VỌNG RA BIỂN
32 năm bám biển Trường Sa, Hoàng Sa
10:06 | 16/03/2016

Ngư dân Lê Văn Chiến (tổ 10, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) được nhiều người biết đến không chỉ bởi "thâm niên" 32 năm bám biển và là người dẫn đầu về thu nhập sau mỗi chuyến đi biển, ông còn được nhiều người tín nhiệm, coi là "thủ lĩnh" của phong trào đoàn kết, cùng ngư dân tương trợ, giúp đỡ nhau bám biển, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

32 năm bám biển Trường Sa, Hoàng Sa
Ngư dân Lê Văn Chiến. Ảnh: Trúc Hà

Chỗ dựa của nhiều ngư dân

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghề biển, ngư dân Lê Văn Chiến được thừa hưởng nhiều kinh nghiệm đi biển từ ông và cha để lại. "Năm 13 tuổi, tôi đã bắt đầu đi biển. Trước đây, khi điều kiện khó khăn, ngư dân làm gì có nổi cái máy Icom, máy dò cá hay đơn giản hơn là máy bộ đàm để gọi, nhắn tin như bây giờ. Đó là chưa nói có được cái radio để nghe dự báo thời tiết cũng không dễ, nên mỗi khi "trái gió trở trời" trên biển hay lúc máy móc, tàu thuyền hư hỏng..., ngư dân phải tự thân đối diện với hiểm nguy của đại dương. Nhưng cũng chính trong khó khăn ấy, đòi hỏi mỗi ngư dân phải tự tích lũy kinh nghiệm cho mình..." - ngư dân Lê Văn Chiến chia sẻ.

"Đi rừng nhớ cây, đi biển nhớ sóng", cũng bởi có "xuất phát điểm" như vậy nên bây giờ không cần máy móc định vị, ông Chiến vẫn nắm chắc phương hướng, biết được các ngư trường trên Biển Đông theo mỗi mùa khai thác. Và nhờ già dặn kinh nghiệm đi biển nên ông luôn bình tĩnh trong việc xử lý những bất trắc, rủi ro xảy ra trên biển. Chính vì thế, từ lâu, ông được mọi người coi là  "thủ lĩnh" trong những chuyến vươn khơi.

Nói về những "đóng góp" của ngư dân Lê Văn Chiến đối với cộng đồng  ngư dân địa phương, cũng như giúp BĐBP nắm tình hình trên biển, Trung tá Nguyễn Văn Thương, Chính trị viên Đồn BP Phú Lộc cho biết: Đối với các ngư dân thì ông Chiến được nhiều người coi như chỗ dựa để đi biển. Ông không chỉ giỏi trong việc tìm kiếm, phát hiện những ngư trường nhiều cá để thông báo cho mọi người cùng khai thác, mà còn là người rất nhiệt tình, luôn kêu gọi và đoàn kết mọi người để cùng nhau giúp đỡ, tương trợ nhau mỗi khi có thiên tai, hoạn nạn xảy ra.

Ông Chiến cũng cung cấp rất nhiều thông tin trên biển cho đơn vị, từ thông tin các tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền hay thông tin các tàu gặp nạn, ông đều báo cáo kịp thời cho đồn BP. Đặc biệt, năm 2014, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Việt Nam, tàu ông Chiến luôn kiên cường bám biển. Ông còn tích cực vận động bà con bình tĩnh, khôn khéo bám giữ ngư trường, không để phía Trung Quốc gây phương hại hay căng thẳng trên biển. Sau khi Trung Quốc rút giàn khoan, tại vùng biển này, hằng ngày luôn có đội tàu cá của ngư dân Đà Nẵng có mặt để đánh bắt, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Không giấu niềm vui vì những hiệu quả sau mỗi chuyến ra khơi, ngư dân Lê Văn Chiến cho biết, từ năm 2011, khi ông được Hội Nông dân phường Xuân Hà và Phòng Kinh tế quận Thanh Khê chọn thí điểm mô hình sử dụng máy tầm ngư dò ngang, do Trung tâm Khuyến ngư TP Đà Nẵng lắp đặt và là tàu cá đầu tiên sử dụng máy dò ngang được ứng dụng tại Đà Nẵng. Nhờ đó, năng suất mỗi chuyến biển của ông đều cao hơn trước, doanh thu mỗi năm lên đến vài tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí, ông lãi gần 1 tỷ đồng. Riêng với 3 chuyến biển gần đây nhất đã giúp ông thu về hơn 1,5 tỷ đồng.

Và cũng nhờ việc làm ăn hiệu quả này, ông được các ngư dân trong phường bầu làm Tổ trưởng Tổ khai thác xa bờ với đội tàu 5 chiếc công suất từ 90CV đến 500CV cùng hơn 50 lao động làm việc thường xuyên. Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, phường Xuân Hà giao ông trách nhiệm làm Hội trưởng Hội nghề cá của phường, phụ trách 9 tàu đánh bắt xa bờ với hơn 90 thuyền viên, luôn lấy ngư trường Hoàng Sa làm ngư trường đánh bắt chính.

