Huyện đảo Trường Sa phát động thi đua học tập và làm theo tấm gương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, biến đau thương thành hành động cách mạng, hứa với Đại tướng sẽ quyết tâm bảo vệ biển đảo chủ quyền của Tổ quốc, đưa huyện đảo ngày càng phát triển.
Tại Hà Nội, các đoàn đại biểu lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đang bước vào viếng Đại tướng với nén hương thành kính.
7g30. Lễ viếng bắt đầu. Lần lượt Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn đại biểu Ban chấp hành Trung ương Đảng vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đoàn đại biểu Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu đoàn Quốc hội và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Chính phủ vào viếng Đại tướng. Tiếng nhạc "Hồn tử sĩ" vang lên, mọi người chìm đắm trong niềm tôn kính và tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Bên ngoài, những người dân ngồi xẹp dưới lòng đường, vườn hoa, theo dõi lễ tang qua màn hình. Khi các đoàn lãnh đạo cấp cao lần lượt lên viếng, bên ngoài ai cũng nhắc những câu chuyện về Đại tướng. '
Và khi trên màn hình xuất hiện dáng hạc của giáo sư Vũ Khiêu, ai cũng suýt xoa. Ông cũng đã đạt 100 tuổi, phải chống gậy, và trên gương mặt rất tinh anh hiện rõ lên nỗi buồn sâu sắc.
Trước đó từ 6g sáng 12-10, hàng ngàn sinh viên tình nguyện các trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội đã có mặt trên các tuyến đường xung quanh nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông để phục vụ tang lễ Đại tướng. Nhiều quầy hàng ăn, nước uống miễn phí được đặt bên đường phục vụ người đến viếng Đại tướng.
Ở Quảng Bình, mở đầu lễ viếng, ông Phạm Hữu Thảo, phó chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã đọc bài phát biểu.
Đến 8g10, dòng người liên tục đổ về nhà Đại tướng. Mọi người xếp hàng nghiêm trang. Dọc hai bên đường dẫn vào nhà Đại tướng, người dân đứng chật kín chờ đến lượt viếng. Đoàn thanh niên đã cử đội mang ảnh chân dung Đại tướng đứng dọc hai bên lối đi. Người đến viếng ai cũng bùi ngùi, xúc động.
Trong đó có đoạn: “Sáng nay, cùng với cả nước trong niềm tiếc thương vô hạn đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đảng bộ và nhân dân Lệ Thủy trang trọng tổ chức lễ viếng Đại tướng tại nhà của Đại tướng tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Thay mặt Đảng bộ và toàn thể đồng bào, đồng chí trong huyện xin kính gửi đến bác gái Đặng Thị Bích Hà và toàn thể gia quyến Đại tướng lời chia buồn sâu sắc nhất trước sự mất mát to lớn không gì bù đắp nổi”.
Toàn thể mọi người có mặt tại sân nhà Đại tướng đã nghiêm trang dành một phút mặc niệm Đại tướng. Tiếp đó, đoàn của Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMT Tổ quốc huyện Lệ Thủy do ông Phạm Hữu Thảo làm trưởng đoàn đã vào viếng Đại tướng.
“Cả cuộc đời con không bằng dấu chân Người”
Tại TP.HCM. Những đoàn đại biểu đầu tiên của Thành ủy, UBND TP.HCM, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Ủy ban MTTQVN TP.HCM, Văn phòng Chính phủ, Đảng ủy Công an TP.HCM đã đặt vòng hoa viếng đại tướng.
Trước di ảnh Đại tướng, trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ, nhiều cán bộ, cựu chiến binh, những người trẻ tuổi mắt ngấn lệ tiếc thương.
Bên ngoài, dòng người đến viếng đại tướng đã nối dài, khép thành một vòng tròn lớn trong khuôn viên Dinh Thống Nhất để chờ vào viếng.
8g. Dòng người tiếp tục được nối dài ra đường Lê Duẩn. Trong hàng dài người chờ đợi, rất đông đảo học sinh trong đồng phục học sinh cũng nghiêm túc chờ được vào thắp nén nhanh cho Người. Mưa lất phất. Dòng người vẫn hướng về bàn thờ Đại tướng. Yên lặng, trang nghiêm.
Tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM, mưa lớn hơn. Hàng ngàn người trẻ, học sinh sinh viên đã có mặt tại đây để thành kính thắp nén hương đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Bạn Yên Hậu (SV Đại học Mở TPHCM) cúi đầu nói như tâm sự: "Nhóm mình đến đây trước 6g và vô cùng bồi hồi và xúc động". Ngay sau khi thắp hương, họ đã viết ngay những dòng cảm nhận gửi Đại tướng.
“Cả cuộc đời con không bằng một dấu chân Người" (bạn Nguyễn Tấn Đạt).
Hàng đoàn người xếp hàng trong khuông viên hội trường Thống Nhất đợi vào viếng - Ảnh: T.T.D. |
Đoàn cựu binh Chiến sĩ Điện Biên chờ đến phiên vào viếng đại tướng Giáp - Ảnh: T.T.D. |
Bà con Quảng Bình tại TP.HCM xúc động viếng Đại tướng
9g, dù tại các tỉnh thành đều lập bàn thờ Đại tướng nhưng nhiều đoàn Đại biểu của các tỉnh miền Nam: Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, Ninh Thuận… cũng đã có mặt tại Hội trường Thống Nhất để thắp nén nhang trước di ảnh Người.
Nhiều đoàn đại biểu của các Cơ quan Trung ương đóng tại TP.HCM như Cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên Phòng, Ban chỉ đạo Tây Nguyên… cùng Đoàn đại biểu của các Sở ngành TP cũng thực hiện xong lễ viếng Đại tướng
Trong đoàn người đến viếng đại tướng tại Hội Trường Thống Nhất sáng nay, có rất đông người dân Quảng Bình (quê hương của Đại tướng) đang sinh sống tại TP.HCM đã lập thành dòng dài để chờ đến lượt vào viếng Người con thân thương của đất Quảng Bình. Khoảng 500 người dân Quảng Bình đã treo băng-rôn, tập hợp tại một khu vực riêng để chờ vào viếng Đại tướng trong nỗi xúc động khôn nguôi.
Trong khi đó, tại Nhà Văn Hóa Thanh Niên TP.HCM, không chỉ có những người trẻ, đoàn cán bộ lão thành cách mạng, những người từng một thời hoạt động sôi nổi tại Nhà văn hóa Thanh Niên TPHCM dù đã 70, 80 tuổi vẫn đến thắp nén hương thành kính đến Đại tướng. Ông Lê Minh Châu, nguyên ủy viên thường vụ Ban cán sự học sinh - sinh viên Sài Gòn - Gia Định, 79 tuổi bùi ngùi: "Đối với Đại tướng, thật khó có câu chữ, cảm xúc nào có thể diễn tả trọn vẹn. Người ra đi để lại một khoảng trống quá lớn cho tất cả chúng ta. Từ người già đến người trẻ. Đặc biệt là những người đã từng sống trong không khí máu lửa của một thời tranh đấu!".
Từ đảo Trường Sa Lớn (thị trấn Trường Sa, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), trung tá Lương Xuân Giáp, Chính trị viên phó đảo Trường Sa Lớn cho biết sáng nay 12-10 tất cả cán bộ, chiến sĩ, bà con ngư dân, học sinh và các vị chư tăng trên đảo đã tập trung về hội trường, nơi đặt ban thờ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Theo kế hoạch, 7g30 mới bắt đầu Lễ tang Đại tướng, nhưng từ 4g cả đảo đã thức dậy, xót lòng chờ giờ phút lễ viếng thiêng liêng, bày tỏ tình cảm thương tiếc và biết ơn công lao Đại tướng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Với cán bộ, chiến sĩ vinh dự làm nhiệm vụ trấn giữ đảo, Đại tướng là tấm gương sáng ngời đạo đức cách mạng, “dĩ công vi thượng” (việc chung trên hết) để quân và dân trên đảo tiền tiêu Tổ quốc noi theo, thêm quyết tâm chắc tay súng giữ vững chủ quyền đất nước nơi đầu sóng ngọn gió.
Ông Nguyễn Văn Thắng – chủ tịch HĐND huyện Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) – cho biết lúc 7g30 sáng nay, toàn bộ 33 điểm đảo của huyện đảo tổ chức lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tại tất cả các điểm đảo của thị trấn Trường Sa, hai xã Song Tử Tây và Sinh Tồn của huyện đảo, quân dân tập trung về hội trường nơi có bàn thờ Đại tướng tham gia lễ truy điệu, dâng hương tưởng nhớ Đại tướng.
Huyện đảo Trường Sa phát động thi đua học tập và làm theo tấm gương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, biến đau thương thành hành động cách mạng, hứa với Đại tướng sẽ quyết tâm bảo vệ biển đảo chủ quyền của Tổ quốc, đưa huyện đảo ngày càng phát triển.
Trung tá Lương Xuân Giáp – phó chính trị viên trưởng đảo Trường Sa Lớn – cho biết, hội trường lớn nơi có bàn thờ Đại tướng đã chật kín quân, dân. Nét mặt mọi người ai cũng đau buồn. “Sau khi nghe Ban lễ tang của thị trấn Trường Sa đọc thông cáo về sự ra đi và tiểu sử của Đại tướng, điếu văn tiễn đưa Đại tướng, hàng trăm quân, dân, chư tăng đã không kìm được nước mắt. Chúng tôi hứa với anh linh của Bác Giáp là sẽ bảo vệ vững chắc và xây dựng Trường Sa ngày càng hùng mạnh” – ông Giáp cho biết.
Tại xã đảo Song Tử Tây, trung tá Nguyễn Văn Dũng – phó chính trị viên trưởng của đảo – tường thuật: “Buổi lễ được thông báo bắt đầu lúc 7g30, nhưng mới 6g30 thì hội trường của xã đảo đã chật kín người. Tham dự lễ tang Đại tướng không chỉ có quân và dân của đảo, mà còn có các ngư dân của một tàu đánh cá xa bờ tỉnh Bình Định bị hỏng máy, đang sửa chữa tại âu tàu của đảo. Bên bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân và dân Song Tử Tây đã kết hai vòng hoa đặt hai bên với dòng chữ “Vô cùng thương tiếc Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.
Sau phần nghi lễ truy điệu Đại tướng, mọi người dâng hương lên bàn thờ và dâng hương ở chùa Song Tử. Ai cũng đau buồn nhưng thầm hứa quyết tâm với là noi gương Đại tướng để chiến đấu, học tập, xây dựng Song Tử Tây nói riêng, Trường Sa nói chung ngày càng vững chắc”.
Sáng sớm nay 12-10, hàng ngàn người dân Đà Nẵng dự lễ viếng đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhiều địa điểm. Trong đó, tại trụ sở Hội cựu chiến binh TP Đà Nẵng trên đường Quang Trung từ rất sớm lực lượng công an đã phong tỏa tuyến đường này để đảm bảo an toàn cho người dân đi viếng đại tướng. Từ 7 giờ sáng đã có rất nhiều người dân, các cựu chiến binh, lãnh đạo TP, các sở, ban, ngành…đợi sẵn ở đây để chờ đến giờ vào viếng vị đại tướng của dân tộc.
Ông Thái Thanh Hùng – chủ tịch Hội cựu chiến binh TP Đà Nẵng đã đọc diễn văn ghi nhận những đóng góp lớn lao không thể tả xiết của đại tướng Võ Nguyên Giáp với dân tộc. Nhiều người tham dự lễ viếng đã không kiềm được nước mắt vì xúc động.
Người lính già bật khóc trong lễ viếng đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Đà Nẵng sáng 12-10 - Ảnh: Đoàn Cường |
Phút mặc niệm đại tướng Võ Nguyên Giáp của những người lính - Ảnh: Đoàn Cường |
Sỹ quan hải quân thực hiện nghi thức chào đại tướng trong lễ viếng sáng 12-10 - Ảnh: Đoàn Cường |
Cũng trong sáng nay, tại bảo tàng Quân khu V, Quân khu V cũng tổ chức lễ viếng đại tướng Võ Nguyên Giáp cho tất cả các đơn vị quân đội thuộc quân khu này. Lễ viếng kéo dài đến trưa ngày 13-10. Tại trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng) hàng trăm sinh viên cũng tham dự lễ tưởng niệm, tổ chức chiếu phim về cuộc đời sự nghiệp đại tướng Võ Nguyên Giáp cho sinh viên toàn trường.
Huế: Sáng 12-10, tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế (TP Huế) diễn ra lễ tưởng niệm và lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hơn năm 50 đoàn lãnh đạo các cấp trong tỉnh và các nhân sĩ, trí thức đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tá Trần Duy Vĩnh, phó ban tham mưu trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết tại Huế có 16 điểm lập bàn thờ Đại tướng để nhân dân đến viếng.
Quy Nhơn: Sáng 12-10, tại Hội trường Ban chỉ huy quân sự TP. Quy Nhơn diễn ra Lễ viếng đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại úy Phan Hồng Quang - đại diện tuổi trẻ LLVT thành phố - phát biểu trước anh linh Đại tướng: "Tuổi trẻ TP.Quy Nhơn kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của Đại tướng, nguyện suốt đời học tập và làm theo gương Người, phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN”.
An Giang: Tại các đơn vị quân đội, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Trường Quân sự tỉnh, Ban chỉ huy Quân sự các huyện thị, thành phố trong tỉnh đều đặt bàn thờ tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đến sáng 12-10, đông đảo cán bộ cách mạng lão thành, cán bộ về hưu, cựu chiến binh, lãnh đạo tỉnh, các huyện thị, các ban ngành, các đoàn thể và đoàn đại biểu CB-CNVC của nhiều cơ quan lần lượt đến viếng, đặt vòng hoa tưởng niệm trước bàn thờ Đại tướng.
Đại diện ban trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế thắp hương trước bàn thờ Đại tướng - Ảnh: Ngọc Hiển |
Theo TTO