuyền phó tàu CSB 5011. Đây là lần thứ năm em công tác ở Trường Sa”.
Hơn 6 năm làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên vùng biển Tây Nam, nhiều lần Phú tham gia xua đuổi tàu cá nước ngoài vi phạm chủ quyền, tàu làm ăn bất hợp pháp trên vùng biển Việt Nam. Năm 2009, Phú được điều về Vùng CSB 2 làm Thuyền trưởng tàu CSB 2014. Một trong những chiến công của anh là chỉ huy bắt giữ tàu Hương Điền 09 chở quặng ti-tan trái phép. Đầu năm 2010, Phú được trên tin tưởng giao làm Thuyền trưởng tàu cao tốc CSB 4032, con tàu từng tham gia thành công nhiệm vụ bảo vệ tàu Bình Minh 02 khi đang khảo sát thăm dò dầu khí trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Với Ngô Thái Cảnh, quá trình anh trở thành Thuyền trưởng là cơ duyên rất tự nhiên. Năm 2001, chàng trai quê xã Đồng Du, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, nhập ngũ vào Lữ đoàn 126 Quân chủng Hải quân. Gắn bó với biển, với tàu, giúp cho Cảnh hiểu hơn về sự gian khó, vất vả của người lính giữ biển, song cũng rất đỗi tự hào. Theo thời gian, cảm nhận ấy đã thấm sâu vào máu và trở thành động lực để người con của vùng đất châu thổ sông Hồng thêm hăng hái học tập, rèn luyện. Năm 2002, Cảnh thi đỗ Học viện Hải quân. Năm 2008, Cảnh tốt nghiệp được cấp trên điều về công tác tại Vùng CSB 2, đơn vị đảm nhiệm thực thi pháp luật trên một vùng biển rộng lớn, từ vùng biển, đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) đến Cù Lao Xanh (Bình Định), Trường Sa và DK1. Những người trẻ tuổi như Cảnh có điều kiện để thử sức, tôi luyện mình cùng sóng, gió… Và chuyến “thử lửa” đầu tiên mà Cảnh và các thủy thủ trên tàu vẫn nhớ mãi đó là chuyến công tác làm nhiệm vụ phối hợp với các tàu Hải quân bảo vệ tàu Viking 2 và tàu Voyager.
Nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho tàu Bình Minh 02, Viking 2 và tàu Voyager là kỷ niệm đáng nhớ đối với các thủy thủ tàu CSB 9002 và tàu CSB 4032. Hơn 70 ngày đêm trên biển, các thủy thủ của các tàu Vùng CSB 2 cùng tàu hải quân luôn sát cánh cùng nhau thực hiện nhiệm vụ. Và ít ai biết rằng, sự kiên quyết, quả cảm của hai thuyền trưởng trẻ Phạm Nguyên Phú và Ngô Thái Cảnh cùng các thuyền viên đã góp phần làm cho tàu ngư chính nước ngoài phải rút lui.
Sau chuyến công tác ấy, Phạm Nguyên Phú được thăng quân hàm Đại úy trước niên hạn. Còn với Ngô Thái Cảnh, năm 2012 anh cũng được thăng quân hàm Thượng úy trước niên hạn một năm vì có thành tích xuất sắc trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo và tìm kiếm, cứu nạn.
Những năm gần đây, được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng quan tâm, lực lượng CSB Việt Nam đã được trang bị thêm nhiều loại VKTB, phương tiện hiện đại. Nói chuyện với Cảnh, tôi lại nhớ đến lời tâm sự của anh Nguyễn Văn Liêm, chủ tàu BĐ-96286-TS, trú quán Khánh Hòa, Hoài Nhơn (Bình Định) khi đang tiếp dầu tại đảo Song Tử Tây. Anh Liêm bảo: “Ở ngoài khơi xa, thấy tàu của lực lượng CSB và hải quân là chúng tôi rất yên tâm”.
Theo QĐND