Ngày thứ hai tại Tòa trọng tài thường trực (PCA) The Hague, Philippines tiếp tục chứng minh các vi phạm "rõ rành rành" của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời tố Bắc Kinh liên tục kéo dài vụ kiện.
Hàng loạt sai phạm
Các lập luận của đoàn Philippines tập trung vào việc Trung Quốc hung hăng giành quyền độc quyền bên trong đường chín đoạn xâm phạm quyền khai thác và đánh cá của Manila.
Người phát ngôn Abigail Valte của tổng thống Philippines cho biết trong phiên tòa chiều 25-11, luật sư Andrew Loewenstein của nước này đã đưa các ảnh vệ tinh cho thấy hàng loạt hoạt động xây dựng, tôn tạo trái phép của Trung Quốc trên Đá Vành Khăn.
Ông cũng chiếu một đoạn video mô phỏng máy nạo vét cắt hút được Trung Quốc sử dụng trên Biển Đông, tàn phá thềm biển và chuyển cát đến những khu vực định sẵn.
Luật sư của Philippines cho rằng hành động này đã vi phạm chủ quyền của Manila đối với các nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật của Manila trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của nước này.
Manila đưa ra bằng chứng các vụ việc công ty tư nhân của Philippines bị ngăn thăm dò trên Biển Đông và tranh luận về lệnh đánh bắt cá mà Bắc Kinh áp dụng trong vùng EEZ của nước này.
Nhiều lời chứng của các ngư dân và việc Bắc Kinh cản trở việc đánh cá truyền thống của người dân Philippines cũng được đưa ra tòa.
Ông Loewenstein cho biết phía Trung Quốc không thỏa mãn ba điều kiện để tuyên bố các quyền lịch sử trong đường chín đoạn. Đá Vành Khăn, Cỏ Mây, Subi, Gaven… là những thực thể ngập dưới nước khi thủy triều lên nên không có lãnh hải, vùng EEZ hay thềm lục địa theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển UNCLOS.
Giáo sư Philippe Sands, luật sư của Philippines, đưa ra bằng chứng các hoạt động xây dựng mà Trung Quốc đã hoàn thành trên các bãi này và khẳng định điều này không làm thay đổi điều căn bản trên.
Philippines khẳng định điều 121 trong UNCLOS không thừa nhận các quyền hàng hải của các bãi đá bất chấp việc xây dựng của Trung Quốc. UNCLOS định nghĩa đảo là thực thể phù hợp để con người sinh sống và làm kinh tế. Phía Philippines đưa ra các bằng chứng rằng không có sự định cư dân sự trên các bãi đá trên quần đảo Trường Sa.
Anh xin làm quan sát viên
Tờ Guardian của Anh ngày 25-11 đưa tin London đã yêu cầu được tham dự cuộc tranh chấp pháp lý trên Biển Đông với tư cách “quan sát viên trung lập”. Anh cho biết động thái ngoại giao này chỉ là một sự can dự thông thường vào các vấn đề hàng hải quốc tế.
Yêu cầu của London đưa ra khá bất ngờ sau khi Anh tiếp đón nồng hậu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng trước.
Một số ý kiến cho rằng Bắc Kinh đã nhờ London tham gia như là một bên trung gian tiềm năng giữa cuộc đối đầu giữa Trung Quốc với Philippines và các nước châu Á và thậm chí là Mỹ.
Chỉ một số quan sát viên các nước trong khu vực gồm Nhật Bản, Singapore, Úc, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam được phép vào phiên tòa xử kín. Trước đó Mỹ đã xin được tham dự nhưng bị từ chối vì không liên quan đến tranh chấp lãnh thổ.
Theo TTO