VỌNG RA BIỂN
Nhật Bản tăng cường vai trò an ninh trên Biển Đông
14:43 | 12/03/2015

Nhật đang tích cực tăng cường vai trò an ninh trên Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang, có thể đe dọa đến các tàu chở hàng của nước này.

Nhật Bản tăng cường vai trò an ninh trên Biển Đông
Cảnh sát biển Việt Nam giám sát các tàu tuần duyên Trung Quốc xung quanh giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam năm ngoái. Ảnh: Reuters.

Theo Reuters, Nhật Bản đang củng cố quan hệ an ninh với các nước Đông Nam Á, như Philippines, Việt Nam, Malaysia và Indonesia nhằm đóng góp vai trò lớn hơn trong vấn đề an ninh Biển Đông, trước tham vọng chủ quyền lãnh thổ ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc. Tuy Tokyo không là một bên có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông nhưng lại có một mối lo ngại về nguy cơ Trung Quốc thống trị đường hàng hải mà các tàu chở hàng của Nhật thường qua lại.

Tập trận, hỗ trợ tàu

Hợp tác an ninh của Tokyo có nền tảng sâu rộng, từ cung cấp tầu tuần tra cho đến tập trận chung cùng với Philippines vào tháng tới.

Các cuộc tập trận hải quân dự kiến diễn ra ngoài khơi Philippines, là một phần của hiệp định an ninh mới được ký tại Tokyo hồi tháng 1 vừa qua. Hiệp định này cũng tạo khuôn khổ cho các cuộc đối thoại thường xuyên ở cấp thứ trưởng cũng như trao đổi sĩ quan cao cấp của cả hai bên.

Ngoài ra, 10 chiếc tàu tuần tra đang được Nhật đóng để bàn giao cho phía Philippines vào cuối năm nay.

Nhật được cho là đang cân nhắc hỗ trợ tài chính cho việc cải tạo hạ tầng căn cứ quân sự Philippines ở đảo Palawan, một trong những đảo lớn gần nhất giữa vùng đất liền Philippines và Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines, Đại tá Restituto Padilla, hoan nghênh các cam kết của phía Nhật và nói thêm rằng đây là điều hoàn toàn tự nhiên nếu Nhật và Philippines cùng nỗ lực giúp nhau giữ gìn an ninh hàng hải.

Ngoài ra, người đứng đầu Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản Gen Nakatani phát biểu hồi tháng trước rằng nước này cần xem xét lại chính sách không gửi máy bay tuần tra trên Biển Đông, khi xét đến tầm quan trọng của đường hàng hải khu vực này đối với Nhật. Phát biểu được xem là đáp lời một quan chức Hải quân Mỹ rằng Mỹ chào đón các chuyến bay tuần tra của Nhật trên Biển Đông.

Nhật cũng chuyển giao cho Việt Nam 6 tầu tuần tra đã qua sử dụng và tư vấn về điều trị chứng trầm cảm cho thủy thủ trên tầu ngầm.

Giới chức quốc phòng Nhật đang tiến hành đàm phán sơ bộ về việc cùng sản xuất vũ khí với Malaysia và Indonesia.

Song song đó, Thủ tướng Nhật Abe cũng tiến gần hơn về phía Australia. Nguồn tin Lực lượng Phòng vệ Nhật tiết lộ Canberra gần đây đã cử quan chức quốc phòng đến Tokyo để giúp Nhật Bản gây dựng quan hệ với Đông Nam Á. Còn theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Australia, một sĩ quan quân đội nước này đã được bổ nhiệm biệt phái sang Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản với thời hạn 18 tháng. Tuy nhiên, nhiệm vụ cụ thể của sĩ quan này thì không được tiết lộ.

“Xu hướng cần phải có”

Sự hỗ trợ của Nhật là bước triển khai từ quan điểm được Thủ tướng Shinzo Abe công bố tháng 5/2014 rằng Nhật nên giúp các nước Đông Nam Á duy trì tự do thông thương hàng hải và hàng không trên khu vực Biển Đông.

Các điều chỉnh vị thế quốc phòng của Nhật Bản trong thời gian tới đây sẽ cho phép ông Abe can dự sâu hơn nữa vào Đông Nam Á, ví dụ như chuyển từ viện trợ quân sự sang hỗ trợ tài chính mua vũ khí.

Sự hợp tác này thể hiện đường lối chính sách an ninh cứng rắn hơn của ông Abe, người rất muốn nới lỏng hạn chế trong bản hiến pháp hòa bình của Nhật được ban hành từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Sự hợp tác này cũng tương đồng với quan điểm tái cân bằng của Mỹ ở châu Á.

“Xu hướng này đang trở nên rõ ràng và tôi nghĩ người Nhật sẽ trở lại đúng như nó cần phải thế, bất chấp lo ngại từ phía Trung Quốc”, Ian Storey, chuyên gia an ninh thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, nhận định.

Trung Quốc hiện đang đẩy nhanh xây dựng đảo nhân tạo tại các rặng san hô và đảo vòng san hô ở Trường Sa của Việt Nam. Theo giới chuyên gia, việc xây dựng này sẽ cho phép Trung Quốc mở rộng phạm vi tác chiến của hải quân và không quân.

Một số chuyên gia tin rằng các đảo nhân tạo này sẽ dẫn đến việc Trung Quốc lập và kiểm soát một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà các máy bay khi bay qua sẽ phải báo cáo với Trung Quốc.

Năm 2013 khi Trung Quốc áp đặt vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, ngoài lên tiếng phản đối, cả quân đội Mỹ và Nhật đều ngay lập tức có động thái thách thức, như triển khai máy bay ném bom B-52 vào khu vực. Tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng các nước Đông Nam Á nhỏ hơn có thể gặp khó khăn hơn nếu như một ADIZ được thiết lập ở Biển Đông.

Một nhà hoạch định chính sách cấp cao của Nhật giấu tên nhận định rằng một vùng nhận dạng phòng không kiểu như vậy sẽ là thảm họa vì nó có thể sẽ hạn chế nghiêm trọng hoạt động hàng không và hàng hải trong khu vực.

Theo Minh Châu - vnexpress

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng