Đầu năm mới, doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa tiếp tục chia sẻ về những dự định và công việc cần phải làm với tàu ngầm tự chế Trường Sa.
Sáng ngày 6/2/2014, doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa đã có cuộc trao đổi với báo Đất Việt về những dự định với tàu ngầm Trường Sa. Trước khi kết thúc năm Quý Tỵ 2013, ông Hòa đã thử nghiệm thành công khả năng lặn nổi của tàu ngầm trong bể thử nghiệm đặt tại xưởng sản xuất của công ty và khả năng vận hành hệ thống không khí tuần hoàn AIP trong môi trường kín nước.
Ông Nguyễn Quốc Hòa chia sẻ: “Trong năm mới, tàu ngầm còn rất nhiều việc cần phải làm. Những lần thử nghiệm trước dù thành công nhưng đã bộc lộ nhiều điểm yếu cần khắc phục. Điểm đầu tiên đó là khoang lái của tàu ngầm đang quá chật hẹp, và khiến cho người lái khó có thể thao tác”.
Theo ông Hòa, tàu ngầm Trường Sa hiện đang được tích hợp rất nhiều tính năng, từ thiết yếu như động cơ, hệ thống không khí tuần hoàn, hệ thống điện, máy bơm thủy lực… cho đến những tính năng mở rộng như kính tiềm vọng, radar, hệ thống định vị GPS. Tuy nhiên, để mở rộng được khoang lái, doanh nhân này sẽ phải cân nhắc và loại bỏ một số tính năng chưa cần thiết.
“Tôi luôn muốn tàu ngầm Trường Sa phải hoàn hảo, đầy đủ mọi tính năng của một chiếc tàu ngầm thực thụ, tuy nhiên, có lẽ sẽ phải cắt giảm để tạo không gian cho người lái. Khi thử nghiệm khoảng 20, 30 phút trong môi trường nước, tôi cảm thấy sự không thoải mái, nếu như chạy với thời gian lâu hơn thì đó thực sự là một điều khó khăn. Tôi muốn người điều khiển phải có đủ không gian để ngồi nằm…”
Trước đó, trong cuộc thử nghiệm ngày 21/1/2014, một công nhân, mà theo cách gọi của ông Hòa là "cộng sự", anh Luật, kỹ sư của công ty cho biết: “Lý do khiến việc chú Hòa thử nghiệm không thành lần này vì khoang tàu rất nhỏ, chỉ đủ 1 người xoay sở, trong khi đó, có hàng chục cái van, nút ấn cần điều chỉnh, và hàng chục cái đồng hồ cần theo dõi. Ngay như việc bơm nước vào mũi và đuôi tàu để lặn xuống cân bằng cũng là một sự khó khăn mà chú Hòa chưa thành thục”.
Ông Nguyễn Quốc Hòa chia sẻ, khi thử nghiệm xuống nước mới thấy cần có sự rộng rãi của khoang lái và không thể quá tham lam với phiên bản đầu tiên này. Tôi sẽ ưu tiên việc làm cho tàu lặn nổi, di chuyển, hoạt động AIP và thoải mái cho người vận hành.
Doanh nhân người Thái Bình đang cân nhắc xem sẽ bỏ bớt tính năng nào, hoặc thu gọn lại một số bộ phận, thiết bị. Công việc này sẽ được tính toán trong thời gian tới bởi ông Hòa đang trong đợt nghỉ Tết và sau Tết phải gấp rút hoàn thành những hợp đồng kinh tế đầu năm.
Ông Hòa chia sẻ thêm, sau khi cân đối lại hệ thống máy móc và khoang lái, thử nghiệm thành thục, tàu ngầm Trường Sa sẽ được ra thử nghiệm tại sông Thái Bình hoặc một hồ nào đó gần xưởng sản xuất.
Theo Minh Tuệ - Đất Việt