Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cùng hàng trăm chuyên gia, nhà sử học, lãnh đạo sở ban ngành, học sinh, sinh viên và các bạn trẻ trên địa bàn tham dự.
Triển lãm giới thiệu 150 bản đồ, nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm, với 5 chủ đề chính: Phiên bản của các văn bản Hán Nôm, văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam và chính quyền Pháp ở Đông dương, thay mặt nhà nước Việt Nam đương thời, ban hành từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20, khẳng định quá trình xác lập thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Đặc biệt, 20 châu bản triều Nguyễn (từ triều Gia Long đến triều Bảo Đại) ban hành liên quan trực tiếp đến vấn đề khai thác, quản lý và xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dưới triều Nguyễn (1802-1945).
Phiên bản của các văn bản hành chính của chính quyền Việt Nam Cộng hoà ở miền Nam Việt Nam trong thời kỳ 1954 - 1975, tiếp tục khẳng định quá trình quản lý hành chính, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này.
Phiên bản của các văn bản hành chính nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ban hành từ năm 1975 đến nay, tiếp tục khẳng định, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Một số tư liệu ấn phẩm do các nước phương Tây biên soạn và xuất bản; 65 bản đồ chứng minh chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do các nước phương Tây xuất bản, công bố từ thế kỷ thứ 17 đến nay.
Bốn bản đồ (atlas) và 30 bản đồ do các nhà nước Trung Quốc xuất bản và phát hành chính thức qua các thời kỳ lịch sử thể hiện Trung Quốc không hề liên quan hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, như: Trung Quốc địa đồ, Trung Quốc toàn đồ (năm 1917), Trung Hoa bưu chính dư đồ (1919) và Trung Hoa bưu chính dư đồ xuất bản năm 1933..., cùng như tư liệu, hiện vật giá trị khác.
Triển lãm lần nay là hoạt động thông tin tuyên truyền quan trọng, nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài, đặc biệt tầng lớp thanh niên trong việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thông qua những tư liệu lịch sử được công bố, trưng bày, triển lãm.
Trước đó, 5 triển lãm, trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam- những bằng chứng lịch sử” được Bộ Thông tin & Truyền thông tổ chức tại Hà Tĩnh, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Thái Nguyên và mới đây tại Đắc Lắc (1/2014).
Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cùng lãnh đạo sở ngành, người dân tham dự triển lãm tư liệu chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.
Bạn trẻ chung khát vọng Hoàng Sa, Trường Sa
Chăm chú tại triển lãm
Ghi lại từng tư liệu, hình ảnh
Từ chiến sĩ hải quân…
Và đông đảo các tầng lớp nhân dân
Nhiều hiện vật: ốc, vỏ sò, san hô.... được chính các ngư dân mang về tặng bảo tàng khi đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa Đặng Công Ngữ trao giấy khen cho các đơn vị đóng góp lớn cuộc thi thiết kế kiến trúc nhà trưng bày Hoàng Sa.
Ba đơn vị thiết kế kiến trúc đạt giải Nhì - giải cao nhất cuộc thi - được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.
Những bản thiết kế này được lựa chọn từ gần 50 thiết kế đến từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông cùng Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thả cánh chim bồ câu tượng trưng khát vọng vì một Hoàng Sa, Trường Sa chủ quyền hòa bình, ổn định.