VỌNG RA BIỂN
Trung Quốc đang tự hủy hoại lợi ích cốt lõi vì tham vọng ở Biển Đông
14:37 | 24/08/2015

Trung Quốc cần hợp tác với các nước láng giềng để đạt được thỏa thuận hòa bình và ổn định trên Biển Đông vì chính lợi ích của Bắc Kinh.

Trung Quốc đang tự hủy hoại lợi ích cốt lõi vì tham vọng ở Biển Đông
Tàu tác chiến ven bờ USS Fort Worth của Mỹ tuần tra trên Biển Đông.

Những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc và việc xây đảo nhân tạo trái luật ở Biển Đông một lần nữa lại là chủ đề nóng bỏng trong cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo châu Á tại Hội nghị Đông Nam Á diễn ra ngày 20/8 vừa qua ở Kuala Lumpur (Malaysia).

Như thường lệ, Trung Quốc đã khước từ mọi nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận đa phương để chấm dứt những căng thẳng ở Biển Đông. Ông Masahiro Matsumura, Giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Momoyama Gakuin (Nhật Bản) nhận định, lập trường này đang đe dọa chính lợi ích của Bắc Kinh.

 

Theo Giáo sư Masahiro Matsumura, Trung Quốc rõ ràng đang tiếp tục tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo vị thế bá chủ ở Biển Đông. Nhằm củng cố chủ quyền phi lý trong khu vực, Bắc Kinh đã tiến hành các hoạt động cải tạo trên các rạn san hô ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam - PV).

Trung Quốc cũng đưa vũ khí cùng các máy bay và tàu chiến tới khu vực, đe dọa tự do hàng hải. Đây là điều mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã kiên quyết lên tiếng phản đối tại Kuala Lumpur.

Bên cạnh lời nói, Mỹ đã tiến hành những hoạt động cụ thể nhằm giám sát Trung Quốc ở Biển Đông. Hoa Kỳ khẳng định quan điểm tiếp tục tiến hành tuần tra trên không và trên biển, trong vùng biển và vùng trời mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền.

Mỹ cũng đàm phán về việc tăng cường hợp tác quân sự với Nhật Bản và Australia, nhằm kiềm chế Trung Quốc. Mặc dù Mỹ không công khai ủng hộ Philippines kiện Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, đơn kiện rõ ràng đã nhận được những phản ứng tích cực từ phía Mỹ và đồng minh.

Giáo sư Matsumura cho rằng Mỹ, Nhật Bản, các nước Đông Á và Tây Thái Bình Dương có trách nhiệm đảm bảo tuyến đường biển trong khu vực được thông suốt và hòa bình. Biển Đông bất ổn sẽ tác động đến chi phí vận chuyển hàng hóa và vật liệu tới chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Trong khi, sản lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên từ Vịnh Ba Tư đến thị trường châu Á chắc chắn sẽ bị gián đoạn.

Nhưng, Trung Quốc với chiến lược liều lĩnh lại là nước phụ thuộc vào các tuyến đường biển hơn bất cứ quốc gia nào khác. Giáo sư Matsumura đặt ra giả thuyết hình thành một tuyến hàng hải khác qua khu vực phía nam Indonesia tới eo biển Makassar và vùng biển Philippines.

Tuyến đường thay thế này sẽ dài hơn nhưng không gặp phải những trở ngại. Ngoài ra, các tàu thuyền cũng không phải đi qua eo biển Malacca, vốn đang trở thành tâm điểm của vấn đề an ninh và nạn cướp biển.

   Trung Quốc đang tự hủy hoại lợi ích cốt lõi vì tham vọng ở Biển Đông - Ảnh 2

Ngoài lợi ích an ninh rõ ràng và hòa bình trên Biển Đông, việc mở rộng tuyến đường biển mới cũng không tác động đến lợi ích chiến lược cốt lõi của Mỹ, Nhật Bản hay các quốc gia khác trong khu vực.

Trung Quốc trong khi đó, phụ thuộc vào tuyến đường hàng hải ở Biển Đông bởi mô hình tăng trưởng kinh tế của Bắc Kinh dựa vào các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu xuống phía Nam, bao gồm cảng ở Hong Kong, Thâm Quyến và Quảng Châu. Hơn 40% GDP của Trung Quốc là nhờ vào xuất khẩu, việc gián đoạn các tuyến đường biển sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế.

Đây là cơ hội để các quốc gia như Mỹ và Nhật Bản phô trương sức mạnh hải quân và khả năng ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các tuyến đường biển chiến lược, theo Giáo sư Matsumura. Trên danh nghĩa của hoạt động cứu trợ thiên tai, chống khủng bố và hợp tác an ninh, Mỹ và Nhật Bản có thể triển khai đội tàu sân bay hay tàu đổ bổ trong khu vực.

Cách tiếp cận này còn được tăng cường đáng kể bởi tàu ngầm và các máy bay tuần tra chống ngầm, công nghệ quân sự mà Mỹ và Nhật Bản vượt xa trước Trung Quốc hàng thập kỷ.

Rõ ràng, cả Mỹ và Nhật Bản đều không muốn đối đầu trực diện với Trung Quốc. Nhưng đó là điều cần thiết để Bắc Kinh chấm dứt những hoạt động cải tạo phi pháp trên Biển Đông. Bởi Mỹ và Nhật bản không có tuyên bố chủ quyền hay quan tâm đến nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông, hai nước là ứng viên lý tưởng để gửi thông diệp thuyết phục Trung Quốc đạt được một thỏa thuận đa phương.

Trong khi căng thẳng ở Biển Đông đang leo thang và có khả năng tác động đến tuyến đường biển quan trọng đối với Bắc Kinh, Trung Quốc cần hợp tác với các nước láng giềng để hướng đến một giải pháp hòa bình và ổn định chung.

Theo Đăng Nguyễn - Nguoiduatin

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng