Chuyện các chiến sĩ ở Trường Sa gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ thì nhiều người biết và đó là một thực tế. Đặc biệt các chiến sĩ ở nhà giàn DK thì còn khó khăn hơn nữa và đã có nhiều chiến sĩ hy sinh khi làm việc nhiệm vụ trên nhà giàn trước những cơn bão biển. Còn những hy sinh của các chiến sĩ trên đảo ngay trong những ngày bình yên này thì nhiều người chưa biết. Đó cũng là trăn trở, ưu tư lớn nhất của tôi khi đến đảo Trường Sa Đông thuộc quần đảo Trường Sa.
Niềm vui vỡ òa của chúng tôi khi đặt chân đến đảo nhanh chóng lắng lại, trong lòng ai cũng trào dâng một niềm xót xa khi nhìn thấy 3 bia mộ thẳng hàng ghi những dòng chữ: Liệt sĩ Quách Hoàng Lâm, sinh ngày 28-9-1984, hy sinh ngày 4-8-2006, quê quán: Phường 16, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; Liệt sĩ Nguyễn Văn Thi, sinh ngày 15-4-1975, hy sinh ngày 14-4-2001, quê quán: Hoàng Minh, Hoàng Hóa, Thanh Hóa; Liệt sĩ Vương Viết Mão, sinh ngày 3-9-1975, hy sinh ngày 17-1-2004, quê quán: Diễn Lâm, Diễn Châu, Nghệ An. Hàng chữ trên bia màu trắng, được viết nắn nót trang trọng. Ngay sau mệnh lệnh, đoàn công tác do Trung tướng Nguyễn Song Phi, Phó tổng tham mưu trưởng làm trưởng đoàn xếp thành hàng thẳng tắp dành một phút tưởng niệm các liệt sĩ. Nhìn những ngôi mộ được xây vuông vắn, trên mặt là lớp đá xanh, màu xanh của biển, chúng tôi hiểu, các liệt sĩ được các chiến sĩ trên đảo chăm sóc rất cẩn thận, chu đáo.
Chuẩn bị mâm quả thắp hương viếng các liệt sĩ. |
Một điều thật xót xa là họ đều hy sinh ở độ tuổi còn rất trẻ trong những ngày tham gia xây dựng đảo. Những ngày các chiến sĩ Vương Viết Mão và Nguyễn Văn Thi ra đảo, đảo khó khăn chồng chất. Điện thoại chưa có, phương tiện đi lại khó khăn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn lắm. Lúc ấy, những chiếc xuồng CQ cao tốc mà các chiến sĩ đang có để đi tuần tra biển như bây giờ chưa xuất hiện. Họ chỉ có những chiếc xuống cũ chưa hiện đại. Cũng bởi vì thế mà lần lao ra dòng biển xoáy cứu xuồng, nhân viên báo vụ Nguyễn Văn Thi đã nằm lại với biển, dòng biển xoáy đã lấy mất anh trong vòng tay các đồng đội. Một khi biển đã bão, sóng gió đã thét gào thì biển thật hung dữ. Các chiến sĩ nhìn thấy cái chết đã cận kề với Thi nhưng họ cũng không có cách nào cứu được. Nguyễn Văn Thi hy sinh để lại bao xót thương trong lòng đồng đội bởi lúc anh hi sinh chỉ còn 13 giờ đồng hồ nữa là đến sinh nhật tuổi 26 của anh. Thi sinh 15-4-1975 thì lại hy sinh đúng 14-4-2001. Có thật nhiều sự hy sinh nhưng trong trường hợp của Thi sự hy sinh đó thật nghiệt ngã. Bây giờ mộ của anh trên đảo được đặt ngay gần nơi đứng chân của bộ phận báo vụ đảo Trường Sa Đông. Các chiến sĩ báo vụ mỗi lần nhìn ra bia mộ của anh là một lần họ thầm hứa với nhau phải hoàn thành tốt nhiệm vụ như tấm gương của Nguyễn Văn Thi đã ngã xuống.
Trường Sa có hai thời điểm họ mong ngóng những tin tức từ đất liền nhất và cũng là lúc đất liền mong móng tin của họ nhất đó là thời điểm Tết Nguyên đán và thời điểm tháng ba, tháng tư dương lịch. Đây là thời điểm có tàu ra đảo. Vậy mà với chiến sĩ Vương Viết Mão, anh hy sinh đúng những ngày giáp Tết Nguyên đán (ngày 17-1-2004 tức 26-12 âm lịch). Các chiến sĩ trên đảo Trường Sa Đông kể, lúc ấy, trên đảo chưa có sóng điện thoại nên việc liên lạc giữa bộ đội đảo với gia đình chủ yếu bằng thư. Những lá thư mà Vương Viết Mão gửi về gia đình chỉ mới vừa đến tay người thân thì Mão đã hy sinh ngoài đảo. Có lẽ khó có giây phút nào lại đau thương và xót xa nhưng những phút giây ấy. Với Quách Hoàng Lâm, ngày anh hy sinh đúng lúc độ tuổi đôi mươi chín nhất.
Giờ thì những khó khăn với Trường Sa chưa hết nhưng đã thuận lợi hơn với bộ đội đảo. Kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ năm nay, chúng ta lại hướng những tấm lòng về tri ân với các thương binh, liệt sĩ, với bộ đội đảo, với các chiến sĩ đã ngã xuống ở Trường Sa. Chắc chắn, sự hy sinh của các anh không vô nghĩa khi mà cả nước đang hướng về Trường Sa, Tổ quốc ghi công những người đã ngã xuống để Trường Sa vững mạnh.
Theo QĐND