VỌNG RA BIỂN
Chuyện cây dừa trên đảo Phú Quý
14:43 | 12/10/2015

Ở huyện đảo Phú Quý, từ lâu cây dừa đã trở nên thân thuộc, gắn liền với quê hương và con người xứ đảo.

Chuyện cây dừa trên đảo Phú Quý

Thật khó mà truy nguồn gốc và thời gian mà cây dừa có mặt ở hòn đảo này. Tuy nhiên, thông qua các câu chuyện kể dân gian, biết rằng Phú Quý xưa là vùng đất còn hoang vu, việc cây dừa hiện hữu ở đây hẳn là gắn với những bước chân của những di dân miền Trung đi khai mở đảo hồi thế kỷ thứ 16.

Cũng giống như ở các địa phương khác, dừa Phú Quý có nhiều loại nhưng phổ biến nhất là loại dừa ta (hay còn gọi dừa bung). Đây là loại có khả năng chịu hạn, mặn và gió bão tốt. Theo anh Lộc Hữu, người chuyên thu mua và cũng là người trồng dừa ở thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh cho biết: “Cây dừa rất dễ trồng, không mất công chăm sóc và tốn nhiều phân thuốc như các loại cây trồng khác. Thời gian cho quả rất dài, từ khoảng 20 - 30 năm, trung bình mỗi tháng thu hoạch một lần khoảng 8 - 12 trái/buồng”.

Dừa là một loại thực phẩm rất tốt đối với sức khỏe con người vì nó có nhiều khoáng chất và vitamin. Nước dừa là thức uống giải khát quen thuộc của nhiều người. Khách du lịch mỗi khi được thưởng thức đều có nhận xét là “Nước dừa đảo Phú Quý ngọt hơn dừa ở đất liền”. Điều ngạc nhiên, so với đất liền dừa tươi ở Phú Quý giá tương đối rẻ, dao động từ 4.000 - 7.000 đồng/trái. Riêng dừa khô giá từ 6.000 - 7.000 đồng/kg. Cơm dừa khô được chế biến thành nhiều món ăn. Người Phú Quý sử dụng cơm dừa để gói bánh, nấu xôi, làm mứt, nấu chè… Riêng lá dừa, gáo dừa, thân dừa rất hữu dụng. Thân dừa lâu năm có thể xẻ thành gỗ tấm, gỗ khúc để làm nhà hoặc đóng ghe. Lá dừa dùng để lợp nhà, lợp ghe thuyền, dùng để trang trí sân đình, vạn mỗi khi có dịp tế tự; ngoài ra lá dừa còn dùng để làm chổi quét sân,…

Không dừng lại ở đó, trong tiến trình lịch sử đảo Phú Quý dừa từng góp phần đánh đuổi quân thù, bảo vệ biển đảo quê hương. Ngày nay, khi đến xóm Bãi Dừa (thôn Đông Hải, xã Long Hải) chúng ta đều dễ dàng nghe kể lại câu chuyện về lịch sử tên gọi xóm Bãi Dừa. Chuyện kể rằng: “Thời xa xưa, lúc giặc đánh vào đảo. Thuyền chiến giặc binh lực hùng mạnh, đen ngút ngoài khơi. Lúc bấy giờ quân lực trong đảo thì không có. Lúc thập tử nhất sinh này, dân có kế sách lấy trái dừa đốt cháy đen rồi đem thả xuống biển, theo gió nam trôi ra khơi. Giặc thấy những đốm đen lúc nhúc tiến ra, tưởng quân ta lội ra tấn công, địch bắn trả nhưng dừa vẫn cứ lừ lừ tiến. Chính vì vậy, địch hết hồn rút lui không còn một bóng”.

Hiện nay, tuy chưa có số liệu thống kê có bao nhiêu cây dừa, hay diện tích trồng dừa trên đảo là bao nhiêu. Song từ bao đời qua, cây dừa vẫn kiên cường bám đất, giữ làng, phủ xanh đất đảo, giúp giảm sự cuồng nộ của bão táp phong ba, dâng hiến cho đời những dòng nước ngọt mát mang đậm vị mặn mòi của biển cả quê hương.

Theo THÀNH DANH- Báo Bình Thuận

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng