“Biển Đông là một “vùng xám” cưỡng ép mà tại đó các lợi ích của Mỹ và Trung Quốc (TQ) chồng lấn hoặc xung đột nhau”, Tiến sĩ Brian Eyler nói.
Bắc Kinh bị đưa lên “ghế nóng”
Cho dù vấn đề Biển Đông đã bị gạt ra khỏi chương trình nghị sự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á–Thái Bình Dương (APEC) vừa qua tại Philippines nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc các nước thành viên không dám nói về chủ đề này.
Vì biết các tranh cãi tại Biển Đông sẽ không thể giải quyết sau một đêm cũng như các căng thẳng xuất phát từ các hành động của TQ trên biển sẽ không bỗng dưng dừng lại nên các nước trong khu vực luôn tìm tới những diễn đàn đa phương liên quan để lên tiếng về vấn đề này.
Hồi tuần trước, Bắc Kinh đã bị đưa lên “ghế nóng” trong các cuộc gặp bên lề tại Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS).
Tại cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Aquino nhân chuyến thăm Philippines, Tổng thống Obama đã góp lời kêu gọi TQ ngừng các hành động xây dựng đảo nhân tạo trái phép tại Biển Đông cũng như hành động quân sự hóa các đảo này. Ông nhấn mạnh, “cần có những bước đi táo bạo” để giảm căng thẳng.
Theo tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên khách mời tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore, giảng viên của Khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM, với Việt Nam, tranh chấp Biển Đông là vấn đề lớn nhất trong quan hệ với TQ và cũng là vấn đề an ninh. Nhưng Việt Nam còn có những mối quan tâm khác liên quan đến TQ như sự phụ thuộc quá mức vào hàng hóa nhập khẩu từ TQ, và sự ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh lên các nước láng giềng phía Tây là Lào và Campuchia.
Biển Đông-“Vùng xám” cưỡng ép
Cũng bàn về vấn đề Biển Đông, ông Brian Eyler, chuyên gia về các vấn đề xuyên biên giới tại vùng Mekong và chuyên gia về hợp tác kinh tế giữa TQ với Đông Nam Á đã phân tích sâu hơn về khía cạnh hợp tác và cạnh tranh giữa các nước lớn.
Ông Eyler dẫn lời chuyên gia Micheal Green (thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược–CSIS) để mô tả Biển Đông là một “vùng xám” (grey zone, tức vùng kiểm soát) ép buộc khi Mỹ và TQ sử dụng tranh chấp tại đây để gây sức ép lên các nước có yêu sách, nhằm tạo lợi thế cho lịch trình chính sách đối ngoại của mình.
Mở rộng khái niệm vùng xám ép buộc này, bao gồm cả các vùng xám hợp tác và vùng xám cạnh tranh trong quan hệ Trung–Mỹ, ông Eyler cho rằng, APEC là diễn đàn quan trọng để xác định những vùng xám hợp tác hoặc cạnh tranh khác, mà tại đó các lợi ích của Mỹ và TQ chồng lấn hoặc xung đột nhau.
Chính vì vậy, để làm sâu sắc hơn chính sách tái cân bằng tại Châu Á, Mỹ sẽ tăng tiếp xúc với các đối tác APEC, trong đó có TQ, tại các vùng hợp tác như biến đổi khí hậu và chống khủng bố, đồng thời tạo ra các cấu trúc cạnh tranh với TQ tại các vùng cạnh tranh như an ninh mạng, các thỏa thuận tự do thương mại, và đặc biệt là sự quản lý năng lượng và tài nguyên tại vùng cực và khu vực lục địa Đông Nam Á. Tập trung vào các vùng hợp tác và cạnh tranh này sẽ tạo ra sự hội nhập kinh tế, từ đó dẫn tới kết quả là tăng cường, chứ không phải là làm tắc nghẽn, mối quan hệ Mỹ-Trung.
Đúng như ông nhận định, Mỹ đã tận dụng các cơ hội tại APEC để biến các vùng xám cạnh tranh (như Biển Đông) thành các vùng hợp tác. Không khó để thấy, chính sách tái cân bằng của Mỹ tại Châu Á đã tạo ra không gian trong bối cảnh của tranh chấp tại Biển Đông đối với các nước như Philippines hay Việt Nam để làm sâu sắc hơn quan hệ an ninh và bắt đầu xây dựng các cơ chế chia sẻ tài nguyên. Indonessia và Malaysia cũng sẽ làm theo.
“Rồi một ngày, cái đà này sẽ dẫn tới chủ nghĩa đa phương trong ASEAN, mà Mỹ và TQ là những đối tác bên ngoài quan trọng”, ông Eyler nhận định.
Bằng chứng rõ nhất và mới nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sự mở rộng TPP đã là chủ đề chính tại Cấp cao APEC dù rằng thỏa thuận vừa được ký kết này vẫn chưa nhận được sự phê chuẩn của các quốc gia thành viên. TPP là một sáng kiến của APEC, và mọi thành viên TPP phải là thành viên APEC.
Những điều kiện thương mại mới được đưa ra, cùng với việc lương tăng và kinh tế giảm tốc ở TQ sẽ dẫn tới một sự thay đổi lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các nước không phải thành viên TPP tại Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia và Philippines sẽ khó tránh khỏi việc phải phản ứng với các cơ hội đã mất mà các nước TPP như Việt Nam và Malaysia được hưởng, và họ bắt đầu tính đến việc gia nhập thỏa thuận tự do thương mại lớn nhất hành tinh này.
Theo Linh Thảo - Vietnamnet