Sáng sớm nay 19.9, sau khi đi vào các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam, bão số 8 suy yếu thành một vùng áp thấp.
5 giờ 30 phút sáng nay, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư đã phát đi thông báo cuối cùng về cơn bão số 8.
Theo đó, rạng sáng 19.9, bão đã đi vào đất liền các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. Ngay sau đó, bão đã suy giảm thành một vùng áp thấp. Đến 4 giờ sáng, vị trí tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 15,7 độ vĩ Bắc; 107,5 độ kinh Đông, trên khu vực đất liền từ các tỉnh Thừa Thiên-Huế - Quảng Nam.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp giảm xuống dưới cấp 6, tức là dưới 39 km/h.
Trong 12 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, sau đó sẽ suy yếu và tan dần.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, ở Vịnh Bắc bộ có gió mạnh cấp 6, có lúc giật cấp 7 - 8, biển động mạnh. Các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió Tây nam hoạt động mạnh, nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực nam biển Đông, gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa sẽ có gió Tây nam mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 8, mưa rào và dông mạnh.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư khuyến cáo, diễn biến mưa sau bão còn phức tạp, các địa phương cần theo dõi bản tin dự báo tiếp theo và đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi, ngập úng tại đồng bằng.
Cũng theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 8, trong 3 ngày qua (tính đến 1 giờ ngày 19.9) tại Hà Tĩnh và khu vực Trung Trung bộ, Bắc Tây nguyên đã có mưa to, phổ biến từ 150 - 350 mm.
Ở vùng ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng đã có gió giật mạnh cấp 6 - 7. Ở đảo Bạch Long Vĩ gió mạnh 13 m/s (cấp 6), giật 19 m/s (cấp 8); đảo Hòn Ngư (Nghệ An) có gió mạnh 17 m/s (cấp 7), giật 24 m/s (cấp 9); đảo Cồn Cỏ gió mạnh 10 m/s (cấp 5), giật 17 m/s (cấp 7); đảo Lý Sơn gió mạnh 11 m/s (cấp 6), giật 18 m/s (cấp 8); đảo Phú Quý gió mạnh 14 m/s (cấp 7), giật 19 m/s (cấp 8).
Theo Hoàng Phan - TNO