VỌNG RA BIỂN
Loài hoa biểu tượng của Trường Sa
15:55 | 04/10/2013

Ai đã từng một lần đến Trường Sa chắc khó có thể quên một loài cây sống hiên ngang giữa phong ba, bão táp – cây bàng vuông. Loài cây này bám sâu vào nền đất đá, san hô, chống chọi được với sự mặn mòi của biển để quanh năm trở thành người bạn của lính đảo Trường Sa.

Loài hoa biểu tượng của Trường Sa
Sau gần 3 năm, cây bàng vuông do anh Mai Thanh Liêm trồng trước cửa nhà đã nở hoa. Ảnh: NGỌC NGUYỄN

Biểu tượng của Trường Sa

Trừ các đảo chìm, tất cả các đảo nổi ở huyện đảo Trường Sa đều có cây bàng vuông. Ở các đảo này, dù quanh năm nắng gió, mưa bão, hơi mặn của biển, nhưng bàng vuông vẫn cắm rễ sâu vào nền đá san hô, vươn lên tươi tốt, sum suê, tạo nên một dáng đứng hiên ngang khỏe khoắn như vừa chở che vừa kiên cường có mặt nơi gian khó.

Ở đảo Trường Sa Lớn, trước sân nhà chỉ huy có cây bàng vuông rất to, thế đẹp, tỏa bóng mát. Dưới tán cây xanh tươi, có cả chiếc bàn đá, là nơi các chiến sĩ hải quân ngồi hàn huyên tâm sự. Đó cũng là nơi tiếp khách lý tưởng mỗi lần có đoàn từ đất liền ghé thăm. Còn ở đảo Song Tử Tây, cây bàng vuông được trồng ở khắp nơi, nhiều cây trĩu quả. Ở đảo Sơn Ca thì khỏi nói. Bàng vuông che bóng mát từ Trạm hải đăng đi vào tận khu nhà ở, nhà ăn, khu chỉ huy. Sau giờ trực, rèn luyện, cán bộ, chiến sĩ thường ra ngồi dưới tán cây để ca hát.

Cây bàng vuông cùng họ với các loài cây sống ở rừng ngập mặn trên các đảo ở biển và là loại cây đặc thù ở quần đảo Trường Sa. Nhưng điều kỳ lạ là cây bàng vuông cũng không khó để trồng ở các địa phương khác trong cả nước. Ở Bà Rịa-Vũng Tàu, cây bàng vuông cũng đã sinh trưởng xanh tươi và đơm hoa kết trái. Anh Mai Thanh Liêm (số nhà E9, đường Lê Thị Riêng, TP. Vũng Tàu) được người quen chiết tặng cây bàng vuông ở đảo Trường Sa Lớn, trồng trước cửa nhà vào tháng 10-2010. Thời gian đầu, thấy cây bàng vuông còi cọc, tưởng cây không hợp với đất Vũng Tàu. Nhưng rồi, nhờ công chăm sóc, phân bón, cây bàng vuông bỗng trở nên xanh tốt, cao hơn 4m, cành, lá xanh tươi và nở đầy hoa. “Tôi bất ngờ vì loài cây này dễ sống và rất đẹp, hoàn toàn có thể trở thành loài cây cảnh ở những con đường trong thành phố. Thậm chí, nếu dành riêng một con đường để trồng cây bàng vuông cũng tuyệt vời”, anh Liêm nói.

Một con đường mang tên Trường Sa ở BR-VT

Nhìn cây bàng vuông xanh ngát ở đảo Trường Sa, và cây bàng vuông nở hoa ở nhà anh Liêm, chúng tôi chợt nghĩ về một con đường mang tên Trường Sa rợp bóng bàng vuông ở BR-VT. Và thật bất ngờ, đem ý tưởng đó chia sẻ, nhiều người đều cảm thấy rất ấn tượng. Chị Phạm Thị Tuyết Trinh ở ấp Phước Lăng, xã Tam Phước, huyện Long Điền bày tỏ: “Tôi đã nghe tên về loài bàng vuông ở Trường Sa nhưng chưa từng nhìn thấy bao giờ. Nếu ở BR-VT cũng có có một con đường trồng cây bàng vuông và đặt tên Trường Sa thì sẽ rất tuyệt. Điều đó sẽ nhắc nhở chúng ta, nhất là các bạn trẻ về Trường Sa, quần đảo dấu yêu của cả nước”.

“Con đường ấy phải nằm ngay cửa ngõ ra vào hai thành phố lớn của tỉnh là Vũng Tàu hoặc Bà Rịa”, anh Nguyễn Công Thắng, nhà ở đường Bình Giã, TP. Vũng Tàu, đưa ra ý tưởng. Anh Thắng cho rằng: Đường 51B sắp hoàn thành hiện, sẽ là con đường đẹp, rộng, cửa ngõ của Vũng Tàu, đặt tên Trường Sa cho con đường ấy vừa phù hợp với dáng vóc và thể hiện tình cảm của nhân dân BR-VT hướng về Trường Sa.

“Nếu BR-VT chọn một con đường đặt tên Trường Sa, thì ngoài bàng vuông, trên con đường ấy nên đặt các pano có hình ảnh các hiện vật khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như: Bản đồ Đại Nam nhất thống toàn đồ 1934, các cột mốc chủ quyền, hình ảnh sinh hoạt, chiến đấu của quân dân Trường Sa… ”, Nguyễn Thị Thùy Quyên, du học sinh đang theo học tại Đại học Sư phạm quốc gia Tula (Liên bang Nga) cũng nêu ý tưởng về đặt tên đường Trường Sa ở BR-VT.

Còn với Thượng tá Trương Công Hùng, Chủ nhiệm chính trị hải đoàn 129 thuộc quân chủng hải quân: “Đó là cách giáo dục trực quan thiết thực nhất đến với người dân và du khách về chủ quyền biển đảo khi đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng thời, chiến sĩ hải quân làm nhiệm vụ nơi hải đảo như chúng tôi cũng thêm ấm lòng bởi luôn có đất liền cạnh bên”.
 

Bàng vuông có tên khoa học là Barringtonia Asiatica, được đánh giá là một loài quí hiếm và được ghi vào Sách Đỏ ở mức độ đe dọa bậc R (rare: hiếm). Cây bàng vuông cùng họ với các loài cây sống ở rừng ngập mặn trên các đảo ở biển và là loại cây đặc thù ở quần đảo Trường Sa. Do có lá trông hao hao như lá bàng, quả có hình khối chóp nón 4 cạnh, nên nó được gọi tên bàng vuông. Bàng vuông thuộc loại cây gỗ trung bình cao khoảng 7-20m, rụng lá vào mùa đông. Hoa bàng vuông rất lớn mọc thành từng chùm đầu cành trắng. Hoa nở vào tháng 4 và tháng 5, mùa quả tháng 10-12. Hiện nay, các địa phương khác như TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Khánh Hòa, Quảng Trị... đều đã trồng cây bàng vuông lấy giống từ Trường Sa.


Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng