Diễn văn khai mạc Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN (AMM-48) của Ngoại trưởng Malaysia Dato Sri Anifah Aman gồm 20 đoạn, sau bảy đoạn nhập đề và định nghĩa ASEAN, đã dành ngay đoạn tám để nói đến vấn đề Biển Đông.
Đây rõ ràng là câu trả lời cho những ai cho rằng “Biển Đông không phải là vấn đề của ASEAN để bàn thảo”, rằng “không bao giờ nghĩ rằng diễn đàn đa phương là nơi thích hợp để bàn luận về những tranh chấp song phương”!
Một diễn đàn, như Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), là gì nếu không phải là một dịp để các bên cùng đối thoại? Một khi vấn đề Biển Đông không chỉ là những tranh chấp song phương mà đã trở thành một đe dọa an ninh quốc tế thì không đối thoại đa phương làm sao giải quyết được một cách toàn diện? Chính vì lẽ đó mà ngoại trưởng nước chủ nhà của AMM lần thứ 48 đã thản nhiên dành cho vấn đề Biển Đông cả một đoạn ở đầu bài diễn văn, qua đó tỏ rõ ý chí của ASEAN.
Không dừng ở đó, ngoại trưởng Malaysia đã cho thấy đất nước ông và cộng đồng ASEAN đang cảm nhận tình hình Biển Đông như thế nào bằng một đề nghị đòi hỏi tính cao thượng: “ASEAN có thể và nên đóng một phần tối quan trọng trong việc thực hiện một giải pháp hòa giải. Một giải pháp tôn trọng phẩm giá của mỗi quốc gia”.
Tại sao ngoại trưởng Malaysia lại yêu cầu “tôn trọng phẩm giá của mỗi quốc gia”? Đây không phải là một trò chơi ngôn ngữ như thường thấy trong ngôn ngữ ngoại giao, mà là phản ánh một tình hình thực tế đã và đang diễn ra trên Biển Đông mà trong đó có những hành động và hành vi xem thường phẩm giá các quốc gia khác. Việc dùng sức mạnh để nay lấn chiếm bãi đá này, mai kéo giàn khoan xâm lấn chỗ khác, mốt húc tàu thuyền ở chỗ kia... đều thể hiện cùng một thái độ xem chủ quyền các nước như không có, xem luật pháp quốc tế như giấy lộn, xem thiên hạ như rơm rác.
Để biến lời kêu gọi thành hiện thực, sẽ cần đến gì nếu không phải là một thái độ tôn trọng phẩm giá thiên hạ từ những ai đang chà đạp phẩm giá các nước khác và cả lòng tự trọng không tự đánh mất phẩm giá? Bằng cách đề cập đến vấn đề Biển Đông bất chấp sự cự tuyệt của ai đó, ngoại trưởng Malaysia đã tỏ rõ lòng tự trọng tôn trọng phẩm giá của nước ông và của ASEAN.
Chỉ khi nào xuất phát từ một thái độ “tôn trọng phẩm giá” các nước khác, mới có thể tiến tới bàn đàm phán và “giải quyết các vấn đề một cách hòa bình và hợp tác”, như theo đề nghị tiếp theo của ngoại trưởng Malaysia.
Về phần các nước ASEAN, nhất là các nước trong cuộc vốn đang “chịu trận”, ngoại trưởng Malaysia mô tả: “Chúng ta đã thực hiện một bước khởi đầu tích cực. Nhưng chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa”. Quả thật, các nước ASEAN đã kiên nhẫn hết cuộc họp ASEAN - Trung Quốc này sang cuộc họp khác, để rồi đến cuộc họp thứ 9 tuần rồi ở Thiên Tân mới đạt được kết quả là thông qua cấu trúc (tức dàn bài) của Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và thiết lập một đường dây nóng mà chưa rõ sẽ hoạt động như thế nào (cụ thể “ai” sẽ gọi cho “ai” và “ai” sẽ “nghe”...).