áng 28/11, Hội nghị Triển lãm Dầu khí Đông Nam Á-ASCOPE 10 do Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức đã khai mạc tại TP.HCM. Đây là sự kiện lớn nhất của cộng đồng ngành Dầu khí ASEAN, tổ chức định kỳ 4 năm 1 lần.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đánh giá cao ASCOPE là cơ hội để các công ty dầu khí ASEAN chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm hợp tác, góp phần cho mục tiêu hợp tác cùng phát triển giữa các nước ASEAN.
Khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngành dầu khí phát triển, Phó Thủ tướng mong muốn các đối tác trong khu vực trao đổi, đưa ra những giải pháp, hợp tác sâu hơn về sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ASEAN đang đẩy mạnh hợp tác dầu khí với Việt Nam, các quốc gia khác như Nga, Ấn Độ, Mỹ, Anh cũng là những đối tác dầu khí hùng mạnh của Việt Nam ở Biển Đông.
Các doanh nghiệp dầu khí Anh không lo ngại nhiều tranh chấp ở Biển Đông
Mới đây nhất, Việt Nam chủ động cùng Ấn Độ hợp tác dầu khí ở biển Đông, đề xuất trao 5 khu vực thăm dò dầu khí ngoài khơi cho công ty ONGC Videsh Ltd (OVL) của Ấn Độ mà không cần thông qua đấu thầu.
OVL sẽ nghiên cứu dữ liệu về các lô thăm dò mà Việt Nam có nhã ý trao cho để lựa chọn xem sẽ chọn lô nào. OVL cũng có thể nhận thăm dò cả 5 lô hoặc không nhận lô nào, nguồn tin từ một quan chức cấp cao của Ấn Độ cho hay. Nếu OVL quyết định chọn lô thăm dò, một hợp đồng chia sẻ sản lượng (PSC) sẽ được ký kết.
Ngày 12/11, hai công ty Dầu khí của Nga Rosneft và Gazprom cũng đã ký một loạt thỏa thuận với tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam PetroVietnam nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Putin.
Theo đó, Rosneft sẽ cho phép PetroVietnam tham gia tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí ở biển Pechora, thuộc biển Bắc, Liên bang Nga.
Hãng tin Reuters cho biết đây là sự cho phép hiếm hoi dành cho một hãng nước ngoài.
Rosneft sẽ tham gia hợp đồng chia sản phẩm Dầu khí thuộc Bồn trũng Cửu Long, ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam.
Tập đoàn xăng dầu Nga Rosneft cũng đang dự định sẽ trở thành đối tác của PTT, công ty dầu khí quốc gia Thái Lan, để phát triển phức hợp xăng dầu Nhơn Hội tại Việt Nam.
Tháng 9/2013, các doanh nghiệp dầu khí Anh cho hay không lo ngại nhiều về vấn đề căng thẳng trên Biển Đông và bày tỏ mối quan tâm đặc biệt tới thị trường dầu khí Việt Nam.
Ông Piers Craven, trưởng đại diện cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Anh (UKTI) tại Hà Nội, cho hay, ngành dầu khí của Việt Nam thời gian qua rõ ràng có tốc độ phát triển tốt. Vì vậy trong xu hướng này, các công ty của Anh hy vọng sẽ tìm kiếm các cơ hội làm ăn với các công ty của Việt Nam.
Tiếp đó, trong tháng 7/2013, chuyến thăm chính thức nước Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nối dài danh sách các nước Việt Nam cùng hợp tác để khai thác dầu khí trên Biển Đông.
Cụ thể, trong khuôn khổ chuyến thăm này, doanh nghiệp hai nước đã ký kết một số thỏa thuận như: Bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hoa Kỳ về hỗ trợ thương mại và đầu tư trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng ở Việt Nam.
Thỏa thuận khung giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Công ty Exxon Mobil, Thỏa thuận hợp tác giữa Tổng Công ty thăm dò, khai thác dầu khí (PVEP) và Công ty dầu khí Murphy, Bản ghi nhớ giữa Công ty bảo hiểm Metropolitan Life (Metlife) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chấp thuận của Bộ Tài chính Việt Nam về chủ trương thành lập công ty quản lý quỹ của Công ty bảo hiểm ACE.
Trước đó, hồi tháng 5/2013, trong chuyến thăm chính thức nước Nga, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định phía Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện cho các công ty dầu khí của Nga mở rộng hoạt động tại thềm lục địa cũng như ngoài khơi Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Đài Tiếng nói nước Nga ngày 18/6 dẫn lời Bộ trưởng Bộ Phát triển Viễn Đông, người đại diện toàn quyền của tổng thống Nga ở khu vực Viễn Đông Victor Ishayev phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với thông tấn xã ITAR-TASS rằng, Moscow quan tâm đến việc tăng cường hợp tác với Hà Nội.
Tập đoàn Zarubezhneft của Nga cũng đã cho chuyển dàn khoan dầu khí Songa Mercur từ Cuba đến Việt Nam sau 6 tháng thăm dò không có kết quả.
Theo Đất Việt