VỌNG RA BIỂN
Biển Đông có khả năng xuất hiện “điểm nóng mới”
16:14 | 06/06/2013

Một tàu vận tải hải quân của Philippines đang neo đậu ở bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa có thể sẽ trở thành một “điểm nóng mới" trên biển Đông.

Biển Đông có khả năng xuất hiện “điểm nóng mới”
Bãi Cỏ Mây.

Chính phủ Philippines đang cáo buộc Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ nước này sau khi 3 tàu của Trung Quốc, trong đó có một tàu chiến nhỏ, đã kéo đến gần bãi Cỏ Mây - vốn được Philippines đánh dấu chủ quyền năm 1999 bằng cách cố ý cho một tàu vận tải mắc cạn tại khu vực này.

Các quan chức Philippines cho biết họ lo ngại rằng các tàu của Trung Quốc sẽ chặn đường cung ứng cho hàng chục lính thủy đánh bộ của Philippines đóng quân trên con tàu cũ đã bị gỉ sét tại bãi Cỏ Mây và đang phải sống trong điều kiện thiếu thốn, làm gia tăng căng thẳng liên quan tới một trong số những vấn đề an ninh lớn nhất của châu Á.

Bãi Cỏ Mây là "cánh cửa" chiến lược dẫn tới bãi Cỏ Rong – nơi vốn được cho là giàu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Năm 2010, Manila đã trao cho một hiệp đoàn Anh-Philippines giấy phép khai thác khí đốt tại bãi Cỏ Rong, tuy nhiên việc khai thác đã bị đình trệ từ năm ngoái do có sự hiện diện của các tàu Trung Quốc. Manila nói rằng bãi Cỏ Rong cách đảo Palawan của Philippines 80 hải lý (148 km) về phía Tây, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý (270 km) của nước này. Tuy nhiên, Bắc Kinh cho rằng bãi Cỏ Rong là một phần của quần đảo Trường Sa - gồm 250 đảo nhỏ không có người ở trải rộng 165.000 dặm vuông - mà Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam có tuyên bố chủ quyền toàn bộ, còn Malaysia, Brunei và Philippines có tuyên bố chủ quyền một phần.

Raul Hernandez, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, nói rằng: "Trung Quốc nên rút khỏi khu vực này bởi theo luật pháp quốc tế, họ không có quyền hiện diện tại đây", đồng thời nhấn mạnh rằng khu vực này nằm gần đảo Palawan - tỉnh lớn nhất của Philippines. Ông Hernandez lên án "sự hiện diện đầy khiêu khích và phi pháp" của các tàu Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phủ nhận điều này.

Đại tá Edgardo Arevalo – người phát ngôn Hải quân Philippines - cho biết đến ngày 28-5, hai tàu hải giám của Trung Quốc vẫn còn lưu lại tại khu vực tranh chấp, các tàu đánh cá và một tàu chiến đã rời khỏi đây. Một quan chức cấp cao khác của hải quân Philippines, nói: "Sự hiện diện của các tàu Trung Quốc là mối nguy hại rõ ràng và hiển hiện". Ông cho biết phía Philippines cho rằng Trung Quốc đang nỗ lực ép họ rời khỏi bãi Cỏ Mây.

Tình hình căng thẳng hiện nay cho thấy cuộc tranh chấp lãnh hải kéo dài hàng thập kỷ trên biển Đông đang bước vào giai đoạn mới phức tạp hơn do các quốc gia có tuyên bố chủ quyền tiến sâu hơn vào những vùng biển tranh chấp để tìm kiếm các nguồn năng lượng, đồng thời tăng cường xây dựng hải quân và thiết lập liên minh với các quốc gia khác. Bãi Cỏ Mây là một trong số rất nhiều nơi có thể trở thành điểm nóng trên biển Đông, có khả năng buộc Mỹ phải can thiệp để bảo vệ các đồng minh ở Đông Nam Á. Căng thẳng quanh bãi cạn này xuất hiện ngay trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel gặp những người đồng cấp khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore vào cuối tuần này. Biển Đông nằm trong chương trình nghị sự của diễn đàn an ninh khu vực này.

Ian Storey, một học giả tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, nói rằng căng thẳng tại bãi có thể gây ra mối nguy hiểm lớn hơn cả vụ tranh chấp bãi cạn Scaborough hồi năm ngoái, do bãi Cỏ Mây có sự hiện diện của quân đội Philippines. Ông Storey nhận định: "Thật khó để có thể hình dung rằng Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực nhằm giành quyền kiểm soát toàn bộ bãi Cỏ Mây, song Trung Quốc có thể sẽ áp dụng một số hình thức phong tỏa để đẩy quân đội Philippines ra khỏi đây. Căng thẳng tại bãi cạn này thực sự có thể leo thang, hoặc các bên có thể có những tính toán sai lầm."


Theo Minh Tâm - PL&XH

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng