VỌNG RA BIỂN
Ngoài biển xa nhà
09:13 | 07/08/2014

Đất liền, là đường về nhà. Ở trong đất liền, có bến đỗ thân yêu cho những ánh mắt, nụ cười hải quân neo đậu. Trên những hải trình ngày đêm và những hòn đảo vươn lên giữa sóng gió bốn bề, những người lính biển lại trở thành cột chủ quyền để gửi gắm niềm tin của đất liền và người dân khắp các nẻo quê nhà.

Ngoài biển xa nhà

Trước ngày chúng tôi lên đường từ quân cảng Cam Ranh – Khánh Hòa, ngày 28-4, tàu HQ 996 mới về bờ được bốn hôm. Chỉ có vài ngày thư thư một chút, nhưng không phải để nghỉ ngơi. Toàn tàu lại cấp tập làm vệ sinh, kiểm tra kỹ thuật, chuyển hàng hóa chuẩn bị cho hải trình tiếp theo. Rồi tổ chức đón tiếp, sắp xếp cho đoàn đại biểu gần 200 con người xuống tàu đợi giờ khởi hành. Và hơn 10 ngày sau đó, kết thúc chuyến công tác số 8 của năm 2014 đến với cán bộ, chiến sỹ, nhân dân quần đảo Trường Sa – Khánh Hòa, về cập tại cảng Cát Lái – TP.HCM, con tàu HQ 996 lại cuốn vào “chỉnh trang” và “ăn hàng” cho chuyến đi mới.

Đấy là những đợt dầy chuyến, anh em cán bộ, chiến sỹ của tàu làm việc với cường độ rất cao. Mỗi năm, một con tàu vận tải có khoảng sáu, bảy chuyến ra khơi, tạm khép lại những ngày lênh đênh sóng nước, tàu được về bờ “nghe” hơi thở đất đai. Nhưng ngôi nhà khổng lồ neo ở đó, còn người thì không nghỉ, vẫn tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ học tập, huấn luyện, chứ không phải không ra khơi thì được về nhà “xả láng”. Thượng úy Lê Ngọc Tân người Thanh Hóa mỗi năm chỉ về nhà có một lần. Đại úy Trần Văn Quân người Nam Trực, Nam Định, ông thân sinh là nhà văn Trần Anh Đào, hay viết các câu chuyện cảnh giác. Anh Quân đi nghĩa vụ năm 1992 rồi được ở lại phục vụ trong quân đội, đã công tác trên nhiều tàu, quay lại với HQ 996 vài năm gần đây. Định cư trong Khánh Hòa, nhiều việc tiếp nối nhau quá, xây nhà, sinh con, nghĩ đến việc về thăm bố mẹ là phải đông đủ vợ chồng con cái, thế nên có lần mãi bẩy năm anh mới trở lại với gia đình ngoài Bắc.

Tàu đi, thẳng hướng đảo, chở theo những hồi hộp của rất đông những người lần đầu tiên đi Trường Sa. Tôi cứ thấy cán bộ, chiến sỹ trên tàu, hầu như lúc nào cũng đang làm một công việc gì đó, đều đặn, liên tục. Hình như chỉ có đêm xuống, người lính mới tạm ngơi? Nhưng con tàu vẫn đi suốt đêm, và tổ lái luôn tỉnh táo ở vị trí, còn các thành viên tổ máy thì đi lại dưới hầm, giữa những dãy pít tông quay ầm ầm, tỏa sức nóng ghê gớm và mùi dầu nồng sặc đến ngột ngạt.

Không khí khẩn trương càng thêm hối hả khi hòn đảo đã vươn rõ hình, lấp lánh ở phía trước, như đỡ lấy trên đầu cả vùng trời lồng lộng. Lúc đó, tàu buông neo, thả xuồng để lần lượt đưa các đoàn đại biểu rời tàu vào đảo, rồi sau đó lại đón người từ đảo về tàu. Sóng dập dềnh trầm bổng, những chiếc xuồng bập bềnh ngả nghiêng, cứ nhô lên, chúi xuống, thành xuồng đập vào mạn tàu rầm rầm. Mỗi khi chuẩn bị vào thăm nhà giàn chơ vơ giữa trời nước thì sóng dập càng dữ. Khỏe mạnh, dẻo dai, nhanh nhẹn, phản ứng kịp thời…, không như thế, chiến sỹ của tàu không thực hiện được nhiệm vụ đưa đón có thể gọi là “nghệ thuật” này. Phải có người kéo chặt dây để mép xuồng song song, sát với thân tàu, có đội trên tàu đỡ khách trèo thang, có đội ở dưới xuồng đỡ khách thả mình xuống, khi mà chỉ trong vài giây, sóng cứ đẩy con xuồng dô lên rồi lại hụt xuống, lóng ngóng, chậm chạp là “dính” chấn thương, là mất chân như chơi!

Còn lúc tàu đã thong dong theo hải trình thì không phải cứ trên biển thích đi thế nào thì đi. Ngồi lái trong cabin, mắt hướng về phía trước, đại úy Lê Hồng Thanh cho biết, quan trọng nhất khi lái tàu là tránh va chạm với tàu khác, cho nên luôn phải quan sát, bằng mắt thường, bằng ra đa và điều chỉnh con tàu đi đúng hải trình. Người lái cũng phải thuộc các vùng biển, các bãi đá ngầm, như đường đi lối lại trên mặt đất vậy!

Trên “ngôi nhà” mấy tầng lúc nào cũng bồng bềnh ấy, những người của tàu dường như một cách tự nhiên, đã điều chỉnh trạng thái vận động của cơ thể cho phù hợp với chuyển động của tàu, để thích nghi và quen với sóng gió trong thời gian dài. Tất nhiên, cũng không phải là đá tảng mà lúc nào cũng có thể cứng được trước biển cả dập dềnh. Khi biển động, những khối sóng “đan” chằng chịt như những chóp nhà, nhất là vào dịp cuối năm sóng lớn, chuyến đi càng vất vả, đó là lúc sức chịu đựng của người lính trên tàu càng được thử thách. Nhiều chiến sỹ cũng mệt, cũng nôn nao và cũng say lảo đảo cả người, nhưng ai ở đâu, chỗ nào, vẫn phải đảm bảo nhiệm vụ nấy. Lính trên tàu không dễ bị quật ngã!

Thế nhưng trong những ngày “đi cùng” HQ 996, chúng tôi lại được gặp những chiến sỹ thuộc “thành phần” khá đặc biệt, vốn không thuộc biên chế của tàu, nhưng thực hiện nhiệm vụ tăng cường, bám tàu để lo hậu cần cho hàng trăm, hàng hai trăm con người suốt cuộc hành trình. Có người là chiến sỹ thông tin, có người bên kỹ thuật hay thuộc nhiều đơn vị, bộ phận với những nhiệm vụ khác nhau ở trên bờ, tức là đều không phải “dân” chuyên bếp núc, nhưng thiếu người thì phải gánh vác thôi. Người biết món này, người thạo món kia, không biết thì nấu cơm, nhặt rau, băm chặt, sơ chế… để lo ngày ba bữa chính, một bữa phụ, nóng sốt, sạch sẽ, đảm bảo sức khỏe cho một lượng người đông đảo. Chỉ có một nhóm anh em chiến sỹ làm công việc này, nên cả tổ cuốn vào từ sáng sớm đến tối mịt. Lại vốn không phải là “dân tàu”, nên chắc chắn đi biển sẽ chóng mệt hơn. Nhưng có khi bận tối mắt tối mũi lại “quên” cả say sóng!

Buổi tối, tôi gặp trung sỹ Nguyễn Minh Nghị lúc Nghị lên khu vực mũi tàu ngồi hóng gió, nghỉ một lúc trước khi lại xuống bếp với những chồng bát đĩa. Nghị quê gốc Đông Anh, Hà Nội, lớn lên ở Yên Sơn, Tuyên Quang sinh năm 1992, đi nghĩa vụ, làm chiến sỹ thông tin. Từ hồi vào lính, Nghị mới về nhà một lần thôi, vì thời gian “hẻo” quá! Bù lại, làm công việc giữa những dây nhợ, ắc quy, cần ăng ten, máy nói…, Nghị thấy rất hay vì được điều khiển, phân tích, suy luận và xử lý các thông tin, ký tín ám hiệu… Một công việc động não đầy hăng say! Nghị bảo, em đang có nguyện vọng được đi học trung cấp thông tin ở Cát Lái – TP.HCM để làm nhiệm vụ trên tàu. Những anh em khác cùng tổ nấu ăn với Nghị, trong ngày chia tay quyến luyến giữa phòng ăn “đậm đà” mùi xào nấu thì cho biết, hết nhiệm vụ dưới tàu, sẽ lại về bờ, lao vào những việc thường xuyên ở đơn vị mà nay, đang xếp lên ngập đầu vì dồn lại suốt hơn chục ngày qua. Nghĩa là không phải được điều động ra khơi mà “thoát” đâu, vẫn phải lo chu đáo những công việc khi mình đi vắng!

Cho nên có những lúc, tôi cứ thấy bộ đội hải quân ở trên tàu vận tải và cả trên bờ, cũng không “sướng” hơn anh em ta ở trên đảo là mấy! Cũng ngày đêm quần quật, công việc cường độ cao trong điều kiện thời tiết thất thường, cũng xa xôi cách trở gia đình hàng tháng, hàng năm. Chỉ có những ai xác định “ở đời” với Khánh Hòa, lập gia đình tại đây, hay chuyển nhà từ ngoài Bắc vào, và nếu làm việc trong bờ, thì vài tuần có thể về thăm gia đình được. Còn người ở ngoài đảo, thì…, hẵng cứ tính bằng năm!

Thượng úy Vũ Trung Hiếu thuộc Phân đội pháo 85 là người Hải Phòng, đã công tác ở đảo Trường Sa lớn một năm, về trong vùng 4 ba tháng lại được điều ra Song Tử Tây. Hiếu đã đưa vợ con từ Hải Phòng vào, vợ là cô giáo mầm non ở huyện Cam Lâm, còn con nhỏ thì đang học mầm non. Dạo ở Trường Sa lớn, vợ cũng được ra thăm chồng một lần. Chế độ thăm nom phân bổ hàng năm, mỗi đơn vị một số đồng chí được đăng ký cho một người thân ra, ai không đủ điều kiện thì chuyển cho người khác. Thế nên, vợ thăm chồng, bố, mẹ thăm con…, cũng không thể rộng khắp. Thôi, cứ chờ đợi hết năm, hoặc lâu hơn…, người lính về đất liền làm nhiệm vụ hoặc có đợt nghỉ phép, thì cả gia đình mới quây quần! Bây giờ có sóng điện thoại rồi, thỉnh thoảng gọi về nhà hỏi han tình hình công việc, sức khỏe, mệt nhọc, đau ốm thế nào, chuyện con cái học hành ra sao, con được mấy điểm 10, vợ vừa được tăng lương lên mấy phẩy…, cũng thấy đỡ thao thức. Thiếu tá Vũ Đức Hùng đã có lần áp điện thoại vào tai suốt đêm, cùng với nước mắt, vừa nghẹn ngào, cũng để cùng gia đình san sẻ những buồn đau.

Anh Hùng đã công tác ở bộ phận kỹ thuật đảo Sơn Ca trong thời gian gần 13 năm, thường xuyên ra đảo làm nhiệm vụ kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng kỹ thuật xe tăng. Trước Sơn Ca, anh đã có tám năm làm nhiệm vụ ở hai đảo Trường Sa lớn và Song Tử Tây. Năm 2011, ngày mùng 9 tháng 6 âm lịch, người anh từ quê nhà xã An Khanh, Quỳnh Phụ, Thái Bình gọi điện báo tin bố mất, anh Hùng lúc đó đang ở Sơn Ca, không có chuyến tàu nào vào đất liền, lại đang làm nhiệm vụ, không thể về quê cùng các anh chị em đưa tiễn bố được, anh chỉ biết khóc. Cả đêm thức trên đảo, cả đêm anh mở máy điện thoại để nghe mọi người ở nhà tường thuật, dõi theo diễn biến các hoạt động trong tang lễ của bố. Kể chuyện nhà mắt anh lại đỏ lên. Con gái lớn của anh, Vũ Thị Ngọc Huyền, ngày nào cũng nhắn cho bố một hai tin nhắn, bố nhớ giữ sức khỏe, bố nhớ mặc áo dài tay kẻo nắng cháy da, chúng con nhớ bố nhiều!

Ở nơi cách trở ngàn dặm nước non ấy, người lính hải quân lấy tập thể làm gia đình lớn để cùng hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc. Kế hoạch, phương án, các hoạt động thực hành lúc nào cũng chất chồng trên những vai áo đẫm mồ hôi, những mái đầu tóc đã rễ tre, những khuôn mặt da đã nâu bóng, đen sạm và ánh mắt vẫn rực sáng. Học tập, tăng gia, huấn luyện, kiểm tra, canh gác đêm ngày, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống, mọi điều kiện thời tiết. Tính kỷ luật cao, sức khỏe, sức bền, luyện tập thường xuyên cộng với ý chí sắt thép… giúp cán bộ, chiến sỹ lúc nào cũng ở trong tư thế, tác phong cơ động nhanh, kể cả những lúc giải lao, ngủ, nghỉ. Trưa nắng xoáy trên đầu cũng vậy, nửa đêm tối mịt cũng vậy, và lúc gió buốt, khi mưa giông quần nghiêng ngả những hàng cây, có lệnh là người lính nhanh chóng vào vị trí. Còn ngày ngày, trong các hoạt động, công tác bình thường theo chế độ, luôn có những ánh mắt dõi ra ngoài xa, rà soát xung quanh đảo và hướng lên bầu trời, để bám sát mọi động tĩnh bất thường. Trao đổi về công tác huấn luyện, kiểm tra của chiến sỹ Trường Sa, đại tá Nguyễn Viết Thuân – Phó Chỉ huy trưởng Lữ đoàn 146 vùng 4 hải quân cho biết: Với các nội dung thực hành, các loại súng pháo được trang bị, bắn đạn thật 100% đạt giỏi, ngay từ phát đầu trúng mục tiêu, ở tất cả các cự ly. Bắn cự ly xa nhất so với các loại vũ khí có trong biên chế đều trúng. Việc ứng dụng bắn mặt nước, bắn trên không ở quần đảo Trường Sa, được chỉ đạo của bộ tư lệnh, đã vận dụng có hiệu quả, sát thực, tăng thêm khả năng phòng thủ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo tổ quốc.

Lễ chào cờ và duyệt đội ngũ uy nghiêm trên những đảo nổi mà chúng tôi đến, 10 lời thề danh dự của quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam được chiến sỹ hô vang dưới cờ, trong những luồng nắng tràn xuống gay gắt. Mỗi lần, tôi lại nghe một chất giọng khác nhau, nghe nặng nặng thổ âm vùng miền, lời thề dõng dạc, cứng cỏi khiến lòng người nghẹn lại: Xin thề: …Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ, triệt để chấp hành điều lệnh, điều lệ, rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật và tác phong chính quy, xây dựng quân đội ngày càng hùng mạnh, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu... Luôn luôn cảnh giác tuyệt đối giữ bí mật quân sự và bí mật quốc gia. Nếu bị địch bắt dù phải chịu cực hình tàn khốc thế nào cũng cương quyết một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng, không bao giờ phản bội xưng khai… Đoàn kết chặt chẽ với nhau như ruột thịt trên tình thương yêu giai cấp; hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận; thực hiện toàn quân một ý chí…

Cùng với rèn luyện và ý chí, người lính trên hải đảo lấy cái tình để kết nối, để mỗi tập thể và mỗi cá thể trong những đội hình “mang dáng mũi tên” luôn thấy mình đứng chân trong một khối thống nhất, đoàn kết và vững chắc, từ đội hình của mỗi bộ phận cho đến tập thể lớn của đảo. Anh em lo lắng cho nhau từng viên thuốc lúc ốm mệt, truyền tay nhau tờ báo, cuốn sách có câu chuyện vui, chia sẻ chuyện nhà vốn có những khi cũng khiến lòng người bề bộn. Đêm giao lưu văn nghệ ở đảo Sơn Ca, Trung tá chỉ huy trưởng Đỗ Thế Tuyến phát những bông hoa cúc nhỏ cho các chiến sỹ lên tặng văn công. Trước rừng cánh tay đang vỗ, đang giơ cao làm sóng, anh Tuyến thường lên trước khởi xướng, kéo theo các chiến sỹ ào lên như đàn chim sẻ sà xuống sân thóc, tất cả nhảy múa cuồng nhiệt quanh nụ cười lấp lánh của các nữ ca sỹ, vũ công trẻ trung và hăng hái. Lúc chơi thì rất thoải mái, lúc làm phải nghiêm chỉnh, dứt khoát, cán bộ, chiến sỹ gắn bó trong một nhà, anh Tuyến nói.

Rồi đêm văn nghệ trên đảo Trường Sa lớn, phút chia tay giữa người ở đảo với người thăm đảo, nước mắt đã rơi. Bộ đội và người dân trên đảo ra đứng dọc cầu tàu, vẫy mãi, nhìn mãi những người trên tàu, nhất là những ánh mắt thiết tha hướng về đại úy, bác sỹ Lê Minh Phong – Trưởng bệnh xá Trường Sa lớn. Sau thời gian công tác trên đảo, Phong lên tàu trở về nhận nhiệm vụ mới tại TP.HCM, anh vẫy người này, gọi người kia, nhắc nhở một ai đó, đều từng là bệnh nhân của mình. Ở Trường Sa, Phong đã sơ cứu, cấp cứu, đã phẫu thuật, chữa trị cho nhiều đồng đội và bà con nhân dân, có những người ở đảo, những người khác là ngư dân đi đánh bắt ngoài khơi xa, bị thương rách thịt da chảy máu, gãy chân tay, sưng tấy, bầm dập… do tai nạn lao động. Bộ đội quần đảo Trường Sa lúc nào cũng sẵn sàng đón nhận, giúp đỡ, chữa trị cho bà con lúc gặp nạn. Theo thiếu tá Trịnh Công Lý – Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn, thì trong năm 2013 và bốn tháng đầu năm 2014, bộ phận quân y của đảo đã khám, cấp thuốc điều trị cho 752 lượt người, trong đó có 250 lượt người là dân và ngư dân của các tỉnh bị ốm đau trên biển. Còn ở đảo Song Tử Tây, cũng trong thời gian này, trên 400 lượt ngư dân đã được khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc, có 29 người được cấp cứu và 3 ca phải xin trên đưa máy bay vào cấp cứu trong bờ. Các đảo khác cũng vậy, bảo vệ cho ngư dân đánh bắt, tiếp sức cho dân bền bỉ vươn khơi bám biển trong những chuyến đi dài ngày, cứu chữa khi tàu thuyền của dân gặp sự cố. Bộ đội trở thành chỗ dựa cho dân khi máy hỏng, khi thiếu nhiên liệu, hết nước ngọt, cạn lương thực. Khi sóng to, gió lớn, bão tố nổi lên, đảo và tấm lòng chiến sỹ trở thành bến đỗ cho những con tàu không về kịp đất liền.

Khi người trong bờ lao động, sản xuất, kinh doanh, nghỉ ngơi, vui chơi, giao lưu… thì có những ngày, những tuần, những tháng, năm trên biển thường diễn ra như thế, nhiệt thành, bền bỉ nhiều khi đến mức phi thường. Đất liền, là đường về nhà. Ở trong đất liền, có bến đỗ thân yêu cho những ánh mắt, nụ cười hải quân neo đậu. Trên những hải trình ngày đêm và những hòn đảo vươn lên giữa sóng gió bốn bề, những người lính biển lại trở thành cột chủ quyền để gửi gắm niềm tin của đất liền và người dân khắp các nẻo quê nhà.
 

Văn nghệ trên đảo chìm Đá Thị 

Giao lưu văn nghệ trên đảo Sinh Tồn 

Duyệt đội ngũ trên đảo Trường Sa lớn 

Canh giữ cột chủ quyền trên đảo Sơn Ca 

 

Chiến sỹ đảo Nam Yết 

Chiến sỹ đảo Cô Lin hướng dẫn xuồng vào thăm đảo 

 

Theo VanVN.net

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng