VỌNG RA BIỂN
Bộ bản đồ cổ và chủ quyền Hoàng Sa
07:58 | 09/07/2014

Mới đây nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh-Trần Viết Ngạc phối hợp với Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển thuộc Sở KHCN Thừa Thiên- Huế vừa tiến hành dịch, khảo chú chuyên đề sử liệu Việt Nam về 2 bộ bản đồ cổ Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư và Giáp Ngọ niên Bình Nam đồ, nằm trong bộ sách Hồng Đức bản đồ đang được lưu giữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm. Đây là những bằng chứng, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa từ thế kỷ XVII.                                                         

Bộ bản đồ cổ và chủ quyền Hoàng Sa
Trong "Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” bản chữ Hán có nói rõ "Giữa biển khơi có dải cát gọi là Bãi Cát Vàng, dài khoảng 400 dặm, rộng 20 dặm, đứng sừng sững giữa biển. Từ cửa biển Đại Chiêm đến cửa Sa Vinh”

Sưu tầm chưa đầy đủ, đến nay có khoảng 50 tấm bản đồ của người Việt, từ đời Lê đến đời Nguyễn, mô tả chính xác cảnh sắc, đường sá, lộ trình dọc theo đất nước. Trong số đó, "Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” và "Giáp Ngọ niên Bình Nam đồ” là 2 tác phẩm rất quan trọng. Đây là 2 bộ bản đồ rất sớm về vùng đất miền Trung có vẽ sơ lược về đường sá, sông ngòi, cửa biển, hải đảo, núi non và một số làng xã, chợ búa nổi tiếng thời bấy giờ, ghi chép các đồn lũy, đồn hỏa hiệu, việc bố phòng các đơn vị thủy binh, bộ binh của chúa Nguyễn, các dinh phủ, lỵ sở các phủ huyện. Đặc biệt kê rõ về lộ trình thủy bộ.

Trong "Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” của Đỗ Bá Công Đạo ghi rất rõ: "Hải trung hữu nhất Trường Sa, danh bãi Cát Vàng ước trường tứ bách lý, khoát nhị thập lý, trác lập hải trung, tự Đại Chiêm hải môn, chí Sa Vinh môn”…Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh cho biết: Nguyên văn tập bản đồ này viết: "Giữa biển khơi có dải cát gọi là bãi Cát Vàng, dài khoảng 400 dặm, rộng 20 dặm, đứng sừng sững giữa biển. Từ cửa biển Đại Chiêm đến cửa Sa Vinh, mỗi khi có gió Tây Nam thì thương thuyền các nước đi phía trong trôi dạt ở đây, khi có gió Đông Bắc, thuyền đi phía ngoài cũng trôi dạt ở đây và đều chết đói hết cả, hàng hoá các loại đều bỏ lại ở đó. Nhà Nguyễn hằng năm vào cuối đông đem 18 chiếc thuyền đến đó để thu đồ vật, phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn”.  

Trước đây, năm 1962, Viên Khảo cổ chính quyền Sài Gòn có xuất bản "Hồng Đức bản đồ”, nhưng do nhóm dịch thuật, biên soạn chưa nắm rõ các địa danh nên đã gây cho người đọc ít nhiều nhầm lẫn,  trong đó có "Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư”.  Việc dịch và khảo cứu lần này của nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh - Trần Viết Ngạc góp phần giúp cho người đọc tiếp cận rõ ràng, cụ thể hơn các địa danh, đặc biệt là các văn bản cổ có liên quan đến Hoàng Sa.

Cũng theo lời nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, "Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư”, do Đỗ Bá Công Đạo vẽ và ghi chú năm 1686, đến nay vẫn là tác phẩm rất sớm và rất quan trọng của người Việt khảo chú về Hoàng Sa, từ không gian phân bố, sự nguy hiểm cho tàu thuyền đi ngang qua, sự vùi lấp, trầm tích các hàng hóa, vàng bạc, kim loại, súng đạn của những chiếc tàu bị vỡ, và việc khai thác, thu lượm các hóa vật này của đội thuyền Hoàng Sa 18 chiếc từ tháng Chạp mỗi năm, phục vụ cho nhu cầu của chúa Nguyễn. Điều này khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa từ thế kỷ XVII.

Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh cho biết thêm: Trong kho tàng thư tịch Hán Nôm, từ "Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” của Đỗ Bá Công Đạo (1686), "Phủ Biên tạp lục” của Lê Quý Đôn (1776) cho đến "Nam Hà tiệp lục” của Lê Đản (1812), đều liên tục ghi chép về Hoàng Sa và tiếp tục khẳng định chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam, ít nhất là từ thế kỷ 17 cho đến thế kỷ 19 và cho đến sau này. Việc dịch, khảo chú về hai bộ bản đồ cổ lần này ngoài giúp cho người đọc nhận thức rõ hơn về những địa danh, đất nước, sự kiện nơi đây, còn có ý nghĩa quan trọng trong phát huy được thành quả phác thảo, ghi chép đầy tâm huyết của người xưa.

Về nhân vật Đỗ Bá Công Đạo, còn có tên là Đỗ Công Luận, người làng Bích Triều, xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, nay thuộc chi họ Đậu Cẩm Nang ở xã Thanh Mai, Thanh Chương, Nghệ An. Ông là người phóng khoáng, thích giao du. Là giám sinh nhưng ông không học theo khuôn khổ của trường Giám, mà tìm thầy giỏi học tư và tự học, rồi đi thi hội lọt được 2 trường. Tuy chưa đỗ Tiến sĩ nhưng người đời vẫn khen ông là người hay chữ. Đỗ Công Đạo cũng là người tinh thông môn địa lý phong thuỷ, truyền dạy được nhiều học trò giỏi. Gia phả họ Đậu ghi: "Đậu Công Luận thi trúng giám sinh vào năm đầu niên hiệu Dương Đức, đời Lê Gia Tông (1672), sau được bổ làm tri huyện Thạch Hà, được phong tước Đoan triều Nam”. Phần chép các kỳ tích của tổ tiên có chép rõ hơn: "Họ ta xưa có Đỗ Bá, tự Công Luận (hoặc Công Đạo), tuổi trẻ đã đậu Hương giải, triều đình gia ơn cho làm giám sinh, nhưng ông không lấy làm mừng. Ông lại là ấm tử, được bổ làm tri huyện, huyện Thạch Hà, ông cũng không muốn làm quan. Ông thường than rằng: Nước ta liền cõi Chiêm Thành, trước kia hàng năm bị xâm lấn, có lần giặc đã vào chợ Phuống, giết người cướp của, thậm khổ”.

Hiện nay trong kho sách Hán Nôm còn 4 tập bản đồ ghi tên Đỗ Bá Công Đạo. Thường trên 4 chữ "Tứ Trí Lộ Đồ” có thêm 2 chữ "An Nam”. Một trong bốn quyển đó là quyển "Đường từ phủ Phụng Thiên đến Chiêm Thành” có phần vẽ và chú giải bằng chữ Nôm về hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa ngày nay như sau: Ở khu vực phủ Thăng Hoa và phủ Quảng Ngãi phía ngoài biển hình bãi cát kéo dài từ cửa Đại Chiêm đến cửa Sa Kỳ với tên gọi Bãi Cát Vàng, là của An Nam.

Nguồn daiddoanket.vn

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng