Ngoài là khu công nghiệp khai thác mỏ, Quảng Ninh còn một thế mạnh khác không thể không nhắc đến, đó là biển đảo.Và vì thế đã bao năm qua, biển đảo trở thành nguồn cảm hứng vô tận của VHNT ở Quảng Ninh...
Để nâng cao chất lượng các bài viết về biển đảo, Hội VHNT Quảng Ninh đã tạo điều kiện để anh em văn nghệ sĩ đến thực tế sáng tác ở các vùng biển đảo Cô Tô, Vân Đồn, Hải Hà, Móng Cái. Hội VHNT Quảng Ninh đã phối hợp với Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng tổ chức chuyến thực tế sáng tác tại Cô Tô thu được nhiều sáng tác mới đăng tải trên các báo, tạp chí văn nghệ trong nước. Gần đây nhất, Hội VHNT Quảng Ninh cũng đã đăng cai Hội thảo “Nâng cao chất lượng sáng tác VHNT về biển đảo” và tổ chức cho các văn nghệ sĩ đi thực tế tại Vân Đồn.
Từ tháng 6-2010, Báo Hạ Long, cơ quan ngôn luận của Hội VHNT Quảng Ninh, đã mở chuyên trang “Biển đảo quê hương” nhằm tuyên truyền sâu rộng về vị trí vai trò, tiềm năng và thế mạnh của biển và hải đảo với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, góp phần củng cố hoà bình, hữu nghị hợp tác cùng phát triển với các quốc gia có chung biển Đông. Chuyên trang cũng đã giới thiệu những thành tựu phát triển của các địa phương, một số điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong phát triển kinh tế biển; phản ánh đời sống nhân dân lao động trên biển, tinh thần sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang trên đảo, nâng cao trách nhiệm của văn nghệ sĩ để nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về vị trí tầm quan trọng của biển đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những tác phẩm về biển đảo đã có tác động tích cực trong việc cổ vũ, động viên quân dân trên đảo yên tâm sản xuất, chắc tay súng bảo vệ quê hương.
Tính từ tháng 6 năm 2010 đến nay, Báo Hạ Long đã có trên 120 số báo đăng tải hàng trăm tác phẩm bút ký, truyện ngắn, gần 200 bài thơ về đề tài biển đảo. Có thể kể ra một số tác phẩm như: “Ghi chép ở Trường Sa” của Xuân Nhật, “Nắng gió đảo xa”, ký của Dương Phượng Toại, “Cô Tô vững vàng nơi đầu sóng” ký của Đặng Thị Thuý, “Ở lại với Lý Sơn”, ký của Hoàng Văn Thắng, “Thăm chồng nơi đảo xa”, ký của Nguyễn Hồ Cấn, “Người đàn bà của biển”, truyện ngắn của Đinh Đức Cường, “Biển mặn”, truyện ngắn của Vũ Quỳnh Giao v.v.. Cũng từ các trang báo này, nhiều chiến sĩ làm nhiệm vụ ở vùng biển đảo đã thành cộng tác viên đắc lực cho các báo như: Nguyễn Quang Tuyến (Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Ninh), Vũ Văn Hưởng (Lữ đoàn hải quân đánh bộ 147), Trần Quang Huy (Lữ đoàn hải quân 170) v.v..
Mảng ca khúc về biển đảo cũng gặt hái được nhiều thành công. Nhạc sĩ Xuân Nhật, Lê Thêm, Đỗ Hoà An có tác phẩm in trong tập 100 ca khúc về biển đảo Việt Nam do NXB Dihavina ấn hành, các tác giả cũng có mặt trong tập sách nhạc “Dậy sóng biển Đông” do Hội Nhạc sĩ Việt Nam ấn hành. Riêng nhạc sĩ Lê Đăng Vệ có tác phẩm “Từ Hạ Long mơ về Thăng Long” in trong tuyển tập 1000 năm Thăng Long, nhạc sĩ Vũ Việt Hồng ra mắt DVD “Biển Đông dậy sóng”... Nhiều ca khúc thể hiện chủ đề biển đảo được các nhạc sĩ viết với nhiều hình thức đa dạng phong phú như: “Tuổi trẻ trên biển quê hương” của Xuân Nhật, “Nỗi nhớ khơi xa” của Vũ Việt Hồng, “Trụ biển” của Đỗ Hoà An, “Cơn mưa từ dưới biển mưa lên” của Thế Phùng, “Đêm trên đảo” Lê Thêm v.v..
Lĩnh vực mỹ thuật cũng vậy, Quảng Ninh có nhiều cây cọ mới có tay nghề vững vàng, có kỹ thuật cao, thường xuyên khai thác đề tài biển đảo như: Lê Vân Hải, Nguyễn Hoàng, Nghiêm Vinh, Lê Na, Nguyễn Thị Thiền, Đặng Quốc Hùng, Nguyễn Sỹ Chuyên v.v.. Có thể kể ra những tác phẩm tiêu biểu về biển như: “Phơi buồm”, sơn mài của Lê Vân Hải, “Sau chuyến đi biển”, sơn dầu của Vũ Quý, “Thuyền trên bến”, sơn dầu của Kim Bảng, “Hạ Long sương tan”, bột màu của Nguyễn Hồ Cấn, “Bình minh Hạ Long”, sơn dầu của Phạm Phi Châu, “Bến thuyền”, bột màu của Tống Giang Minh, “Chiều về trên bến Hòn Gai”, sơn mài của Công Phú, v.v..
Về nhiếp ảnh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam, cho rằng, hiếm có nơi nào trên đất nước ta có chất liệu nhiếp ảnh phong phú như Quảng Ninh. Chất liệu ấy được tạo nên nhờ hình ảnh Hạ Long nói riêng và biển đảo nói chung. Sự rộng mở, phong phú của đề tài biển đảo cũng đã kéo theo sự rộng mở trong tư duy sáng tác đã giúp người cầm máy ở Quảng Ninh vươn lên thoát khỏi lối mòn. Các tay máy như: Đỗ Kha, Đỗ Khánh Giang, Dương Phượng Đại, Bạch Ngọc Tư, Cấn Đình Loan, Đỗ Khánh v.v. mỗi người một góc nhìn, một phong cách, đã tìm tòi lối đi riêng cho mình khi chụp ảnh về Hạ Long, Bái Tử Long.
Tóm lại, viết về đề tài biển đảo, VHNT Quảng Ninh tỏ ra có thế mạnh và đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Tại hội thảo “Văn học nghệ thuật địa phương với đề tài biển đảo và du lịch” được tổ chức tại Đồ Sơn, nhà văn Tùng Điển, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, cho rằng, các hội VHNT địa phương, trong đó có Quảng Ninh, đã có sự tiếp cận linh hoạt, nhạy bén trong quá trình sáng tác về biển đảo, để mảng VHNT này phát triển có quy mô và vị trí trong VHNT nước nhà...
Theo Huỳnh Đăng - Báo Quảng Ninh