VỌNG RA BIỂN
Ra khơi với Đội tàu 67
09:17 | 07/03/2016

Đầu tháng 3 này, chiếc tàu vỏ sắt của anh Nguyễn Văn Nhân ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đã cùng với 13 chiếc tàu khác nhổ neo, vươn ra ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa truyền thống của mình. Đây là kết quả sau hơn một năm thực hiện đóng mới tàu thuyền có công suất lớn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ giúp ngư dân đóng tàu công suất lớn nhằm vươn khơi xa, bám biển dài ngày.

Ra khơi với Đội tàu 67
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tặng giấy khen cho thuyền trưởng và thuyền viên đội tàu 67 huyện Núi Thành. Ảnh QQ

Vừa kiểm tra lần cuối trước khi tàu xuất bến, anh Nguyễn Văn Nhân chủ tàu QNa 91441 TS chia sẻ: Tàu QNa 91441 TS có công suất trên 1000 CV được lắp đặt đầy đủ các phương tiện đi biển hiện đại và ngư lưới cụ để hành nghề khai thác hải sản dài ngày ở ngư trường khơi xa này là một trong số những chiếc tàu được đóng mới từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Chiếc tàu có tổng số tiền đầu tư trên 16 tỷ đồng, trong đó anh Nhân được vay 95% tổng số vốn đầu tư với lãi suất ưu đãi, gia đình anh góp phần vốn còn lại. Phương tiện có công suất lớn sẽ giúp bà con ngư dân nâng cao hiệu quả đánh bắt và đảm bảo an toàn hơn so với tàu vỏ gỗ có công suất nhỏ. Tàu vỏ sắt có công suất lớn và được trang bị đầy đủ các phương tiện đi biển hiện đại sẽ giúp ngư dân có đủ điều kiện bám biển dài ngày hơn.

Thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, huyện Núi Thành được UBND tỉnh Quảng Nam phân bổ chỉ tiêu đóng mới 50 tàu cá có công suất lớn với trang thiết bị hiện đại. Sau hơn một năm triển khai thực hiện, đến nay huyện Núi Thành đã có 49 chủ tàu được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện đóng mới tàu có công suất lớn. Hiện tại đã có 22 chủ tàu triển khai đóng mới, trong đó có 14 tàu vỏ gỗ và 8 tàu vỏ thép, số tàu còn lại đã được ngư dân ký hợp đồng tín dụng với các ngân hàng với tổng số vốn gần 200 tỷ đồng để triển khai đóng mới tàu có công suất lớn trong thời gian tới. Trong số tàu được triển khai đóng mới, có 14 chiếc mỗi chiếc có công suất từ 800 CV đến trên 1000 CV đã hạ thủy, số còn lại sẽ hoàn thành trong vòng từ 3-5 tháng tới. 

 

Đội tàu 67 của ngư dân huyện Núi Thành chuẩn bị vươn khơi bám biển dài ngày. Ảnh QQ

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, Quảng Nam cho biết, đóng tàu mới, có công suất lớn và trang thiết bị, ngư lưới cụ hiện đại là khát vọng của ngư dân. Vì vậy, ngoài số tàu đã hạ thủy, số tàu thuyền còn lại được đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, huyện Núi Thành sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để bà con ngư dân nhanh chóng hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Mặt khác, huyện cũng tạo điều kiện để ngư dân vay vốn đóng 2 tàu tàu cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá xa bờ, góp phần nâng cao năng lực vươn khơi của đội tàu thuyền và nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho ngư dân.

Nhằm đảm bảo tính công bằng, dân chủ, minh bạch trong việc xét chọn cá nhân đủ điều kiện đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, thành lập Hội đồng thẩm định danh sách các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Nghị định 67, các xã trọng điểm nghề cá như Tam Quang, Tam Hải, Tam Giang đã thành lập Tổ công tác thực hiện NĐ 67. Ngư dân huyện Núi Thành đã triển khai thi công đóng mới 22 chiếc gồm 08 chiếc tàu vỏ thép và 14 tàu vỏ gỗ. Hiện nay, đã có 14 chiếc hạ thủy gồm 04 tàu vỏ thép và 10 tàu vỏ gỗ. Điều đáng mừng nữa là do giá trị của mỗi con tàu khá lớn nên phần lớn các chủ tàu đã tham gia đầy đủ các loại hình bảo hiểm như: bảo hiểm thân tàu cá, bảo hiểm tai nạn thuyền viên, bảo hiểm ngư lưới cụ, bảo hiểm rủi ro đặc biệt. Tổng phí bảo hiểm trên 4,7 tỷ đồng, trong đó ngư dân nộp là 450 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ gần 4,3 tỷ đồng.

Với sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của các cấp chính quyền địa phương và các đoàn thể chính trị xã hội, ngành ngân hàng nên các chính sách hỗ trợ ngư dân theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ để ngư dân dần dần chuyển từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và bà con ngư dân đồng tình hưởng ứng. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để huyện Núi Thành từng bước chuyển từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ có giá trị kinh tế cao hơn, đồng thời góp phần vào bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành nhấn mạnh./.

Theo báo Đảng Cộng Sản

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng