VỌNG RA BIỂN
Tàu chiến “made in Việt Nam” ra biển lớn
15:03 | 21/06/2013

Những năm đầu thành lập, nhà máy chỉ sửa chữa tàu sông, pha sông biển. Đến nay, nhà máy đã có thể đóng các loại tàu từ công nghệ đơn giản đến phức tạp; từ tải trọng nhỏ đến tải trọng lớn (6.500 tấn). Cũng từ nhà máy, một số tàu chiến đã được đóng mới thành công, góp phần tăng sức mạnh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tàu chiến “made in Việt Nam” ra biển lớn
Các tàu cảnh sát biển được sửa chữa, nâng cấp trang bị hiện đại tại nhà máy Hồng Hà

Đó là chuyện chúng tôi nghe được trong lần về Nhà máy Z173 (còn có tên gọi là Công ty đóng tàu Hồng Hà, thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) vào một ngày tháng 6…

Tàu rời bến, trọn niềm vui

Là người gắn bó với Nhà máy Z173 đã hơn 30 năm nay, nên mọi câu hỏi của chúng tôi đều được Đại tá Nguyễn Văn Đắc, Chính ủy nhà máy trả lời vanh vách: Từ năng lực sản xuất, công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực cho đến kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-quốc phòng của nhà máy hằng năm. Đại tá Nguyễn Văn Đắc chia sẻ:

- Là doanh nghiệp quân đội, thực hiện nhiệm vụ kinh tế kết hợp với quốc phòng, trong nhiều năm nay, Công ty đóng tàu Hồng Hà luôn làm tốt công tác sửa chữa, đóng mới các loại tàu phục vụ cho nhiệm vụ của quân đội. Cùng với đó, nhà máy cũng đã đóng nhiều loại tàu xuất khẩu ra nước ngoài, trong đó có thị trường châu Âu.

Một trong 2 chiếc tàu pháo TT400 do Công ty đóng tàu Hồng Hà sản xuất, thực hành bắn kiểm tra. Ảnh: Văn Hưng


Chỉ tính từ năm 2006 đến nay, công ty đã xuất khẩu 9 tàu, với tải trọng từ 2.800 tấn đến 3.500 tấn sang các nước châu Âu-một thị trường được coi là “khó tính”. Cũng chính nhờ thường xuyên phục vụ thị trường này nên tay nghề của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, thợ kỹ thuật ngày càng được nâng lên, bảo đảm “làm đâu được đấy”.

Đó là chuyện đóng tàu xuất khẩu. Còn chuyện đóng tàu chiến lại càng hấp dẫn. Năm 2008, được giao nhiệm vụ triển khai sản xuất tàu pháo TT400, công ty đã chủ động nghiên cứu thiết kế công nghệ trên nền bản thiết kế kỹ thuật mua của nước ngoài. Sau khi đóng hoàn thiện đúng như thiết kế, công ty tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Bộ Quốc phòng cho triển khai hệ thống vũ khí hiện đại trên tàu, phục vụ cho nhiệm vụ của Quân chủng Hải quân. Chiếc tàu pháo thứ nhất được nhà máy triển khai theo hình thức chuyên gia nước bạn hướng dẫn tích hợp hệ thống vũ khí; chiếc thứ 2 chuyên gia của bạn giám sát, ta thực hiện tất cả nội dung công việc và hiện công ty đang triển khai đóng chiếc thứ 3.

Các tàu cảnh sát biển được sửa chữa, nâng cấp trang bị hiện đại tại nhà máy Hồng Hà

Sau khi hạ thủy, 2 chiếc tàu pháo đầu tiên đã tiến hành bắn kiểm tra hải đối hải, hải đối đất, hải đối không, hạ mục tiêu ngay từ loạt đạn đầu và được bàn giao cho Quân chủng Hải quân.

Nhớ lại những ngày triển khai đóng những con tàu pháo đầu tiên, Thượng tá Lê Văn Thước, Phó giám đốc kỹ thuật Công ty đóng tàu Hồng Hà chia sẻ: “Tàu pháo TT400 là sản phẩm mới và khó, lần đầu được sản xuất ở Việt Nam. Để chuẩn bị tốt cho việc triển khai sản xuất, công ty đã tổ chức đoàn đến tham quan quy trình sản xuất loại tàu này ở nước bạn; sau đó tập hợp đội ngũ kỹ sư có trình độ cao nhất, phối hợp với các viện, nhà trường, đơn vị bạn có kinh nghiệm trong thi công tàu để triển khai sản xuất và đã đạt được những thành công bước đầu, khi 2 tàu pháo được bàn giao cho Quân chủng Hải quân, hoạt động ổn định, đạt chất lượng tốt”.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh thăm, làm việc trên các tàu chiến được đóng tại nhà máy Hồng Hà.

Trong khi đó, anh Lưu Văn Lý, Tổ phó tổ sản xuất (Xí nghiệp vỏ tàu, Công ty đóng tàu Hồng Hà), đã tham gia đóng từ chiếc thứ nhất đến chiếc thứ 3, nhớ lại: “Triển khai thi công tàu pháo, chúng tôi phải tiếp cận với công nghệ, quy trình mới, trang thiết bị phục vụ cho sản xuất mới; phần lớn thép dùng cho đóng tàu mỏng, dễ biến dạng trong quá trình thi công, trong khi chất lượng sản phẩm yêu cầu rất khắt khe bởi đây là tàu pháo, đòi hỏi tính chính xác cao. Bởi thế, chúng tôi vừa tích cực tiếp thu công nghệ mới, vừa tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn và tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy trình công nghệ trong quá trình thi công. Đến nay chúng tôi hoàn toàn tự tin khi thi công con tàu pháo thứ 3”.

Thu hút người tài, đầu tư công nghệ

Để có được những thành công nói trên, một trong những nguyên nhân quan trọng là do công ty đã quan tâm đầu tư xứng đáng cho đào tạo nguồn nhân lực và khoa học công nghệ.

Đại tá Nguyễn Văn Đắc cho biết, tính đến nay, công ty đã có trên 100 kỹ sư các loại. Đây là nguồn nhân lực quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và khẳng định thương hiệu của công ty. Giải quyết “bài toán” về nguồn nhân lực chất lượng cao, các anh đã đề nghị cấp trên điều động các kỹ sư có trình độ chuyên môn tốt, thuộc chuyên ngành đóng tàu về công ty; tự đào tạo và đào tạo lại số cán bộ, công nhân viên hiện có; tuyển dụng các sinh viên giỏi, tốt nghiệp chuyên ngành đóng tàu bằng nhiều ưu đãi như lương, thưởng và các hình thức đãi ngộ khác.

Ngoài ra, công ty đẩy mạnh cải tiến hệ thống máy móc hiện có và mua sắm các thiết bị mới. Hiện nay, công ty đã có trong biên chế nhiều loại máy móc hiện đại như máy cắt lập trình CNC, máy ép thủy lực 700 tấn, dây chuyền xử lý tôn, hệ thống nâng hạ cầu cảng, âu chìm, xưởng vũ khí khí tài…Công nghệ thông tin cũng được đội ngũ cán bộ, kỹ sư của công ty ứng dụng có hiệu quả, thông qua các phần mềm như vỏ, cơ khí, điện, nội thất.

Chiếc tàu pháo thứ 3 hiện đang được thi công tại Công ty đóng tàu Hồng Hà.

Cũng do quan tâm chú trọng đến đầu tư cho khoa học công nghệ, nên chỉ trong 2 năm trở lại đây, Công ty đóng tàu Hồng Hà đã được trao 2 giải thưởng lớn. Đó là “Biên soạn quy trình công nghệ đóng tàu TT400”, đạt giải thưởng cấp Nhà nước năm 2012; “Nghiên cứu đổi mới công nghệ thiết kế thi công và chế tạo tàu chở nhựa đường 2.800 tấn”, đạt giải thưởng Khoa học công nghệ VIFOTECT (tháng 3-2013).

Góp phần vào việc giải quyết những vướng mắc trong quá trình thi công sản xuất cũng như trong triển khai trang bị mới, hiện đại, phải kể đến vai trò tham mưu, đề xuất và trực tiếp tổ chức thực hiện của Đội khoa học trẻ của công ty. Theo lời giới thiệu của Chính ủy Nguyễn Văn Đắc, chúng tôi đã tìm gặp Đại úy Lê Văn Chung, Phó trưởng phòng KCS, Đội trưởng Đội khoa học trẻ. Một ví dụ nhỏ của anh đã giải đáp được thắc mắc của chúng tôi về vai trò của Đội khoa học trẻ. Anh Chung cho hay, với việc tiếp thu, triển khai phần mềm vỏ tàu thủy HCS4.0 và phần mềm Shipcontractor, việc triển khai phần vỏ tàu, ống động lực, ống thông gió điều hòa, máng cáp điện, đều được tiến hành trên…máy tính. Nếu không có các phần mềm trên, người thợ phải ra hiện trường đo đạc thực tế. Chính vì vậy, việc sử dụng các phần mềm đã giảm thời gian thợ kỹ thuật thi công trên thực tế, mang lại độ chính xác cao và tăng năng xuất lao động, chất lượng sản phẩm, bảo đảm sức khỏe cho người lao động.

“Qua 8 năm Đội khoa học trẻ đi vào hoạt động, một trong những điều khiến tôi tâm đắc nhất là đội ngũ kỹ sư trẻ này càng trưởng thành trong quá trình triển khai công nghệ sản xuất và quản lý, điều hành sản xuất”- lời tâm sự của Đại úy Lê Văn Chung hòa lẫn vào tiếng búa, tiếng máy đang thi công con tàu pháo thứ 3. Không còn lâu nữa, từ Hồng Hà, con tàu này sẽ lại kiêu hãnh hướng ra biển lớn…

Theo QDND 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng