VỌNG RA BIỂN
Bắc Kinh sẽ tìm cách từ từ 'nuốt' biển Đông
09:41 | 20/10/2015

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Giáo sư Carlyle Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, nhận định, Trung Quốc sẽ có các động thái từ từ để củng cố sự hiện diện của mình ở biển Đông; nhiều vấn đề liên quan sẽ phụ thuộc cuộc bầu cử tổng thống Philippines vào năm tới.

Bắc Kinh sẽ tìm cách từ từ 'nuốt' biển Đông
Giáo sư Carlyle Thayer, Học viện Quốc phòng Úc.

Washington tuyên bố sẽ đưa tàu chiến, máy bay tuần tra tới sát các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép trên biển Đông? Liệu “lời nói có đi đôi với việc làm”?

Quan điểm chính thức của Mỹ là nước này không đứng về bên nào xét về mặt pháp lý trong số các bên có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông. Mỹ đã thông báo một chiến lược biển bao gồm việc xây dựng năng lực cho các quốc gia ven biển để họ bảo đảm an ninh biển của họ.

Mỹ và Trung Quốc không có điểm chung về vấn đề biển Đông. Hai bên đã xa cách nhau về vấn đề này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tái khẳng định tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với toàn bộ biển Đông. Ông Tập cũng tuyên bố rằng, tự do hàng hải không bị ảnh hưởng và Trung Quốc không quân sự hóa các đảo nhân tạo. Ngay trước chuyến thăm Mỹ của ông Tập, 2 máy bay phản lực của Trung Quốc quấy rối một máy bay tuần thám P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ. Mỹ đã ra tuyên bố về việc cho tàu đi lại, máy bay bay tới bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Tuy nhiên, Mỹ có thể sẽ tránh vào vùng nước 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ có các động thái từ từ để củng cố sự hiện diện của mình ở biển Đông. Nhiều vấn đề sẽ phụ thuộc vào cuộc bầu cử năm 2016 ở Philippines. Liệu tổng thống mới có thân thiện với Trung Quốc hơn đương kim Tổng thống Benigno Aquino hay không?

Theo ông, Mỹ sẽ phản ứng thế nào nếu Trung Quốc thiết lập Vùng nhận diện phòng không ở biển Đông?

Mỹ sẽ không bao giờ chấp thuận việc Trung Quốc tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông. Nếu Trung Quốc cố tình áp đặt ADIZ, Mỹ sẽ điều máy bay của mình tới không phận đó để khẳng định quyền tự do bay của họ. Đối với Mỹ, biển Đông là sống còn đối với quyền của chính nước Mỹ; biển Đông là một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới. Và điều quan trọng hơn là quân đội Mỹ cần biển Đông để duy trì vị thế siêu cường biển toàn cầu. Các máy bay và tàu của Mỹ phải quá cảnh Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Mỹ sẽ không bao giờ đặt an ninh của những đường bay và tuyến hàng hải này vào tay Trung Quốc.

Trước nguy cơ vấn đề biển Đông ngày càng “nóng”, các nước Đông Nam Á nên làm gì?

Các nước Đông Nam Á phải tăng cường ASEAN và chương trình nghị sự xây dựng Cộng đồng ASEAN. Mỗi quốc gia thành viên phải xây dựng năng lực phòng vệ của riêng mình. Tất cả các nước Đông Nam Á, đặc biệt là các quốc gia biển đều có lợi ích khi duy trì quan hệ tốt với cả Trung Quốc và Mỹ, đặc biệt là quan hệ thương mại và chính trị. Những nước này cũng cần Mỹ tham gia đương đầu Trung Quốc khi Bắc Kinh hung hăng.

Cảm ơn ông.

Theo TPO

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng