Khai mạc triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử” do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên sáng nay 26/10, đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân mọi tầng lớp tới tham quan.
Với gần 150 bản đồ, nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật và ấn phẩm trưng bày cho thấy bằng chứng lịch sử và pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên Biển Đông. Các tư liệu cho thấy các Nhà nước Việt Nam từ thời kỳ phong kiến, trải qua nhiều thập kỷ bị đô hộ, xâm lược, đến thời kỳ Xã hội Chủ nghĩa ngày nay đã khai phá, xác lập thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đó là một quá trình liên tục, lâu dài diễn ra trong hòa bình.
Trong đó có bốn cuốn Atlas (tập bản đồ chính thức) do các Nhà nước Trung Quốc xuất bản trong các năm 1908, 1917, 1919, 1933 đều không thể hiện 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các bản đồ này là sản phẩm của chương trình thiết lập bản đồ bưu chính do nhà Thanh vạch ra từ năm 1906 và được Chính phủ Trung hoa dân quốc kế tục các năm sau đó. Các bản đồ được lập chi tiết ở từng tỉnh thể hiện rõ các con đường vận chuyển thư từ, công văn trong các tỉnh thành của Trung Quốc. Nơi nào không thuộc Trung Quốc thì không được thể hiện trong các bản đồ trong Atlas.
Vì thế mà cương giới cực nam của Trung Quốc chỉ luôn giới hạn đến đảo Hải Nam mà không hề nhắc đến Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Điều này chứng tỏ rằng cho đến khi nhà Thanh phát hành các cuốn Atlas này vào năm 1908 và sau này chính quyền Trung Hoa dân quốc tái bản Atlas vào các năm 1917,1919, 1933, 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vẫn nằm ngoài cái gọi là “chủ quyền lịch sử” phi pháp của Trung Quốc.
Theo Hồng Ngân - Dantri