VỌNG RA BIỂN
Giàn khoan Hải Dương 981: Tất tật luận điệu kệch cỡm, vô lối của TQ
07:23 | 18/05/2014

Trung Quốc sử dụng nhiều luận điệu để biện minh cho hành động của mình xung quanh giàn khoan Hải Dương 981 (HD981), nhưng không qua được mắt cộng đồng quốc tế.

Giàn khoan Hải Dương 981: Tất tật luận điệu kệch cỡm, vô lối của TQ
Tàu Việt Nam hư hại sau khi bị tàu Trung Quốc chủ động đâm
Trung Quốc "vừa ăn cướp vừa la làng"
Phát biểu trong một buổi mít tinh kỷ niệm 60 năm của hiệp hội Hữu nghị nhân dân Trung Quốc ngày 16/5 tại Bắc Kinh, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tuyên bố: "Không có gen xâm lược trong máu người Trung Quốc".
Tuy nhiên, tuyên bố của ông Tập Cận Bình trở thành “kệch cỡm” khi lịch sử chỉ ra rằng, Trung Quốc từng nhiều lần xâm lược các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Mới đây nhất, Trung Quốc có các hành vi khiêu khích khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) trong vùng biển Việt Nam nhằm hiện thực hóa yêu sách đường 9 khúc của nước này.
Sau khi Việt Nam lên tiếng phản đối hành động khiêu khích của Trung Quốc thì Bắc Kinh cử tàu chủ động đâm và dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam, trong khi các quan chức Ngoại giao Trung Quốc vẫn già mồm cho rằng tàu Việt Nam gây sự trước.
Hãng tin Reuters ngày 8/5 dẫn tuyên bố hài hước của ông Dị Tiên Lương, Phó vụ trưởng Vụ Biên giới và Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, tàu Việt Nam cố ý va chạm với tàu của Trung Quốc gần địa điểm hạ đặt giàn khoan HD 981; đồng thời kêu gọi Việt Nam rút các tàu ra khỏi khu vực này.
Ông Dị Tiên Lương giải thích rằng, tàu Trung Quốc có sử dụng vòi rồng, nhưng để phản ứng việc tàu Việt Nam đâm vào tàu Trung Quốc cũng như thực hiện các phương thức an ninh để phản ứng với sự khiêu khích từ phía Việt Nam.
Phó vụ trưởng Vụ Biên giới và Đại dương Trung Quốc Dị Tiên Lương cũng lớn tiếng tuyên bố: “Trung Quốc khai thác dầu tại khu vực thuộc chủ quyền Trung Quốc và Việt Nam không có phận sự gì tại khu vực đó. Trung Quốc sẵn sàng đàm phán với Việt Nam, nhưng Việt Nam phải rút tàu ra khỏi khu vực giàn khoan HD981”.
Bình luận của ông Dị Tiên Lượng được đưa ra sau khi Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình cho rằng: "không có xung đột nào xảy ra" kể từ khi giàn khoan dầu khí HD981 được hạ đặt trên Biển Đông hồi đầu tháng 5.
Khi bị các nước như Mỹ chỉ trích, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lặp lại luận điệu trắng trợn đã được các quan chức ngoại giao Trung Quốc đưa ra trước đó cho rằng, vùng biển hạ đặt giàn khoan HD-981 là vùng lãnh thổ của Trung Quốc và các nước khác không có quyền can thiệp.
Không những thế, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa cho rằng, Mỹ đang làm nóng căng thẳng Biển Đông bằng cách khuyến khích các nước có các hành vi nguy hiểm.
Mới đây nhất, Phát biểu tại Lầu Năm Góc, tướng Phòng Phong Huy ngang ngược cho rằng, Việt Nam đã cố ý gây rối bằng cách điều tàu tới quấy phá giàn khoan Hải Dương 981 được Trung Quốc cho là đang hoạt động trong vùng biển của mình.
Khi nói về căng thẳng trong khu vực, ông Phòng Phong Huy cho biết, Bắc Kinh không tạo ra rắc rối nhưng cũng không ngại đối mặt và Bắc Kinh sẵn sàng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
“Lãnh thổ Trung Quốc được truyền lại cho thế hệ hiện tại từ các thế hệ đi trước. Chúng tôi quyết tâm không để mất một tấc đất nào”, ông Phòng Phong Huy cho hay.
Như vậy, giới cầm quyền Trung Quốc một mặt lên tiếng tuyên bố về sự trỗi dậy hòa bình, một mặt “vừa ăn cướp vừa la làng” khi tiếp tục sử dụng luận điệu bóp méo sự thật khi khẳng định chủ quyền đối với khu vực Trung Quốc đang hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 cũng như quần đảo Hoàng Sa vốn thuộc chủ quyền Việt Nam.
Không qua được mắt cộng đồng quốc tế
Hành động, hành vi của Trung Quốc không qua được mắt cộng đồng quốc tế. Giới chức và học giả rất nhiều nước đã lên tiếng phản đối các hành động “khiêu khích” của Trung Quốc. Trong đó, Mỹ vẫn là nước lên tiếng mạnh mẽ nhất.
Ngày 7/5, nữ Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki phát biểu trong cuộc họp báo ngắn thường kì cho biết: “Chúng tôi cực kỳ quan ngại trước các hành vi đe doạ và gây nguy hiểm của các tàu Trung Quốc. Do vậy, Mỹ kêu gọi tất cả các bên hành xử an toàn, kiềm chế và giải quyết các tranh chấp về chủ quyền một cách hoà bình, ngoại giao và phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Cùng đó, bà Jen Psaki lần nữa nhắc lại quan điểm của nước này rằng, việc triển khai giàn khoan dầu của Bắc Kinh ở vùng biển tranh chấp là hành động “khiêu khích và vô ích” đối với an ninh trong khu vực.
Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc vào ngày 13/5, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng nhắc lại việc Trung Quốc hạ đặt hạ đặt giàn khoan dầu HD-981 ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) Việt Nam cũng như điều nhiều tàu hải quân tới bảo vệ giàn khoan này là hành động mang tính khiêu khích.
Tại cuộc họp báo trong chuyến công du Mỹ, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Phòng Phong Huy (Fang Fenghui) nói rằng giàn khoan nằm hoàn toàn trong lãnh hải của Trung Quốc vì nó "nằm trong khu vực 12 hải lý tính từ một trong số các đảo thuộc quần đảo Tây Sa" (tức quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc cưỡng chiếm từ năm 1974).
Tuy nhiên, tuyên bố của ông Phòng Phong Huy đã gặp phải sự phản đối từ các quan chức Mỹ. Các quan chức Mỹ cho biết giàn khoan nằm cách 17 hải lý so với điểm cực Nam của Hoàng Sa.
Tổng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey cũng lên tiếng cho biết: “Chúng ta phải thừa nhận về việc có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông bao gồm cả việc những người muốn thay đổi hiện trạng trong khu vực”.
Mới đây nhất, tờ Wall Street Journal của Mỹ số ra ngày 16/5 nhận định Trung Quốc đang cố gắng biện minh cho các nỗ lực bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981), vốn đang là trọng tâm của tranh chấp lãnh thổ căng thẳng với Việt Nam, kể cả khi một nhà ngoại giao cao cấp của Trung Quốc đã không ủng hộ những tuyên bố chính thức trước đó rằng giàn khoan nằm hoàn toàn trong lãnh hải nước này.
Tại cuộc họp báo ngày 16/5, ông Ouyang Yujing, Cục trưởng Cục Biên giới và các vấn đề Hải dương Trung Quốc cũng thừa nhận rằng, giàn khoan HD-981 nằm cách 17 hải lý tính từ điểm gần nhất của Hoàng Sa và vì thế là một phần của vùng tiếp giáp lãnh hải của Trung Quốc, chứ không phải lãnh hải, theo luật quốc tế.
Quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm của Việt Nam từ năm 1974 và không quốc gia nào trên thế giới công nhận đây là vùng lãnh thổ của Trung Quốc nên mọi biện minh của nước này liên quan đến quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa đều là trái pháp luật.

Theo Ngô Trang - Kienthuc.net.vn
 
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chân sóng (16/05/2014)