Nhiều lần làm việc nghĩa

Năm 13 tuổi, ông đã đi biển, năm 21 tuổi, ông được cha chính thức giao cho làm Thuyền trưởng con tàu 60CV, cùng hơn 10 lao động. Tiếp đó là những ngày rong ruổi hết ngư trường Hoàng Sa đến ngư trường Trường Sa để theo luồng cá. So với bây giờ, tàu 60CV là nhỏ nhưng thời ấy, tàu như thế đã là lớn và đủ mạnh để bám biển xa. Trong vòng 10 năm làm thuyền trưởng con tàu này, ông đã tích lũy được một số vốn và được chính quyền, Hội nghề cá địa phương giúp đỡ để vay thêm tiền ưu đãi từ ngân hàng để mua một con tàu lớn hơn, đảm bảo hơn khi khai thác dài ngày trên biển.

Năm 1995, ông Chiến đã sở hữu con tàu ĐNa 90351TS có công suất 500CV với tổng trị giá 700 triệu đồng. Cũng kể từ đây, ông có điều kiện để bám biển dài ngày và đã giúp đỡ, cứu sống nhiều ngư dân, tàu thuyền khác bị tai nạn trên biển. Ông Chiến không nhớ nổi là đã cứu bao nhiêu người, bao nhiêu tàu, bởi theo cách nghĩ của ông, bà con gặp khó khăn thì giúp nhau làm ăn, gặp nguy hiểm thì cứu giúp để an toàn về với gia đình.

Ông Phạm My Em (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) gần 10 năm trước gặp cảnh "thập tử nhất sinh" trên biển, đã được ông Chiến và các ngư dân ra tay cứu giúp. Khi ấy khoảng 4 giờ sáng, ông Em và mọi người đang câu mực vùng biển Hoàng Sa thì bình ga trên tàu phát nổ. Nhận được tin kêu cứu từ máy bộ đàm của tàu ông Em, lập tức, ông Chiến bảo anh em thu lưới, nhổ neo và thẳng hướng có lửa cháy với tốc độ cao nhất để cứu hộ. Đồng thời, ông cũng lên máy liên lạc với các tàu gần đó cùng đến tham gia ứng cứu. Khi đến nơi, tàu ông Em đã bị chìm, ngổn ngang các thiết bị trôi dạt trên biển. Lúc này, ông Chiến bảo anh em trên tàu và một số tàu khác đến cứu hộ nhanh chóng tìm vớt người bị nạn.

Tại hiện trường, mọi người phát hiện có 2 người còn sống nhưng bị thương nặng (một bị bỏng và một gãy chân). Ông cùng mọi người vớt 2 người bị thương lên để sơ cứu và điện về Đồn BP Phú Lộc, Trung tâm cứu hộ, Đài Duyên hải miền Trung để gọi cấp cứu. Sau đó, ông chỉ đạo mọi người tiếp tục tìm kiếm và cứu sống 15 người khác đang trôi dạt trên biển. Đưa được hết số người lên tàu, ông cho mở hết tốc độ để đưa người bị nạn đi cấp cứu. Cái khó lúc này là, 2 người bị thương liên tục sốt cao, tính mạng rất nguy kịch. Sau nhiều giờ đồng hồ sơ cứu theo hướng dẫn của bác sĩ từ đất liền qua bộ đàm, cuối cùng, tàu của ông cũng đã gặp được tàu cứu hộ và bàn giao để họ cấp cứu.

Hay như lần gần đây nhất vào cuối tháng 6-2015, trong lúc đang đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa, ông nhận được tin báo, tàu ông Trần Văn Thanh (ngư dân Đà Nẵng) trong lúc hành nghề câu mực đã gãy trụ cẩu làm 3 người bị thương nặng, trong đó, có 1 người tính mạng rất nguy kịch. Lập  tức, ông Chiến đã cho tàu chạy hết tốc độ về hướng tàu bị nạn và tiến hành cấp cứu, đồng thời liên hệ về đất liền xin tàu ra cứu hộ. Với các nạn nhân bị thương, ông và các thuyền viên trên tàu tận tình chăm sóc, cứu chữa. Ngoài việc sử dụng hộp thuốc cứu hộ trên tàu để sơ cứu, ông còn tích cực động viên mọi người yên tâm cho đến khi Trung tâm cứu hộ hàng hải Khu vực 2 từ Đà Nẵng đưa tàu ra cứu hộ và đưa những người bị thương về đất liền chữa trị...

Theo Trúc Hà - Đình Tăng - báo Biên Phòng

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng