“Có người nói, biển chỉ toàn nước thôi. Nhưng nước mặn vì biết bao máu đổ. Có người nói, đảo chỉ toàn cát thôi. Nhưng cát từ san hô. San hô từ xương cốt ông cha hy sinh. Ơi đảo của ta.
Những cây bàng vuông, cây tra không gió bão nào quật ngã...” (Biển của ta-thơ: Hồ Thanh Điền; nhạc: Nguyễn Khánh Hòa). Vừa rồi, men theo lời ca diệu vợi trên, chúng tôi về với Quảng Ngãi - một tỉnh kết nghĩa với Nghệ An; nơi mà những năm qua có rất nhiều hoạt động hướng về biển đảo quê hương; trong đó có lớp lớp thiếu nhi thân thương của vùng đất Quảng địa linh nhân kiệt đầy thương, đầy nhớ.
Chúng tôi đã từng được tham dự những câu lạc bộ thơ của các em thiếu nhi khối THCS ở các huyện như Ba Tơ, Đức Phổ, Trà Bồng, Lý Sơn… Trong những chương trình sinh hoạt của các câu lạc bộ ấy, ngoài các hoạt động, như: Nhận tín hiệu morse, semaphore, nhận biết dấu đi đường, tìm hiểu kiến thức xã hội, các em đã có cơ hội thể hiện lòng yêu nước, tình yêu biển đảo quê hương, những cảm xúc của mình trước vấn đề Biển Đông bằng những vần thơ đầy xúc động.
Không chỉ riêng tôi mà hình như cả hội trường đã có những phút giây lặng im phăng phắc khi nghe một em học sinh ở huyện đảo Lý Sơn thể hiện bài thơ “Tổ quốc nơi biển đảo” của nhà thơ Lê Ái Siêm qua giọng ngâm ngọt ngào, sâu lắng và đầy chất trữ tình của mình: “Tổ quốc nơi nào mà không máu thịt/ Không vang vọng lời thề gìn giữ thuở cha ông?/ Tổ quốc được gọi tên trên môi người dân Việt/ Ngọn sóng Biển Đông cứ trào cuộn trong lòng”… Có em lại gửi gắm lòng mình qua những vần thơ “Gửi Trường Sa” của tác giả trẻ Trúc Mai: “Trên bản đồ Trường Sa thật gần/ Trường Sa thức giữ biển trời Tổ quốc/ Em muốn làm cánh hải âu bay ra ngoài ấy/ Cùng các anh chia nắng gió đêm ngày”.
Đặc biệt, có em còn giới thiệu về những cuốn sách mà em đã từng đọc và thấy thực sự hấp dẫn, bổ ích và mong muốn trao đổi cùng các thành viên khác. Đó là những cuốn sách quý như: Chủ quyền quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa qua thư tịch, tư liệu Việt Nam và nước ngoài; hay: Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt Việt Nam. Đây là những cuốn sách có hệ thống tư liệu phong phú, quý giá và có giá trị khoa học, lịch sử, pháp lý cao, khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa…
Không chỉ có vậy, cũng ở các câu lạc bộ này, các em còn thể hiện tình yêu biển đảo qua những ca khúc nồng nàn về biển. Lời ca như là lời khẳng định mạnh mẽ về chủ quyền và quyết tâm giữ vững chủ quyền của dân tộc Việt Nam. Nhịp tim tôi có lúc rung lên bởi khi thấy cả hội trường đứng dậy và cùng cất ca lời hát Quốc ca. Đó là lúc mà tất cả các thành viên nơi đây nghe xong lời ca khúc “Hát Quốc ca giữa đảo Trường Sa” của nhạc sĩ Cao Hồng Sơn: “Cờ Tổ quốc tung bay giữa sóng xanh, trời xanh, là ngọn sóng quê ta nơi đất mẹ Việt Nam. Hát Quốc ca giữa đảo Trường Sa mới thấy thiêng liêng tận đáy tim ta. Cờ Tổ quốc tung bay giữa sóng xanh, trời xanh, là ngọn sóng quê ta nơi đất mẹ Việt Nam. Hát Quốc ca giữa đảo Trường Sa mới thấy thiêng liêng tận đáy tim ta...”.
Đến với các em thiếu nhi ở bậc học tiểu học hay THCS trên địa bàn của tỉnh Quảng Ngãi, đâu đâu ta cũng bắt gặp ở đây những hội thi đầy thú vị, hấp dẫn mang chủ đề về biển đảo quê hương. Đến với những chương trình Ngày hội “Em yêu biển, đảo Việt Nam”, chúng ta sẽ được tham gia các hoạt động như: Xem triển lãm hình ảnh, phim tư liệu về biển, đảo Việt Nam; triển lãm tranh vẽ, các sáng tác thơ văn, các lá thư của các bạn thiếu nhi viết gửi cho các chiến sĩ hải quân; xem chương trình nghệ thuật “Em yêu biển, đảo quê hương”; thi vẽ tranh “Em yêu biển đảo Việt Nam”; tham gia các trò chơi vận động với chủ đề biển, đảo (như: Tiếp sức Trường Sa, tiếp nước Trường Sa, góp sức xây Trường Sa…).
Ở các triển lãm tranh vẽ và thi vẽ tranh của các em, ta sẽ thảng thốt giật mình trước các ý tưởng về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo trong các bức tranh đầy màu sắc. Có em hồn nhiên thể hiện ý tưởng “Nối liền lãnh thổ Việt Nam” trong một bức tranh có đường ngầm dưới lòng biển và con tàu cao tốc xuyên biển dũng mãnh. Có em lại thể hiện ý tưởng “rùa canh gác vùng biển khơi, ngăn chặn kẻ thù”...
Đến với các hội thi này, bên cạnh những nét vẽ hồn nhiên về sóng vỗ rì rào, những hòn đảo, con tàu xuôi ngược… nhiều học sinh đã sưu tầm đầy đủ tranh ảnh về cuộc sống của dân và quân trên huyện đảo Trường Sa. Đó là hình ảnh chú bộ đội hiên ngang ôm súng đứng gác ở cột mốc chủ quyền của Tổ quốc, là bước chân dũng cảm tuần tra suốt ngày đêm để những trẻ em tung tăng mỗi buổi sáng đến trường và nuôi dưỡng những ước mơ trở thành lính đảo trong tương lai. Đó còn là những tư liệu về lịch sử khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa... Riêng tôi, tôi có cảm nhận rằng, tuy còn nhỏ, nhưng các em đã sớm nhận thức được vai trò quan trọng của biển đảo quê hương. Chia sẻ với chúng tôi, một cán bộ trường học thuộc Trường THCS An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn cho biết: Biển đảo nói chung, Trường Sa, Hoàng Sa nói riêng bây giờ đối với tôi và các em học sinh thân yêu của tôi không còn là những hình ảnh xa vời nữa mà là những hình ảnh thật, rất chân thật- hình ảnh về mảnh đất máu thịt của Tổ quốc.
Giờ đây, trong lòng mỗi thầy trò chúng tôi, ai cũng mang trong mình những tình cảm thật nhất của những người con nơi đất liền hướng về biển, đảo, nơi có những người con ưu tú đang ngày đêm chắc tay súng để bảo vệ cho sự bình yên trên vùng biển trời của Tổ quốc. Các anh đã và đang thực hiện theo lời dạy của Bác Hồ khi đến thăm Quân chủng Hải quân: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Ôi thật là: “Sóng biển trắng như mây trời tụ lắng/ Suốt ngày đêm hoa sóng mãi dâng đầy/ Nơi thiêng liêng chủ quyền bờ cõi/ Những con tàu tuần tiễu phía chân mây/ Biển quê ta có Hoàng Sa, Trường Sa/ Có Cồn Cỏ, Cô Tô, Phú Quốc…/ Vùng hải đảo Tây Nam và Đông Bắc/ Dương cánh cung phên dậu giữ quê nhà...”.
Theo Nguyễn Thị Thọ - báo Quảng Ngãi