VỌNG RA BIỂN
Truyện tranh dùng bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa chưa chính xác
08:45 | 11/11/2013

Trong khi các NXB tư nhân vẫn đang tiếp tục hoàn thành những cuốn sách để tuyên truyền về vấn đề biển đảo, thì hệ thống SGK chính thống vẫn chưa có sự quan tâm cần thiết đến vấn đề này. Thậm chí, vì chưa có những thông tin chính xác, có hệ thống nên nội dung sách của các NXB tư nhân vẫn còn nhiều hạt sạn.

Truyện tranh dùng bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa chưa chính xác

Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có hình chữ nhật, lục lăng?
Hệ thống sách, truyện của các NXB tư nhân ngày càng nhiều, việc đưa vấn đề biển đảo vào để tuyên truyền ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Nhưng vì chưa có một hệ thông tin chuẩn nên hầu hết các kiến thức được đưa vào sử dụng vẫn chưa chính xác, khoa học. 

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho biết: "Có những thông tin rất cũ do trước đây biên soạn và chưa có đầy đủ thông tin cần thiết nên nhiều sai sót, như vấn đề tên gọi vùng biển, các đảo trong quần đảo, đơn giản vậy thôi đã có nhiều lộn xộn".  Ông cũng chỉ ra dẫn chứng, trong cuốn sách "Tổ quốc nơi đầu sóng" của NXB Kim Đồng có đưa ra một số bản đồ, nói lên các vùng biển, phạm vi hai quần đảo, theo quan điểm của Trung Quốc, Philippines, như vậy tạo ra nhận thức của giới trẻ là quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có hình chữ nhật, lục lăng.

'Như vậy hoàn toàn sai, chúng ta chưa bao giờ nói về phạm vi đó mà là do các nước khác nói, đương nhiên như vậy là chúng ta lại tiếp tay cho họ', Tiến sĩ Trục nói.
Truyện tranh dùng bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa chưa chính xác
Cần đưa hệ thống kiến thức biển đảo vào SGK một cách hợp lý, chuẩn xác
Bên cạnh đó, ông chỉ rõ những sai sót: "Những vị trí quần đảo trên bản đồ cũng sai. Philipines họ vẽ thành hình lục lăng, cùng với tọa độ hình học. Những quy ước đó là hoàn toàn trái với quy định công ước luật Biển và nó trái với quan điểm của Việt Nam đối với xác định phạm vi vùng biển với các quần đảo ngoài khơi".

Tuyên truyền kiến thức biển đảo đang mò mẫm
Theo ông Trục, việc các NXB tư nhân đưa thông tin sai là do người làm biên tập, sáng tác tiếp cận thông tin chưa nhuần nhuyễn, chưa có sự hướng dẫn cụ thể cho nên họ lấy các nguồn khác nhau đưa vào sách vở, ấn phẩm, chạy theo thị hiếu, chủ trương mà họ muốn đáp ứng nên xảy ra tình trạng nhiều tài liệu bất lợi. 

"Tôi cho rằng hiện nay người Việt Nam mình làm nghiên cứu không thiếu nhưng để có sự chỉ đạo tập trung thống nhất tránh trống đánh xuôi kèn thổi ngược, thì chúng ta đang thiếu người quản lý chung, hay chính là một người nhạc trưởng", ông khẳng định. Không chỉ có vậy, ông rất lo lắng cho công tác đối ngoại còn đang rất yếu kém của nước ta: "So với Trung Quốc, Nhật và các nước khác họ làm công tác này rất mạnh, chương trình giáo dục có hệ thống, tính toán, bài bản. Trong khi đó, nước ta làm không có hệ thống, công tác tuyên truyền vô cùng yếu, chính vì vậy, nó hạn chế ghê gớm công tác đấu tranh pháp lý, chính trị của nước ta".

Theo vị chuyên gia này, vì công tác tuyên truyền kiến thức về biển đảo của chúng ta hiện nay vẫn còn ở mức độ mò mẫm, tất cả các chương trình mới chỉ mang tính chất phát sinh do sức ép của dư luận, chạy theo thời sự thôi, chứ chưa có sự chất lọc, bài bản, nghiên cứu, thông tin có hệ thống nên chúng ta chưa làm được điều đó.Về vấn đề đưa biển đảo vào SGK, TS Trần Công Trục cho rằng: "Cần khẩn trương nhưng phải có tổ chức, Nhà nước phải đầu tư để có đội ngũ làm việc có tâm huyết, có trình độ, liên quan đến nhau, giáo dục cho mục tiêu phát triển kinh tế biển, phục vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền trong tình trạng khi đang có tranh chấp".

Theo Báo Đất Việt

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng